Hoa Linh lan

Linh Lan tìm đến trại quân Bùi Thị Xuân. Nữ tướng dẫn nàng vào trong trướng, đặt ghế ngồi bên cạnh, nắm tay nàng, ân cần hỏi han. Linh Lan cảm động rơi nước mắt. Hôm sau, ra sân tập, Bùi Thị Xuân và mấy trăm nữ binh xem Linh Lan múa song kiếm. Bài kiếm kết thúc. Các nữ binh vỗ tay trầm trồ khen ngợi. Bùi Thị Xuân tỏ ý hài lòng.

Làng Nam Hạ có lò võ Lê Đường danh vang khắp chốn. Môn sinh thọ giáo không lúc nào ngớt. Người sáng lập là võ sư Lê Đường. Cụ là người Đàng Ngoài, từng giữ chức Tuần phủ trấn Kinh Bắc. Tính cụ thẳng thắn, chính trực, không xu nịnh, luồn cúi, không hùa theo đám quan lại nhũng nhiễu dân lành nên bị chúng coi như cái gai trước mắt, rình rập tìm cách nhổ đi.

Để tránh tai vạ, cụ dẫn gia quyến vào Đàng Trong lập nghiệp. Đất lành chim đậu, cụ dừng chân ở Nam Hạ. Lúc này Nam Hạ còn là vùng đất hoang sơ. Cụ tập họp tráng đinh dạy võ nghệ để phòng chống thảo khấu và thú dữ. Lò võ mở ra, nạn cướp bóc dần được dẹp yên. Thú dữ không dám bén mảng tới. Người người vui vẻ chăm lo việc mưu sinh, không còn nơm nớp lo sợ.

Bấy giờ trong làng có nàng Linh Lan, con gái ông Lục Nhân, một thương nhân khá giả. Từ thuở nhỏ, Linh Lan thích cưỡi ngựa, tập tành võ nghệ. Nàng thường hỏi cha những điển tích các nữ anh hùng trong sử sách, say sưa nghe cha kể chuyện bà Trưng, bà Triệu. Ông Lục Nhân nói với mọi người:

- Con bé tuy phận nữ nhi mà tính không khác gì nam tử. Chí của nó gửi ở bốn phương. Mai sau có cơ hội, nó có thể làm được điều gì đó cho đời.

Năm mười bốn tuổi, Linh Lan nằng nặc xin cha dẫn đến lò võ Lê Đường thọ giáo. Ông Lục Nhân ngần ngại, không muốn cho đứa con gái yêu theo nghề đao kiếm. Ông lựa lời nhẹ nhàng khuyên giải, nhưng Linh Lan không đổi ý. Không cách nào khác, ông đành sắm sửa lễ vật dẫn con đến lò võ xin cho Linh Lan bái thầy nhập môn. Võ sư Lê Đường lúc đó đã ngoài tám mươi nhưng trông hãy còn quắc thước. Cụ nhìn Linh Lan hồi lâu rồi hỏi:

- Sao con không yên phận chốn khuê phòng lo chuyện thêu thùa kim chỉ. Việc gì phải khó nhọc học ngón nghề vốn dành cho sức vóc nam nhi?

- Thưa thầy, học võ là để tu dưỡng, rèn luyện bản thân, trước là để giữ mình khi gặp bất trắc, sau nữa có thể góp sức trừ hại cho nước, cho dân. Xưa nay đã có những bậc nữ lưu hào kiệt lẫy lừng để người đời ngưỡng mộ. Con không dám mơ ước được như thế nhưng trông vào đó con có thêm niềm tin để dấn bước vào con đường đã chọn.

Võ sư Lê Đường cười ha hả, vuốt chòm râu bạc:

- Được lắm! Khẩu khí lắm! Ý con đã quyết như thế thì ta lòng nào mà không thu nhận. Nhưng đây là con đường khổ ải, liệu con có bền chí mà theo đuổi đến cùng không?

Gương mặt Linh Lan rạng rỡ. Nàng quả quyết:

- Con sẽ gắng sức tập luyện để không phụ sự chiếu cố của thầy.

