Hòa Phát chia cổ tức cả tiền mặt và cổ phiếu

Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) đang có kế hoạch trả cổ tức năm 2020 cả bằng cổ phiếu và tiền mặt.

Nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu nợ của Hòa Phát.

Hòa Phát thông báo ngày 1/6 là ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông trả cổ tức 2020. Theo đó, doanh nghiệp sẽ chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 5%, tương ứng mỗi cổ phiếu được nhận 500 đồng, ngày thanh toán 11/6. Tổng số tiền dự chi ra khoảng 1.657 tỷ đồng.

Ngoài ra, Hòa Phát cũng sẽ chia cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 35%, 20 cổ phiếu được nhận 7 cổ phiếu mới. Số lượng cổ phiếu phát hành thêm gần 1,16 tỷ cổ phiếu, vốn điều lệ Hòa Phát dự kiến tăng lên 44.726 tỷ đồng.

Đây là đợt trả cổ tức năm 2020 của công ty này. Năm 2020, Hòa Phát đạt 13.506 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Năm 2021, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 120.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 18.000 tỷ đồng, tăng 33% so với thực hiện năm trước. Riêng quý I, Hòa Phát đạt 31.177 tỷ đồng doanh thu, tăng 62% và thực hiện 26% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 7.006 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước và thực hiện 39% kế hoạch năm.

Trong 4 tháng đầu năm, Tập đoàn Hòa Phát đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước 3.250 tỷ đồng. Quảng Ngãi là địa phương Hòa Phát có số đóng góp lớn nhất với trên 2.000 tỷ đồng.

Hiện nay, Tập đoàn Hòa Phát đang đóng góp ngân sách cho 24 địa phương như: Hà Giang, Hà Nội, Phú Thọ, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Bình, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An…Trong đó, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương là những địa phương mà Hòa Phát có đóng góp ngân sách lớn nhất.

Tháng 4/2021, Tập đoàn Hòa Phát đạt sản lượng bán hàng 869.000 tấn sản phẩm thép các loại, tăng 65% so với cùng kỳ. Riêng thép xây dựng thành phẩm đạt 428.000 tấn, tăng hơn 59% so với tháng 4/2020, trong đó có 73.000 tấn xuất khẩu, cao gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng bán hàng thép xây dựng ở tất cả các vùng miền đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Khu vực miền Bắc và miền Trung tăng mạnh nhất, lần lượt là 66% và 67%. Khu vực miền Nam đạt mức tăng 34%.

Về cơ cấu tài chính, Hòa Phát hiện vẫn có quy mô nợ phải trả lớn hơn vốn chủ sở hữu, với 2 chỉ số này cuối quý I/2021 lần lượt là 72.760,7 tỷ đồng và 66.221,6 tỷ đồng.

Trong cơ cấu nợ, tỷ lệ nợ ngắn hạn cũng khá cao với 51.504 tỷ đồng, bằng 70,8% tổng giá trị nợ phải trả. Riêng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 37.292,4 tỷ đồng.

Tài sản ngắn hạn của Công ty có giá trị 63.943 tỷ đồng, trong đó chủ yếu tài sản ngắn hạn nằm ở hàng tồn kho với 27.750,6 tỷ đồng giá trị hàng tồn kho cuối quý I/2021.

Chí Tín

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hoa-phat-chia-co-tuc-ca-tien-mat-va-co-phieu-d143079.html