Hòa nhạc 'Là con gái để tỏa sáng' vì bình đẳng giới

Nhân Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, tối 27/11/2020, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Quỹ Dân số Liên hợp quốc đã tổ chức buổi hòa nhạc 'Là con gái để tỏa sáng' nhằm nâng cao ý thức của toàn xã hội về vị thế, vai trò của phụ nữ, đặc biệt là trẻ em gái trong gia đình và xã hội.

Buổi hòa nhạc nằm trong khuôn khổ của một hoạt động toàn cầu 16 ngày hành động phòng chống bạo lực gia đình với phụ nữ và trẻ em gái từ ngày 25/11 - 15/12/2020. Góp mặt cho đêm nhạc là những nữ nghệ sỹ nữ còn rất trẻ đầy triển vọng của Việt Nam như Đỗ Ngọc Thảo My (violin), Phạm Lê Phương (piano) và Bùi Thị Trang (opera).

Gương mặt nổi bật của đêm hòa nhạc là nghệ sĩ trẻ Phạm Lê Phương. Tuy mới 15 tuổi nhưng em đã đạt được nhiều giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế về âm nhạc. Các bản nhạc kinh điển của Mozart, Bach và Tchaikovsky do Phương và các nghệ sỹ trình bày đã làm cho đêm nhạc thành công ngoài mong đợi. Góp phần chuyển tải được thông điệp của ban tổ chức phân biệt đối xử trên cơ sở giới là hành vi vi phạm pháp luật và cần phải được xử lý.

Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cùng nhạc trưởng Honna Tetsuji sẽ biểu diễn trong chương trình "Là con gái để tỏa sáng"

Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cùng nhạc trưởng Honna Tetsuji sẽ biểu diễn trong chương trình "Là con gái để tỏa sáng"

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam cho biết: Đây là lần đầu tiên UNFPA lựa chọn hình thức truyền thông đặc biệt qua một chương trình hòa nhạc, đây cũng là cách để tạo nên sự đa dạng trong việc truyền thông mang tới thông điệp mạnh mẽ về chống bạo lực trên cơ sở giới và phòng, chống bạo lực gia đình.

Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia hàng đầu có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, nguyên nhân của tình trạng này là do các gia đình có tâm lý thích con trai hơn con gái nên đã lựa chọn giới tính của đứa trẻ trước khi sinh.

Báo cáo dân số thế giới năm 2020 cho thấy, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.800 bé gái không được sinh ra. Con số này được tính dựa trên sự khác biệt giữa con số ước tính trẻ em gái phải được sinh ra theo quy luật tự nhiên và số trẻ em gái thực tế được sinh ra trong một năm. Mất cân bằng giới tính khi sinh, để lại hệ lụy xã hội vô cùng to lớn. Gia đình đóng vai trò quyết định đến vấn đề này.

Vì vậy, muốn rút ngắn tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh thì cần phải thay đổi nhận thức của các gia đình về con trai, con gái -nâng cao nhận thức của các thành viên gia đình về bình đẳng giới và xóa đi những định kiến giới trong gia đình.

Lựa chọn giới tính khi sinh là một hành vi bạo lực gia đình nghiêm trọng không chỉ làm tồn hại trực tiếp đến thể chất, tinh thần của người phụ nữ mà còn lấy đi quyền được sinh ra, quyền được sống của các bào thai mang giới tính nữ. Luật pháp hiện nay vẫn còn là khoảng trống khi chưa có những quy định cụ thể và đủ tính răn đe đối với trường hợp này.

Ngày 06/11/2020 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Chính phủ hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), thiết nghĩ, Luật sửa đổi cần có quy định cụ thể về bạo lực giới trong gia đình và có những chế tài đủ sức răn đe cho trường hợp này.

Hải Trang

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/hoa-nhac-la-con-gai-de-toa-sang-vi-binh-dang-gioi-98303.html