Võ sư Lê Đường dạy nàng quyền thuật, kiếm pháp. Nàng khổ công luyện tập. Nhiều khi mệt lả, khắp người đau như dần. Nhưng nàng cố sức chịu đựng, không một lời than van. Sau bốn năm kiên trì khổ luyện, võ nghệ của nàng tiến bộ vượt bậc, ngay cả những trai tráng nhập môn trước nàng cũng không bì kịp. Riêng kiếm pháp của nàng đã đạt đến mức điêu luyện.

Nàng sử dụng song kiếm. Mỗi khi nàng múa kiếm, động tác ra vào khép mở mềm mại, thân pháp uyển chuyển, nhanh nhẹn, đường kiếm loang loáng như thêu như dệt gấm hoa. Võ sư Lê Đường hết sức hài lòng. Cụ còn ưu ái chỉ riêng cho Linh Lan những thế kiếm gia truyền đã giúp cụ một thời vang danh khắp các trấn Đàng Ngoài. Một lần, hai thầy trò đi dạo trong hoa viên, bỗng cụ ra hiệu cho Linh Lan dừng bước. Cụ căn dặn:

- Con hãy khắc ghi lời ta. Trong giao đấu, không phải cứ trên tài là thắng. Con phải chú ý đến tâm thế của mình. Lúc lòng con nhẹ nhõm, sáng trong, thì đường gươm thanh thoát, biến hóa khôn lường. Lúc bừng bừng căm giận, vì nghĩa trừ bạo thì đường gươm dữ dội, mạnh mẽ như sấm chớp vén mây bạt gió. Còn khi con đang buồn bực, hay có tâm trạng nặng nề thì tay kiếm dễ bấn loạn, lâm trận sẽ chuốc họa sát thân mà thôi.

Minh họa: Lê Tiến Vượng.

Minh họa: Lê Tiến Vượng.

Linh Lan cúi đầu bái tạ lời thầy dạy. Bấy giờ, nàng đã trở thành thiếu nữ nhan sắc mặn mà. Nhiều chàng trai ngấp nghé, có người cậy mai mối. Nhưng nàng đều từ chối. Vì những năm tháng học võ ở đây, nàng đã có lời hẹn ước với Trần Quân. Chàng đã tận tình giúp đỡ Linh Lan từ buổi đầu chân ướt chân ráo. Tình yêu ngày thêm nồng thắm. Trần Quân là học trò nhất của võ sư Lê Đường. Hầu hết các môn võ nghệ cụ truyền dạy, chàng đều tinh thông.

Đêm hôm đó, xong buổi tập, như thường lệ, Trần Quân đưa Linh Lan về nhà. Hai người bước sóng đôi trên con đường nhuốm vàng ánh trăng. Cả hai đi vào lối mòn dọc bờ sông Nam Hạ. Lối đi quen thuộc bao lần đếm bước chân hai người. Rồi cùng dừng lại dưới một khóm tre. Bóng tre lao xao. Gió từ mặt sông thổi lên mát rượi. Nhìn Trần Quân buồn. Linh Lan lo lắng:

- Việc gì làm chàng phiền muộn như vậy?

- Ta phải từ biệt nàng ra đi. Điều này làm ta rất đau lòng nhưng không thể khác được.

- Chàng đi đâu?- Linh Lan ngạc nhiên hỏi.

- Phụ thân sai thuộc hạ bí mật mang thư về bảo ta phải theo người báo đền ơn nước. Nhà ta mấy đời hưởng lộc Chúa. Giờ cơ đồ nhà Chúa nghiêng ngả, ta phải có trách nhiệm gánh vác. Lần này ta đi biết ngày nào gặp lại nàng đây?

Sự việc bất ngờ đến mức Linh Lan bàng hoàng không nói nên lời. Giọng nàng nghẹn ngào:

- Khi nào chàng lên đường?

- Canh ba đêm nay. Chuyện lộ ra rất nguy hiểm nên ngay cả thầy ta cũng không bái biệt. Đợi ta đi rồi nàng giúp ta thưa rõ mọi chuyện với thầy.

