Hòa Phát có quá lạc quan vào nhu cầu tiêu thụ thép HRC?

VDSC cho rằng nhu cầu thép cuộn cán nóng (HRC) trong nước không thực sự lớn và cả hai nhà sản xuất là Hòa Phát và Formosa sẽ phải trông đợi hoạt động xuất khẩu diễn ra thuận lợi để có thể tiêu thụ hết sản lượng của họ.

 Hòa Phát có quá lạc quan vào nhu cầu tiêu thụ thép HRC?

Hòa Phát có quá lạc quan vào nhu cầu tiêu thụ thép HRC?

Trong chuyến thăm khu liên hợp thép Dung Quất gần đây, ban lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát khá lạc quan về nhu cầu thép cuộn cán nóng (HRC) khi họ đề cập rằng trong năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 12 triệu tấn HRC. Cùng kỳ, sản lượng bán hàng của Formosa ở thị trường nội địa là hơn 3 triệu tấn.

Nếu Formosa bán hết công suất tối đa của họ là 5,2 triệu tấn HRC, thị trường vẫn sẽ còn nhu cầu khoảng 7 triệu tấn cho Hòa Phát, trong khi nhà máy sản xuất HRC của tập đoàn này chỉ có công suất HRC từ 2,4-3 triệu tấn.

Tuy nhiên, theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) trong báo cáo công bố mới đây, 11 tháng năm 2019, tổng nhu cầu HRC của các nhà sản xuất hạ nguồn chỉ đạt 5,6 triệu tấn, trong đó lượng xuất khẩu là 1,6 triệu tấn.

VDSC giả định tốc độ tăng trưởng của nhu cầu hạ nguồn của HRC là 10%/năm và loại trừ sản lượng xuất khẩu do tính biến động cao, thì sản lượng tiêu thụ HRC nội địa vào năm 2021 chỉ khoảng 5,28 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với công suất của Hòa Phát và Formosa cộng lại là 7,6-8,2 triệu tấn.

"Do đó, chúng tôi cho rằng nhu cầu HRC trong nước không thực sự lớn và cả hai nhà sản xuất này sẽ phải trông đợi hoạt động xuất khẩu diễn ra thuận lợi để có thể tiêu thụ hết sản lượng của họ", chuyên gia của VDSC nhấn mạnh.

Dù vậy, theo công ty chứng khoán này, mảng thép HRC của Hòa Phát sẽ được hỗ trợ đáng kể bởi nhu cầu nội bộ.

Hiện tại, Hòa Phát có 3 nhà máy ống thép và 1 nhà máy tôn mạ, có thể sử dụng khoảng 1,15 triệu tấn HRC mỗi năm nếu các nhà máy này hoạt động với hiệu suất 100%. Theo đó, hơn một nửa sản lượng HRC được tiêu thụ nội bộ sẽ giúp giảm áp lực bán hàng cho Hòa Phát so với Formosa.

Trong khi đó, quan điểm của Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) có phần trái ngược.

HSC nhấn mạnh sau khi Chính phủ chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm thép dẹt sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan, nhu cầu đối với HRC sản xuất tại Việt Nam sẽ rất lớn trong thời gian tới.

Theo công ty chứng khoán này, hai nhà sản xuất trong nước là Hòa Phát và Formosa có thể đáp ứng 8,2 triệu tấn HRC trong tổng số 12-14 triệu tấn HRC của nhu cầu trong nước.

Dựa trên nhận định sản xuất nội địa chưa đáp ứng đủ nhu cầu nội địa, HSC cho rằng sẽ chưa có thuế tự vệ nhằm bảo vệ các nhả sản xuất HRC trong nước.

Riêng với Hòa Phát, tập đoàn này tự tin lợi thế kinh tế theo quy mô và công nghệ tiên tiến của mình sẽ đảm bảo được giá thành cạnh tranh, từ đó có thể cạnh tranh trực tiếp với các nhà sản xuất của Trung Quốc và không cần đến sự bảo vệ từ chính phủ.

Dự báo chung về kết quả kinh doanh năm 2020, HSC cho rằng Hòa Phát sẽ đạt doanh thu thuần 81.080 tỷ đồng (tăng trưởng 28,8% so với năm 2019) và lợi nhuận sau thuế 9.423 tỷ đồng (tăng trưởng 20,4%).

Khác biệt đáng kể trong dự báo tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận so với HSC, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát sẽ đạt lần lượt 73.580 tỷ đồng (tăng trưởng 17%) và 9.700 tỷ đồng (tăng trưởng 25%),

Thận trọng hơn, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo Hòa Phát sẽ đạt lợi nhuận sau thuế 8.922 tỷ đồng trong năm 2020; còn Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam thì cho rằng tập đoàn thép lớn nhất Việt Nam sẽ đạt 8.901 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm sau.

Thanh Long

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/hoa-phat-co-qua-lac-quan-vao-nhu-cau-tieu-thu-thep-hrc-20180504224232911.htm