Hoa lửa Truông Bồn, bản hùng ca bi tráng

Hào hùng mà xúc động, bi tráng mà thấm đẫm chất thơ, đó là ấn tượng mà vở Hoa lửa Truông Bồn đã mang đến cho công chúng Thủ đô trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Vở diễn do các nghệ sĩ thuộc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ thể hiện dựa trên kịch bản của PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn - NSND Lê Hùng dàn dựng.

Một cảnh trong vở kịch hát Hoa lửa Truông Bồn.

Một cảnh trong vở kịch hát Hoa lửa Truông Bồn.

Không gian chính diễn ra tình huống kịch là tọa độ lửa Truông Bồn nằm trên tuyến đường chiến lược 15A, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Đây là chiến trường khốc liệt, nơi kẻ thù dồn bom đạn nhằm hủy diệt tuyến huyết mạch chi viện cho miền nam. Từ năm 1964 đến 1968, hơn 1.240 bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân ngành giao thông, dân quân tự vệ đã dũng cảm chiến đấu trên cung đường và anh dũng hy sinh để bảo đảm đường thông suốt cho những chuyến xe ra tiền tuyến… Chiến tranh lùi xa, Truông Bồn đã đi vào lịch sử như một huyền thoại, song địa danh anh hùng này vẫn trở thành nguồn cảm hứng bất tận để các nghệ sĩ cho ra đời nhiều bài hát, trang văn, dòng thơ thấm đẫm vẻ đẹp lãng mạn cách mạng. Tuy nhiên, phải đến vở diễn Hoa lửa Truông Bồn, lần đầu sự kiện lịch sử này mới được tái hiện trên sân khấu kịch.

Vở diễn chạm đến trái tim người xem khi tập trung khắc họa hình tượng các chiến sĩ thanh niên xung phong của Tiểu đội 2, Đại đội Thanh niên xung phong 317 thuộc Tổng đội Thanh niên xung phong Nghệ An ở thời khắc ác liệt nhất của cuộc chiến tranh. Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông cùng các chiến sĩ thanh niên xung phong đã làm nên tượng đài bất tử với tên gọi Tiểu đội thép anh hùng. 13 trong tổng số 14 chiến sĩ đã hy sinh anh dũng sáng 31-10-1968, khi chỉ còn mấy tiếng nữa, đế quốc Mỹ sẽ tạm ngừng ném bom miền bắc. Trong số họ, có người đã nhận được giấy gọi từ giảng đường đại học, có người chuẩn bị về hậu phương lập gia đình…; nhưng họ vẫn tình nguyện ở lại làm nốt công việc ngày cuối cùng để giúp đường ra trận thông suốt, và rồi nằm lại mãi mãi nơi mảnh đất Truông Bồn. Họ đã dâng lên Tổ quốc những đóa hoa lửa chiến công được kết bởi lòng yêu nước, sự hy sinh và cả tuổi thanh xuân. Tiểu đội thép Truông Bồn đã vinh dự được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2008…

Thể hiện hình ảnh những người anh hùng đã ngã xuống, nhưng Hoa lửa Truông Bồn không tập trung khắc họa sự hy sinh hay làm bật những giá trị về tư tưởng, đạo đức để lại cho hậu thế như thường thấy; mà đi sâu tái hiện những khoảnh khắc “đời” nhất của thanh niên xung phong ở những thời khắc cuối cùng. Đây cũng là dụng ý của PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, tác giả kịch bản khi muốn thông qua sinh hoạt đời thường, suy nghĩ của những người con xứ Nghệ về quê hương, gia đình, tình yêu, về lẽ thường của sự sống và cái chết… để khẳng định những chiến sĩ thép trên tọa độ lửa Truông Bồn sẽ không bao giờ chết mà sống mãi cùng lịch sử. Có lẽ bởi vậy mà dù khắc họa về một giai đoạn chiến tranh ác liệt nhưng vở diễn vẫn nồng nàn chất thơ. Chất thơ thấm đẫm trong những hoạt cảnh sinh động, tái hiện những lần các chiến sĩ phá bom nổ chậm, di chuyển thương binh, hỗ trợ đưa đón các đoàn xe vào mặt trận…; trong câu chuyện tình yêu lãng mạn, trong sáng giữa những chiến sĩ tuổi đôi mươi; trong đêm sinh hoạt văn nghệ cuối cùng khi một số đội viên nhận quyết định trở vệ hậu phương; trong cả sắc tím bừng sáng của hoa mua Truông Bồn dưới những làn mưa bom bão đạn…

Bốn đoạn cảnh của vở diễn được mở ra bởi hồi ức của các chiến sĩ thanh niên xung phong Đại đội 317 khi xưa. Và những hồi ức ấy dường như khứa sâu hơn vào cảm xúc của người xem khi được chuyển tải bằng những giai điệu ví dặm Nghệ Tĩnh đẹp đến nao lòng. Đây cũng là lần đầu dân ca ví dặm - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận đã trở thành phương tiện để truyền tải thông điệp về một giai đoạn lịch sử hào hùng của những người con xứ Nghệ.

TRANG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/39049102-hoa-lua-truong-bon-ban-hung-ca-bi-trang.html