Nàng úp mặt vào ngực Trần Quân thổn thức. Vòng tay ôm lấy nàng, vuốt nhẹ mái tóc bay lòa xòa, thoang thoảng mùi hương quen thuộc, rồi nâng cằm Linh Lan lên, nhìn đôi mắt đẫm lệ của nàng, Trần Quân nói tiếp:

- Dù có phiêu bạt về nơi vô định nào, ta vẫn không quên nàng. Xin trời đất chứng giám. Nàng hãy đợi ngày ta về nghe.

Linh Lan xúc động:

- Em hứa! Nhất định sẽ chờ đến ngày ấy.

Trần Quân rút chiếc khăn lau mấy giọt lệ trên bờ mắt nàng. Rồi dìu nàng ngồi xuống vạt cỏ mềm. Chàng hôn nàng say đắm… Bóng hai người quấn vào nhau... Chỉ còn nghe tiếng cá đớp móng trên mặt sông và tiếng hổn hển của hai người làm xao động cả trăng đêm.

*

Tin Bùi Thị Xuân sắp ghé thăm làm cả võ đường xôn xao. Nữ tướng hiện là trụ cột nhà Tây Sơn, tên tuổi được truyền tụng khắp nơi. Linh Lan háo hức mong chờ vì nàng sắp nhìn tận mắt vị nữ tướng mà nàng ngưỡng mộ chứ không phải là những gì trong tưởng tượng. Sáng hôm đó, võ đường trang hoàng lộng lẫy. Cờ xí phấp phới từ sảnh đường ra tận ngoài cổng. Từ võ sĩ thiện nghệ đến võ sinh mới nhập môn đều mặc võ phục chỉnh tề. Tiếng vó ngựa rộn ràng nghe mỗi lúc một rõ.

Một hồi trống vang lên. Bùi Thị Xuân bước vào sân. Theo sau là các nữ binh. Nữ tướng khoác chiếc áo choàng đỏ thắm càng làm tăng thêm nét kiều diễm trên gương mặt rạng rỡ uy nghi. Bùi Thị Xuân cười thân mật, gật đầu chào mọi người. Võ sư Lê Đường bước ra cửa niềm nở:

- Thật là vinh dự cho võ đường chúng tôi được nữ tướng quá bước đến thăm.

Bùi Thị Xuân tiến lại thân mật đỡ lấy tay cụ:

- Được lão võ sư tiếp đón nồng hậu như thế này là vinh dự cho tôi lắm rồi, thật vô cùng cảm kích.

Chủ và khách cùng vào sảnh đường. Cụ chỉ chiếc ghế bên hữu:

- Mời nữ tướng.

Bùi Thị Xuân ngồi yên vị. Võ sư Lê Đường ngồi chiếc ghế còn lại bên tả. Các nữ binh theo Bùi Thị Xuân và các võ sĩ của võ đường đứng dưới thềm. Chưa bao giờ Linh Lan thấy thầy vui như thế. Cụ và nữ tướng đàm đạo rất tương đắc: chuyện thế thái nhân tình, chuyện võ nghệ...

Bùi Thị Xuân cùng võ sư Lê Đường bước tới chỗ các võ sĩ của võ đường. Nữ tướng kêu gọi mọi người đầu quân dưới lá cờ đại nghĩa Tây Sơn. Giọng nữ tướng nhỏ nhẹ, rõ ràng rất dễ nghe. Nói xong, nữ tướng đảo mắt nhìn qua một lượt những hàng võ sĩ đang đứng im phăng phắc. Chợt thấy Linh Lan đứng hàng đầu các võ sĩ, nữ tướng liền hỏi võ sư Lê Đường:

- Thưa lão võ sư, tài nghệ nàng ấy thế nào?

Võ sư Lê Đường đáp:

- Đó là một cao thủ của lò võ.

Bùi Thị Xuân tiến lại gần Linh Lan, niềm nở:

- Em tên gì?

- Dạ, Linh Lan. - Nàng lí nhí đáp.

