Hòa Phát mua mỏ quặng sắt 320 triệu tấn tại Australia

Công ty con tại Australia của Tập đoàn Hòa Phát đã được phê duyệt hợp đồng mua 100% cổ phần dự án mỏ quặng sắt Roper Valley, với trữ lượng 320 triệu tấn.

Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cho biết đã được Ủy ban Đầu tư Nước ngoài Liên bang Australia (FIRB) chấp thuận phê duyệt hợp đồng mua 100% cổ phần dự án mỏ quặng sắt Roper Valley của công ty con thuộc tập đoàn tại quốc gia này.

Ước tính, mỏ quặng sắt này có trữ lượng khoảng 320 triệu tấn và công suất khai thác 4 triệu tấn/năm.

Dự án này nằm trên khu đất Roper Gult Region, Northern Territory, gồm 5 điểm mỏ, thuộc sở hữu 100% bởi Công ty Northern Territory Iron Ore Pty Ltd (NTIO) trước đó. Thậm chí, theo JORC - Tiêu chuẩn về báo cáo trữ lượng quặng và khoáng sản Australia, dự án có trữ lượng lên tới 488 triệu tấn.

Lãnh đạo Hòa Phát cho biết sau gần một năm đàm phán, tập đoàn đã đặt bước chân đầu tiên đầu tư vào thị trường có nguồn cung quặng sắt lớn nhất thế giới là Australia. Sau giao dịch, Hòa Phát sẽ toàn quyền quản lý và khai thác quặng sắt từ mỏ Roper Valley, phục vụ cho Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất.

 Mỏ sắt tại Australia của Hòa Phát. Ảnh: HPG.

Mỏ sắt tại Australia của Hòa Phát. Ảnh: HPG.

Hiện tại, Hòa Phát cũng đang tiếp tục nghiên cứu để đầu tư mua thêm một số mỏ quặng sắt mới tại quốc gia này, với mục tiêu đảm bảo về lâu dài nguồn cung ít nhất 50% nhu cầu quặng sắt của tập đoàn (tương đương 10 triệu tấn/năm).

Theo lãnh đạo tập đoàn, nguyên liệu cấu thành chiếm đến 30% giá thép là than luyện cốc, hiện được Hòa Phát nhập khẩu từ Australia. Vì vậy, việc mua thêm một vài mỏ than luyện cốc tại Australia trong tương lai sẽ giúp tập đoàn tự chủ nguồn nguyên liệu sản xuất quan trọng.

Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra cuối tháng 4 vừa qua, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát cho biết tập đoàn có hoạt động đàm phán với đối tác để mua mỏ quặng sắt tại Australia.

Tuy nhiên, ông Long cho biết không nhất thiết phải mua bằng được mỏ quặng này vì tập đoàn vẫn có nhiều nguồn cung nguyên liệu khác với giá thành tốt. Trường hợp mua mỏ quặng mà mang lại lợi thế kinh doanh thì tập đoàn mới chấp nhận chi tiền.

Ngoài Australia, ông Long cho biết tập đoàn đã lập bộ phận nghiên cứu để thương thảo mua các mỏ quặng tại một số quốc gia khác như Nam Phi. Mục đích chính của các thương vụ này là để tối ưu hóa hệ sinh thái và tự chủ nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho dự án liên hợp gang thép Dung Quất hiện nay và giai đoạn 2 dự kiến đi vào hoạt động năm 2024.

Ông Long cho biết thêm với diễn biến thị trường hiện nay, doanh thu cả năm 2021 của Hòa Phát có thể đạt 120.000-140.000 tỷ đồng. Và nếu hoàn thành dự án Dung Quất giai đoạn 2, doanh thu có thể đạt trên 200.000 tỷ.

Theo kế hoạch kinh doanh, Hòa Phát kỳ vọng doanh thu cả năm nay đạt 120.000 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2020. Đây cũng là năm đầu tiên nhà sản xuất này đặt kế hoạch doanh thu vượt mốc trăm nghìn tỷ kể từ khi đi vào hoạt động năm 1992.

Cùng với kế hoạch doanh thu kỷ lục nói trên, Hòa Phát kỳ vọng lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 18.000 tỷ, cũng tăng hơn 33% so với năm liền trước và là mức lợi nhuận kỷ lục.

Theo báo cáo tài chính quý I vừa qua, Hòa Phát ghi nhận gần 31.500 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế 7.005 tỷ đồng, tăng lần lượt 61% và 200% so với cùng kỳ năm trước.

Đây cũng là mức doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục mà "vua thép" ghi nhận được trong một quý kinh doanh.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hoa-phat-mua-mo-quang-sat-320-trieu-tan-tai-australia-post1221706.html