Hoa nở trên vùng đất bạch sa

Trong chiến tranh, xã Hoài Châu Bắc thuộc huyện Hoài Nhơn (Bình Định) là căn cứ địa vững chắc của cánh mạng. Bao nhiêu chiến dịch, bao nhiêu trận càn cũng không thể tiêu diệt được tinh thần yêu nước của người dân ở đây.

Suốt những năm tháng chiến tranh, làng mạc của Hoài Châu Bắc phải hứng chịu hàng ngàn trận mưa pháo.

 Tuyến đường Bưu điện Đồi 10 dài 2km chạy giữa trung tâm xã Hoài Châu Bắc

Tuyến đường Bưu điện Đồi 10 dài 2km chạy giữa trung tâm xã Hoài Châu Bắc

Ngày hòa bình, Hoài Châu Bắc chẳng còn gì ngoài một vùng cát trắng mênh mông chi chít hố bom, người dân kéo về làng xưa xây dựng lại cuộc sống với 2 bàn tay trắng. Đau thương, cơ cực rồi cũng qua. Bây giờ, nơi được mệnh danh là “vùng đất bạch sa” hoang tàn ngày xưa đã trở nên trù phú, không còn 1 chút dấu vết chiến tranh.

Hồi sinh

Lang thang Hoài Châu Bắc dưới bầu trời đổ lửa nhưng chúng tôi vẫn thấy sự mát dịu trùm tỏa, bởi những tán lá dừa phủ bóng mát che kín những con đường bê tông. Đi trên vùng quê thuần nông mà chúng tôi có cảm giác như đi giữa lòng phố thị, bởi giữa trung tâm xã có hẳn con đường láng nhựa dài 2km, nhà cao tầng ken dày 2 bên đường sầm uất những dịch vụ thương mại. Giữa những khu dân cư yên bình là hừng hực sức sống của các làng nghề truyền thống dệt chiếu cói, tiếng máy dệt sầm sập đan quyện với tiếng cười nói của thợ dệt vang vang cả ngày. Nhìn cảnh quê trù phú bây giờ, không ai có thể nghĩ nơi đây từng là vùng “bình địa” nằm giữa vùng chiến sự.

Đưa chúng tôi đi “mục sở thị” sự phát triển của quê hương, ông Ngô Văn Thành, Bí thư Đảng ủy xã Hoài Châu Bắc, kể: Trong chiến tranh, xã Hoài Châu Bắc là 1 trong những vùng chiến sự ác liệt nhất tỉnh Bình Định. Đầu năm 1965, quân đội Mỹ chiếm gò Màng Thang, 2 ngọn đồi nằm kề nhau trên độ cao 36m so với mặt nước biển để lập chốt điểm làm lá chắn bảo vệ chi khu quận lỵ Tam Quan và trấn giữ phía Bắc Bình Định, chốt điểm này được lấy tên là “Đồi 10”. Từ ngày chốt điểm “Đồi 10” mọc lên cũng là ngày người dân Hoài Châu Bắc từ giã cuộc sống yên bình, cả vùng đất mênh mông trở thành hoang mạc. Toàn bộ nhà cửa của người dân bị san bằng bởi bom đạn từ “Đồi 10” trút xuống, nhằm triệt tiêu cơ sở cách mạng để bảo vệ an toàn cho chốt điểm.

Cả xã chỉ còn sót lại mấy cây dừa, nhưng cây nào cũng bị mảnh đạn băm nát. Sau những trận “mưa pháo” là những trận càn với những trận “mưa đạn”, ấy vậy nhưng người dân vẫn bám trụ xây dựng cơ sở cách mạng để bộ đội chính quy và du kích hoạt động. Hồi ấy, Hoài Châu Bắc được mệnh danh là “phố Đông Ba”, bởi dưới lòng đất là hệ thống hầm bí mật được đào chi chít để che giấu cán bộ. “Đồi 10 là chứng tích lịch sử ghi nhận sự hy sinh xương máu của người dân xã Hoài Châu Bắc với 850 liệt sỹ, 189 Mẹ Việt Nam anh hùng, 838 thương bệnh binh. Ngày 31/3/2006, Đồi 10 được Bộ Văn hóa ra quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia”, ông Thành không giấu được vẻ tự hào cho biết.