- Ta vâng lệnh Chúa thượng lập đội nữ binh bảo vệ hoàng thành, giữ yên hậu phương để đại quân chinh Nam phạt Bắc. Đội nữ binh rất cần những tay kiếm như em. Linh Lan có bằng lòng gia nhập đội nữ binh của ta không?

Nàng luống cuống chưa biết phải trả lời sao. Được Bùi Thị Xuân quan tâm đến là ân huệ không dễ gì có được trong đời. Cầm gươm theo nữ tướng là thỏa chí của nàng. Nhưng nàng phải thưa với cha. Mẹ mất sớm, chỉ còn hai cha con sớm hôm nương tựa. Liệu cha nàng có đồng ý không? Thấy nàng im lặng, Bùi Thị Xuân tiếp:

- Em cứ nghĩ cho kĩ. Cửa quân ta luôn mở rộng để chờ đón em.

Võ sư Lê Đường mở tiệc trọng thể thết đãi khách. Tiệc xong, Bùi Thị Xuân từ tạ ra về. Nhiều võ sĩ võ đường hưởng ứng xin theo. Linh Lan về nhà thỏ thẻ thưa chuyện với cha. Nghe xong, ông Lục Nhân bảo:

- Cha thật lòng không muốn con đi. Nhưng con đã không muốn như lũ chim sâu líu lo quẩn quanh bên hàng giậu thì cha cũng không ép. Thôi thì hãy đi mà thực hiện chí hướng của con.

Linh Lan ôm lấy cha mà khóc. Ông Lục Nhân chuẩn bị hành trang cho Linh Lan lên đường.

*

Linh Lan tìm đến trại quân Bùi Thị Xuân. Nữ tướng dẫn nàng vào trong trướng, đặt ghế ngồi bên cạnh, nắm tay nàng, ân cần hỏi han. Linh Lan cảm động rơi nước mắt. Hôm sau, ra sân tập, Bùi Thị Xuân và mấy trăm nữ binh xem Linh Lan múa song kiếm. Bài kiếm kết thúc. Các nữ binh vỗ tay trầm trồ khen ngợi. Bùi Thị Xuân tỏ ý hài lòng.

Linh Lan dần được Bùi Thị Xuân yêu mến, đối xử thân tình như ruột thịt. Khi nữ tướng có việc phải đi kinh lí, Linh Lan luôn theo hầu bên cạnh. Bùi Thị Xuân truyền cho nàng bài Song phượng kiếm do chính nữ tướng sáng tạo ra. Luyện được bài kiếm đó, song kiếm của Linh Lan càng thêm lợi hại. Trong đội nữ binh không ai xứng là đối thủ của nàng.

*

Một hôm, Bùi Thị Xuân gọi nàng vào phòng riêng bảo:

- Ta có việc giao cho em. Việc này rất hệ trọng. Em có sẵn sàng không?

Linh Lan cung kính đáp:

- Thực hiện nhiệm vụ chủ tướng giao phó là phận sự của em. Ân tình của chủ tướng đối với em sâu rộng như biển cả, dù có nát thân cũng chưa báo đáp được. Xin cứ sai bảo.

Bùi Thị Xuân bước lại gần vỗ vai Linh Lan:

- Quả không phụ lòng mong đợi của ta. Tin tức báo về cho biết có kẻ hoạt động lén lút, quấy rối hậu phương, gieo mầm phản loạn. Địa bàn hắn hoạt động là ở tam Nam: Nam Hạ, Nam Trung, Nam Thượng và một số vùng lân cận ven kinh thành. Hắn thông thuộc địa bàn, thoắt ẩn thoắt hiện, võ nghệ lại rất cao cường. Quan quân mấy lần vây bắt nhưng không được. Em là người ở đấy tất nắm vững địa bàn, thông thuộc những đường ngang lối tắt. Chỉ có em mới gỡ được mối lo này. Nếu không diệt trừ hắn được, đây sẽ là mối nguy lớn về sau.

Giọng Linh Lan rắn rỏi:

- Xin chủ tướng cứ yên lòng. Em sẽ bắt hắn về trị tội.

