Hoa lan rừng Trường Sơn

'Sự thôi thúc từ ký ức đã tạo nên những vần thơ đầy ắp nỗi niềm, kỷ niệm về những năm tháng là thanh niên xung phong (TNXP) với biết bao gian khổ, khó khăn nhưng kiên cường.

Đó là tình yêu gia đình, quê hương, đất nước; tình yêu với đồng đội nơi tuyến lửa; là nhiệt huyết của một thế hệ "Tiếng hát át tiếng bom...", đó là tâm sự của cựu TNXP Nguyễn Thị Bích Liên, Trưởng đoàn Nghệ thuật Hội Cựu TNXP TP Hà Nội về tập thơ "Hoa lan rừng Trường Sơn" của mình, vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.

 Trang bìa tập thơ.

Trang bìa tập thơ.

Năm 17 tuổi, Bích Liên tình nguyện tham gia TNXP và được biên chế vào Đội 89, C893 TNXP tỉnh Thái Bình, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm giao thông đường sắt, đoạn từ Phủ Lý tới ga cầu Yên (tỉnh Ninh Bình). Sau đó, Bích Liên cùng đồng đội hành quân vào Hà Tĩnh, Quảng Bình rồi tiếp tục thực hiện nhiệm vụ ở các trọng điểm, như: Trọng điểm 448 trên Đường 15A, Cổng Trời, Km39... Khi máy bay địch bắn phá, Bích Liên tham gia vận chuyển đất đá, san lấp hố bom, sửa chữa cầu đường, có lúc vận chuyển đạn cho bộ đội. Nhiều lần cận kề cái chết nhưng chị và đồng đội không hề nao núng, quyết tâm "sống bám đất, chết bám đường". Trong khói lửa chiến tranh, Bích Liên cùng đồng đội luôn yêu đời, tham gia văn nghệ tự biên, tự diễn... Năm 1969, Bích Liên gia nhập Đoàn Văn công Tiếng hát át tiếng bom thuộc Ban Xây dựng 67, Bộ Giao thông vận tải. Cùng đồng đội đến các trọng điểm, trận địa, trạm phẫu thuật để hát cho TNXP và bộ đội nghe; chị còn sáng tác nhiều ca khúc và làm thơ, cổ vũ đồng đội tiếp tục kiên cường chiến đấu.

Với 62 bài thơ, "Hoa lan rừng Trường Sơn" tập hợp những trang viết trong những năm tháng ở Trường Sơn và những năm gần đây. Đọc tập thơ, bạn đọc cảm nhận được tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, niềm lạc quan cách mạng nâng cánh cho những vần thơ bay bổng giữa sục sôi bom lửa chiến trường: Heo may làn gió dịu dàng/ Nắng thu lấp lánh ánh vàng trước sân/ Cây bàng thay lá rụng dần/ Cúc vừa hé nụ dưới chân mây hồng (Mùa thu); hay ... Gặp đoàn bộ đội hành quân/ Trao anh một nhánh sắc xuân núi rừng/ Gừng cay... muối mặn... đã từng/ Mà sao... cứ nhớ... "người dưng"... xa rồi/ Đạn bom, sông suối, núi đồi/ Nhớ hoa trong nỗi nhớ người nhận hoa (Hoa lan rừng Trường Sơn). Niềm lạc quan trong cuộc sống, trong thực hiện nhiệm vụ mở đường và thông đường cho xe ra tiền tuyến của các TNXP đã bước vào những trang thơ của Bích Liên một cách giản dị, tự nhiên.

Tinh thần sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc là nét nổi bật nhất của nhiều TNXP khi đó. Bạn đọc nhận ra điều kỳ diệu ấy qua nhiều bài thơ như: "Tiếng hát át tiếng bom", "Đường trong tim", "Hát bằng trái tim", "Đại ngàn Trường Sơn"... với những đoạn như: Tiếng hát chúng tôi đi qua cuộc chiến/ Khi nắng rát khi mưa ngàn/ Chân trời góc biển giục đoàn quân đi/ Bữa no bữa đói nhiều khi/ Dốc cao vẫn vượt gian nguy xem thường...

Không quá trau chuốt về từ ngữ, tứ thơ, nhiều bài thơ mới như những trang nhật ký được phác thảo, nhưng tập thơ giúp bạn đọc hiểu thêm về những cống hiến của thế hệ TNXP một thời và cả sự hy sinh, mất mát để đất nước được độc lập, tự do. Tập thơ còn mang ý nghĩa gắn kết của tình đồng chí, đồng đội mãi keo sơn, gắn bó, như cựu TNXP Nguyễn Thị Bích Liên đã viết trong bài "Chiến trường xưa": Trao tuổi trẻ trải một thời bom súng/ Cho Trường Sơn tình sâu nghĩa nặng/ Những thành viên đơn vị mở đường/ Nhớ mãi thời khói lửa máu và hoa.

NGUYỄN THU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/hoa-lan-rung-truong-son-643665