Hoài Châu Bắc hiện có 220 máy dệt chiếu cói

Hòa bình lập lại, cứ tưởng người dân xã Hoài Châu Bắc khó lòng xây dựng lại cuộc sống trên vùng đất cát bạc màu được mệnh danh là “vùng đất bạch sa”, đến cả cây mì (sắn) cũng không sống nổi. Ấy vậy nhưng bằng sự năng động, đến nay họ đã thật sự đổi đời. Khôi phục cuộc sống sau chiến tranh, xác định không thể bấu víu vào đất để phát triển, nên từ rất sớm người dân ở đây khôi phục lại làng nghề truyền thống chiếu cói. Thời cực thịnh của nghề chiếu cói ở Hoài Châu Bắc sản phẩm được xuất khẩu mạnh sang thị trường Đông Âu. Hồi ấy, nghề chiếu cói còn được làm thủ công, đến năm 2004 người dân bắt đầu tiếp cận với máy dệt và ngày càng nhân rộng.

“Đến nay, toàn xã có 5 làng nghề dệt chiếu cói với 220 máy dệt và 300 hộ dệt thủ công. Hiện, kinh tế ở Hoài Châu Bắc phát triển theo hướng tổng hợp, trên địa bàn xã đã hình thành nhiều cơ sở SX cơ khí, dầu đậu phộng, dầu mè và trên 750 cơ sở SXKD, TM và dịch vụ cùng hàng chục hộ đầu tư mua sắm phương tiện vận chuyển hàng hóa và hành khách. Nếu như vào năm 2017 thu nhập bình quân đầu người của người dân trong xã là 36 triệu đồng/người/năm thì sang năm 2018 đã tăng đến 41 triệu đồng/người/năm”, Bí thư Đảng ủy xã Hoài Châu Bắc Ngô Văn Thành tự hào cho hay.

Bắt đất cằn nở hoa

Điều mà Hoài Châu Bắc khiến tôi ngạc nhiên nhất trong công cuộc “chuyển mình” là người dân ở đây đã khiến vùng đất cát bạc màu với cái tên “vùng đất bạch sa” phải nở hoa. Làng Gia An Nam, vùng quê nằm sát cạnh Đồi 10 từng bị “băm nát” bởi bom đạn chiến tranh hiện đang có trên 140 hộ trồng hoa, trong đó có khoảng 40 trồng hoa bán quanh năm.

“Trước đây, những diện tích trồng hoa của người dân làng Gia An Nam là những vùng đất cát trắng bạc màu, mùa nắng ai đi chân trần trên đất chẳng thể tránh khỏi chuyện bỏng chân. Ấy vậy nhưng qua cải tạo, bổ sung mầu mỡ cho đất, đến nay Gia An Nam đã trở thành làng hoa có sản phẩm cung ứng cho thị trường quanh năm”, anh Nguyễn Văn Quả (SN 1956) ở xóm 3, một người tiên phong trồng hoa ở thôn Gia An Nam, cho biết.

Anh Nguyễn Văn Quả trong vườn hoa của gia đình

Nói về chặng đường đến với cây hoa, anh Quả kể: Ở giữa vùng chiến sự, năm mới 15 tuổi anh đã tham gia du kích thôn. Mang khẩu súng AR15 chiến lợi phẩm báng súng quệt đất mà anh Quả đã phối hợp với bộ đội chính quy trực chiến chống càn, đánh địch. Trong 1 trận chống càn tại xóm 1 thôn An Quí, anh Quả bị thương với thương tật 28%. Ngày hòa bình, dù là thương binh loại 4/4 nhưng anh Quả vẫn tiếp tục tham gia du kích xã đi tháo gỡ bom mìn để người dân khôi phục SX, rồi tham gia chính quyền đến khi về hưu.