Vị nữ tướng dịu giọng:

- Ta tin cậy ở em. Nhưng hắn chẳng phải tay vừa, cần phải bảo trọng đấy!

*

Linh Lan dẫn một tốp nữ binh cải trang thành thương khách về tới Nam Hạ, lúc đầu canh hai, nàng bí mật dẫn tốp nữ binh ra mai phục ở con đường mòn phía sau làng. Con đường này đi ra bến sông. Bên kia sông là địa phận làng Nam Trung. Hai bên đường cây cối um tùm rất dễ ẩn thân. Nàng nhận định kẻ kia, vào Nam Hạ, qua Nam Trung rồi lên Nam Thượng chắc chắn sẽ chọn con đường này. Quả nhiên, cuối canh ba, có tiếng chân người… Dưới ánh trăng vằng vặc, xuất hiện ba cái bóng... Nhanh như cắt, Linh Lan rút song kiếm bước ra đón đầu, miệng thét lớn:

- Đứng lại!

Sau lưng nàng, tốp nữ binh lăm lăm tay gươm. Bọn kia sau giây phút bất ngờ liền vội rút kiếm ra. Cả ba đều bịt mặt bằng khăn đen. Linh Lan gằn giọng:

- Bỏ kiếm xuống! Đầu hàng sẽ được toàn mạng. Các người không thoát được đâu.

Không nói không rằng, kẻ đứng giữa ra hiệu, hai tên đồng bọn xông lên đánh. Tốp nữ binh vây lại. Biết đây là kẻ cần tìm, nàng vung song kiếm áp vào chém. Hắn đưa kiếm lên đỡ. Lưỡi kiếm chạm nhau chan chát. Đường kiếm hắn đầy uy lực. Đánh được mấy hiệp, Linh Lan nhận ra kiếm pháp của hắn rất quen. Kiếm pháp ấy là của lò võ Lê Đường. Đánh thêm một hồi nữa, bất ngờ, kẻ kia thu kiếm bỏ chạy. Linh Lan đuổi theo và bắt kịp hắn. Cả hai đối mặt nhau. Kẻ kia tháo tấm khăn bịt mặt ra…

- Nàng không nhận ra ta ư?

Linh Lan sững sờ:

- Trời ơi! Là… chàng sao?

- Ta đã trở về đây!

Trần Quân chầm chậm bước tới. Linh Lan đưa mũi kiếm về phía trước:

- Chàng đừng tới gần em!

Trần Quân khựng người:

- Nàng sao thế? Đã quên lời hứa ngày trước rồi à?

- Em không quên. Nhưng bây giờ chàng đừng nhắc chuyện cũ nữa.

- Làm sao ta không nhắc cho được? Ta về đây chính là để gặp nàng cho thỏa lòng mong nhớ. Nàng nỡ lòng nào đối xử với ta như thế.

Linh Lan lắc đầu:

- Chúng ta ai có chủ nấy. Em phải làm nhiệm vụ của mình.

- Nàng quyết đoạn tuyệt tình xưa?

- Đó là lời hứa của em với chủ tướng. Mong chàng hiểu cho em.

Linh Lan xông tới. Kiếm lại chạm vào nhau. Đường gươm nàng tự nhiên không còn linh hoạt nữa. Bất ngờ, Trần Quân đảo người đánh một thế kiếm hiểm. Đỡ được đường kiếm, nàng thất thế loạng choạng lùi lại mấy bước. Linh Lan vội đưa song kiếm về thế thủ. Sao lạ vậy? Chợt lời thầy dạy trong hoa viên hôm nào vang lên bên tai... Linh Lan định thần trở lại rồi ngẩng đầu lên quan sát... Trần Quân đâu rồi? Chỉ có những bóng cây đẫm ánh trăng im lìm... Các nữ binh vừa chạy tới. Một nữ binh kêu lên: "Hắn thoát rồi sao?". Linh Lan gật đầu. Nàng hỏi:

- Hai tên kia thế nào?

- Trói cả rồi.

