Hòa mình cùng Lễ hội văn hóa biển Kim Liên

Cứ vào cuối tháng 3 hàng năm, các hộ dân thuộc khu dân cư Kim Liên (Liên Chiểu, Đà Nẵng) lại tổ chức Lễ hội văn hóa biển, một lễ hội độc đáo, biểu trưng cho hình thái tín ngưỡng văn hóa, cũng là hoạt động gắn kết mọi người cùng xây dựng Điểm sáng văn hóa khu vực biên giới biển. Và càng đặc biệt hơn, khi lễ hội này lại gắn bó mật thiết với những người lính biên phòng.

Đoàn rước và thả thuyền về biển để cầu an, cầu ngư trong Lễ hội văn hóa biển Kim Liên.

Đoàn rước và thả thuyền về biển để cầu an, cầu ngư trong Lễ hội văn hóa biển Kim Liên.

Sắc màu lễ hội

Con đường bê tông rộng 4m, chạy dài dẫn đến tận khu sinh hoạt chung gồm sân bóng chuyền, cầu lông và sân khấu ngoài trời. Đây cũng là những “thiết chế văn hóa” khác biệt của khu dân cư Kim Liên so với các khu dân cư khác ở Đà Nẵng. Tòa nhà “3 trong 1” khang trang, đẹp đẽ không chỉ là nơi để quân y BĐBP khám chữa bệnh cho bà con, mà còn là nơi sinh hoạt cộng đồng, địa điểm trú tránh mỗi khi có bão, gió. Khu dân cư văn hóa biển Kim Liên hôm nay náo nhiệt khác hẳn ngày thường. Năm nay, lễ hội tổ chức quy mô hơn bởi dịp này, Lăng Ông Kim Liên được UBND TP Đà Nẵng xếp hạng di tích lịch sử. Trước khi dựng lại ở làng Kim Liên, địa điểm xây dựng lăng đầu tiên là làng Thủy Tú. Thiên tai, giặc giã khiến lăng xuống cấp, qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được đặc điểm kiến trúc nghệ thuật ban đầu. Từ lâu, Lăng Ông Kim Liên không chỉ là nơi thờ tín ngưỡng của ngư dân, mà còn là nơi nuôi dưỡng tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, lòng tự hào biển đảo, quê hương, tình yêu nghề biển.

Phần lễ diễn ra rất trang trọng với lễ dâng hương và lễ cầu an, cầu ngư. Những bô lão có uy tín trong làng bởi lối sống lành mạnh và nuôi dạy con cháu nên người, mặc áo the, đầu đội khăn xếp được mời về cử hành lễ. Những trai đinh tuấn tú, học giỏi, thành đạt mặc áo dài phụ lễ. Sau khi tiến hành các nghi lễ, sẽ tiến hành lễ thả thuyền về biển. Đám rước với võng, lọng đi qua rừng phi lao, tiến ra biển trong tiếng chiêng, trống khua vang, ngân dài. 4 trai đinh khỏe mạnh có nhiệm vụ khiêng thuyền, đi bộ xuống biển. Những cụ già mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng vẫn theo đoàn rước ra tận bãi biển, mặc cái nắng buổi trưa như thiêu, như đốt. Chỉ đến khi chiếc thuyền theo nước trôi, khuất xa ngoài biển mọi người mới trở lại khu vui chơi thể thao. Thanh, thiếu niên hào hứng với các trò chơi thiên về rèn luyện sức khỏe, như: Kéo co, đẩy gậy, vật tay, bóng chuyền và không thể thiếu môn đua thuyền - môn thi đặc trưng của người làm nghề biển. Tất cả đều được diễn ra bên bờ biển cát trắng, nắng vàng. Tiếng hò reo cổ vũ át cả tiếng sóng đập vào bờ cát và tiếng gió rì rào của rừng phi lao ven biển. Một lễ hội không chỉ nhằm gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, mà còn bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ các bậc tiền nhân, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu một mùa đánh bắt hải sản thắng lợi, đời sống ngư dân được no đủ.

Sắc xanh Biên phòng

Lễ hội với nhiều sắc màu, nhưng đặc biệt hơn cả là sắc xanh của lính biên phòng. Không chỉ là sự “đầu quân” trong tổ chức của cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Hải Vân, đơn vị đóng chân trên địa bàn, mà năm nào cũng vậy, lễ hội chưa khi nào thiếu vắng Đại tá Trịnh Ngọc Văn, Phó Chính ủy BĐBP Đà Nẵng, Trung tá Nguyễn Văn Bao, nguyên Trưởng ban Vận động quần chúng (VĐQC), Phòng Chính trị, BĐBP Đà Nẵng... Thiếu tá Hồ Bách Chiến, Trợ lý VĐQC từng có 10 năm làm Đội trưởng Đội VĐQC, Đồn BP Hải Vân, nên từ người già đến lớp trẻ, ai cũng biết anh. Tham dự lễ hội hôm nay, Thiếu tá Hồ Bách Chiến vừa là chủ, lại vừa là khách, bởi anh là rể của Kim Liên. Sự “hùng hậu” của đội quân áo xanh còn ở chỗ, họ nằm trong Ban tổ chức lễ hội, tham gia điều hành giải bóng chuyền, kéo co...

Ai cũng biết ông Nguyễn Ba, Phó Ban chỉ đạo khu dân cư văn hóa biển Kim Liên là người tâm huyết trong xây dựng khu dân cư và tổ chức lễ hội văn hóa biển này. Mấy năm nay, ông đã cùng với những người lính biên phòng đi từ “không” đến “có” để có được ngày hôm nay. Ông bảo: “Những đổi thay của khu dân cư văn hóa biển Kim Liên ngày hôm nay, có sự đóng góp không nhỏ của những người lính biên phòng”. Từ việc cùng Ban chỉ đạo thành lập Ban vận động nhằm huy động mọi nguồn lực của các tổ chức, cá nhân được trên 300 triệu đồng để xây dựng công trình thiết chế cơ bản của khu dân cư văn hóa đến việc đẩy nhanh tiến độ thi công, chất lượng công trình, tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, Ban vận động còn huy động nhân dân và cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Hải Vân đóng góp hàng trăm ngày công xây dựng các hạng mục công trình. Trong tiệc trà thân mật, một cụ già tiến sang bàn chúng tôi ngồi, hồ hởi: “Cám ơn các anh, những người lính biên phòng đã có đóng góp to lớn vào thành công của lễ hội”.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/hoa-minh-cung-le-hoi-van-hoa-bien-kim-lien/