Sau thời gian dài lo chuyện “công cán”, về nhà, anh Quả thấy mình lớ ngớ với chuyện làm kinh tế. Trong tay anh Quả lúc bấy giờ chỉ có mấy khoảnh đất “bạch sa” bạc màu, đến cả cỏ mọc cũng không nổi, mỗi năm chỉ làm được 1 vụ khoai lang, tháng 8 âm lịch vun vồng tháng giêng năm sau thu hoạch, hiệu quả thu không đủ bù chi. Chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, cũng chẳng khả quan. Ngày ngày, nhìn vùng đất bạc màu mà anh Quả luôn đau đáu việc làm thế nào để bổ sung mầu mỡ cho đất để canh tác cây trồng khác hiệu quả hơn.

Anh bỗng nhớ lại, khi còn trong lực lượng du kích, anh thường xuyên lăn lộn với vùng đất đỏ trông rất mầu mỡ ở trên núi. Anh liền nghĩ, lấy đất đỏ về trộn vào lớp đất mặt để giữ nước, tạo độ ẩm có khi trồng được cây hoa. Không chỉ nghĩ, anh làm. Vậy là anh tay xách tay nải ngày ngày anh Quả dỡ cơm lên núi đào đất chở về trộn lên lớp đất mặt của khoảnh đất trong vườn nhà và bắt đầu công cuộc trồng hoa. Hiệu quả trông thấy, hoa sinh trưởng phát triển ngời ngời. Vậy là có chỗ đất công ích nào còn hoang hóa, anh xin chính quyền xã cho làm. Chưa thỏa, anh thuê thêm đất của bà con trong làng để mở rộng diện tích đất trồng hoa. Đến nay, anh Quả đang sở hữu hơn 1ha diện tích đất trồng hoa nằm trên địa bàn thôn Gia An Nam.

“Mỗi đợt trồng tôi xuống giống 9.000 - 10.000 cây hoa giống, chủ yếu là hoa cúc đồng tiền và hoa vạn thọ. Mỗi tháng trồng 2 đợt, ngày nào gia đình tôi cũng có hoa cung cấp cho thị trường. Ngày thường thì thu hoạch vài ba trăm bụi, thu nhập từ 500.000 - 1 triệu đồng/ngày; ngày rằm, mùng 1 thu hoạch cả ngàn bụi cũng không đủ để bạn hàng lấy, thu nhập được 5 - 5 triệu đồng/ngày. Để phục vụ thị trường tết thì tôi trồng thêm các loại hoa ly, lay ơn, mỗi vụ hoa tết tôi thu nhập hàng trăm triệu. Sức người làm không nổi, tôi mua máy cơ giới để làm đất và gắn hệ thống tưới tự động để đỡ đần sức lao động”, anh Quả chia sẻ.

Ngày ngày vợ anh Quả thu hoạch hoa bán cho bạn hàng

“Năm 2014 xã Hoài Châu Bắc khởi động xây dựng NTM, khi ấy, tỉnh về khảo sát thấy xuất phát điểm của xã quá thấp nên quy hoạch vào nhóm hoàn thành sau năm 2020. Thế nhưng nhờ Đảng bộ và nhân dân Hoài Châu Bắc có sẵn truyền thống, nên khi triển khai chủ trương là nhận ngay được sự đồng thuận. Sau 1 năm, Hoài Châu Bắc đạt được 11 tiêu chí, các tiêu chí khác cũng đã tiệm cận. Đến tháng 10/2015 thì Hoài Châu Bắc đứng vào hàng ngũ 1 trong 5 xã hoàn thành xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015. Hiện Hoài Châu Bắc là xã tiên phong thí điểm đăng ký xây dựng NTM kiểu mẫu của huyện Hoài Nhơn”, Bí thư Đảng ủy xã Hoài Châu Bắc Ngô Văn Thành cho hay.

VŨ ĐÌNH THUNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/hoa-no-tren-vung-dat-bach-sa-post240668.html