- Các em giỏi lắm! Hãy giải chúng về trước cho chủ tướng xét hỏi. Thưa với người, ta ở lại làm xong nhiệm vụ rồi sẽ về sau. *

Mấy hôm liền Linh Lan cố truy tìm nhưng Trần Quân vẫn vắng bặt như bóng chim tăm cá. Nàng linh cảm Trần Quân chỉ ở quanh quẩn đâu đấy. Linh Lan e ngại nếu đối mặt với chàng lần nữa thì phải xử sự như thế nào đây? Nàng sợ lại yếu lòng để rối loạn đường gươm như vừa rồi. Bởi thật tình nàng không quên được Trần Quân.

Nàng luôn nhớ những kỷ niệm ăm ắp ngọt ngào giữa hai người; nhớ lúc kề cận bên nhau trong những ngày tháng luyện võ ở nhà thầy; nhớ giây phút say đắm trao thân trong đêm trăng bên bờ sông Nam Hạ... Nhưng giờ chàng đã ở bên kia chiến tuyến, trở thành kẻ thù không đội trời chung. Làm sao có thể cùng nhau kết tóc se tơ được? Bởi tình yêu ấy không làm nàng quên được ơn tri ngộ với chủ tướng Bùi Thị Xuân, cách đối đãi nghĩa tình của chủ tướng với nàng. Rồi lời hứa danh dự của nàng trước lúc lên đường thực hiện nhiệm vụ. Và càng không thể khiến nàng phải đi ngược lại con đường chiến đấu dưới lá cờ đại nghĩa vì nước, vì dân. Con đường mà nàng và bao nhiêu nghĩa sỹ đang dấn bước và sẵn sàng chết chẳng tiếc thân... Càng nghĩ, nàng càng thấy trớ trêu, tình riêng và nghĩa lớn đôi đường cách biệt. Sự trớ trêu ấy cứ dằn vặt trong lòng nàng không sao dứt bỏ được…

Trần Quân cũng có nỗi khổ vò xé tâm can. Sau hôm tình cờ gặp Linh Lan, phải so gươm với nàng, chàng bần thần đứng ngồi không yên. Thực hiện sứ mạng của phụ thân, lưỡi gươm chàng đã vấy máu biết bao người, trong đó không ít những đồng môn ở lò võ Lê Đường. Giờ lại phải đương đầu với Linh Lan. Còn gì đau đớn hơn nữa khi phải chống lại những người gần gũi thương yêu nhất của mình.

Nhiều lần chàng tự hỏi. Sao mình trở nên đơn độc ngay trên mảnh đất quê hương? Sao mình bị mọi người ghẻ lạnh, bị truy đuổi, sống lẩn lút như kẻ làm điều ám muội. Điều gì đã đưa đẩy mình đến cảnh ngộ này? Cơn lốc nào cuốn mình vào vực xoáy hun hút không còn quay đầu lại được? Quyền lực ư? Danh vọng ư? Trung hiếu ư? Trần Quân ngẫm nghĩ chua chát. Chỉ vì cái bả vinh hoa, phù phiếm đó mà chàng bao phen vào sinh ra tử, để rồi giờ đây trở thành kẻ bị mê hoặc, lạc lối giữa cõi hư ảo, phù du...

*

Chiều hôm đó, Linh Lan bất ngờ nhận được thư Trần Quân hẹn gặp trên bờ sông Nam Hạ, nơi Trần Quân từ biệt nàng ra đi. Trăng lên. Đến giờ hẹn, không chần chừ, Linh Lan giắt song kiếm vào người rồi đi ngay. Nàng ra tới nơi thì thấy Trần Quân chờ sẵn từ lúc nào. Trần Quân lên tiếng:

- Ta biết có nói gì đi nữa cũng vô ích mà thôi, vì không thể lấp được hố sâu ngăn cách giữa hai ta. Nhưng dù đời này mình không được sum họp, nàng cũng phải biết rằng, tình yêu của nàng chính là thứ quí giá nhất mà ta từng có được trong đời. Nhưng tiếc rằng năm xưa ta đã đánh mất thứ quí giá đó khi từ biệt nàng ngay tại bờ sông này.

- Đó là số phận nghiệt ngã mà đời này em phải chịu. Cũng đành chấp nhận chứ biết làm sao!

Linh Lan rút song kiếm ra. Giọng Trần Quân buồn rầu:

- Ta với nàng nhất định phải một mất một còn sao?

- Em phải làm bổn phận của mình! Tình nghĩa với chàng, đợi đến kiếp sau, em trọn đời báo đáp.

Linh Lan vung gươm xông tới. Trần Quân rút gươm chống đỡ. Được vài hiệp, bằng một tuyệt kỹ, nàng áp sát, lưỡi kiếm nhanh như chớp xuyên qua người Trần Quân. Sao chàng lại buông xuôi hứng trọn nhát đâm? Trần Quân ôm ngực từ từ khuỵu xuống. Linh Lan vội thả chuôi gươm đỡ lấy người chàng... Nàng nhìn vào mắt Trần Quân... Mắt chàng tối dần nhưng vẫn ánh lên vẻ dịu dàng thắm thiết yêu thương khi bắt gặp cái nhìn của nàng. Ánh mắt của đêm chia tay trên bờ sông năm nào... Nàng lững thững lê bước đến gần mép nước, rồi ngồi bệt xuống. Gương mặt nàng đanh lại, nhìn đăm đăm dòng nước dập dờn trôi mặc cho sương đêm rơi ướt cả áo...

*

Sau cái chết của Trần Quân, Linh Lan như con người khác. Tâm trí nàng dồn hết cho công việc, dốc lòng phò tá Bùi Thị Xuân, không màng nguy hiểm, xông pha trận mạc lập được nhiều công trạng. Nhưng lúc rỗi việc quân, nàng tìm nơi vắng vẻ ngồi trầm ngâm một mình, nét mặt đăm chiêu đắm chìm theo dòng suy nghĩ miên man... Cho đến một hôm, nàng bị trọng thương trong một trận giao tranh ác liệt, biết mình không qua khỏi, nàng cố nén đau đớn, lẳng lặng lên ngựa phi về Nam Hạ. Không biết nàng đã đi qua bao dặm đường, khi về tới vạt cỏ trên bờ sông, chỗ Trần Quân lìa đời thì con chiến mã đã kiệt sức. Còn nàng, tay cầm chặt dây cương, đầu gục xuống bờm ngựa. Linh Lan gượng chút sức tàn, bước xuống ngựa.

Nàng ôm vết thương lảo đảo đi được vài bước nhưng dường như đã quá sức chịu đựng, ngã nhào xuống... Máu ướt cả chiến bào, rỏ từng giọt xuống mặt cỏ. Nàng lịm dần rồi nhắm mắt xuôi tay. Bấy giờ đã quá nửa đêm, trăng lấp lóa giữa trời. Dưới trăng, khói sương bàng bạc...

Ít lâu sau, từ chỗ vạt cỏ thấm máu Linh Lan bỗng mọc lên một loài hoa lạ. Những đóa hoa phơi phới vươn lên khỏi đầu ngọn cỏ. Nhụy hoa màu tím thẫm, mỗi đóa có hai cánh trắng muốt xòe ra trông mượt như nhung, tỏa hương dìu dịu. Dáng hoa mảnh mai nhưng lại dẻo dai, chịu đựng được gió mưa. Hoa tươi tốt sinh sôi nảy nở dần kín cả vạt sông. Dân làng Nam Hạ lấy làm lạ vì chưa ai từng thấy kỳ hoa ấy bao giờ. Họ cho rằng đây là sự hóa thân của Linh Lan để được mãi mãi bên cạnh người yêu. Họ yêu mến, nâng niu lấy tên nàng đặt cho hoa và bảo nhau rằng đây là phẩm vật của trời đất ban tặng. Và cũng từ đó, ở Nam Hạ, chuyện về hoa Linh lan, một loài hoa mang tên người con gái mà cuộc đời và võ nghiệp đã làm rạng danh cho làng được lưu truyền đẹp như một huyền thoại không thể mờ phai.

Truyện ngắn của Phạm Hữu Hoàng

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/hoa-linh-lan-580504/