Hoa Kỳ và Trung Quốc đang sa vào cuộc chạy đua năng lượng hạt nhân mới trong vũ trụ

Hoa Kỳ đang tăng gấp đôi năng lượng hạt nhân và hệ thống đẩy trong cuộc chạy đua không gian mới với Trung Quốc.

Chính quyền Trump vào giữa tháng 12/2020 đã công bố Chiến lược Quốc gia về Sức đẩy và Năng lượng hạt nhân không gian, cái gọi là Chỉ thị Chính sách Không gian-6 (SPD-6), nhằm phát triển và sử dụng các hệ thống động cơ và năng lượng hạt nhân không gian (SNPP) để đạt được những mục tiêu khoa học, an ninh quốc gia và mục tiêu thương mại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành SPD-6, đưa ra chiến lược quốc gia về việc sử dụng có trách nhiệm và hiệu quả các hệ thống động cơ và năng lượng hạt nhân trong không gian (SNPP), xảy ra cùng thời điểm Chang’e-5 của Trung Quốc hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lên mặt trăng và quay trở lại với các mẫu vật từ mặt trăng.

Chuyên gia Trung Quốc tuyên bố rằng việc ký kết SPD-6 cho thấy ý định của Mỹ nhằm kéo Trung Quốc vào một cuộc chạy đua không gian, giống như đã làm với Liên Xô vào những năm 1980 trong chương trình "Chiến tranh giữa các vì sao" của Ronald Reagan. Đó là Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (SDI) nhằm bảo vệ Hoa Kỳ khỏi bất kỳ cuộc tấn công nào bằng vũ khí hạt nhân chiến lược đạn đạo.

Các chuyên gia Trung Quốc đã cảnh báo về kế hoạch của Mỹ thiết lập một nhà máy điện hạt nhân trên mặt trăng vào năm 2027. Chỉ thị SPD-6 của Mỹ ghi rõ cần phải có một hệ thống điện phân hạch trên bề mặt mặt trăng, có thể mở rộng đến dải công suất 40 kilowatt điện (kW) và cao hơn.

Một báo cáo của phương tiện truyền thông Trung Quốc nói rằng tham vọng của Mỹ có thể dẫn đến các dự án quân sự trên mặt trăng trong tương lai vì nước này tìm kiếm quyền lực tối cao trong không gian bất kể những thiệt hại mà nó sẽ gây ra.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Zhongping nói với tờ Glabal Times của nhà nước rằng mặt trăng rất giàu Heli-3, có thể được sử dụng để sản xuất năng lượng bằng phản ứng tổng hợp hạt nhân. Ông cáo buộc, với danh nghĩa xây dựng nhà máy điện hạt nhân bao gồm khai thác nguyên liệu hạt nhân, Mỹ có thể biến mặt trăng thành nơi sản xuất vũ khí hạt nhân.

Tầm quan trọng của không gian

Nhờ những khoản đầu tư kéo dài hàng thập kỷ, Trung Quốc hiện đã trở thành một cường quốc không gian. Gần đây, Trung Quốc đã hạ cánh một máy bay không người lái lên mặt trăng chưa được khám phá trước đây. Sự kiện này là kết quả của một kế hoạch dài hạn của Trung Quốc nhằm thống trị không gian.

Bắc Kinh từ lâu đã nhận ra rằng sự hiện diện của Mỹ trong không gian đã mang lại uy tín và sức mạnh cho Hoa Kỳ. Là quốc gia duy nhất từng đưa con người lên mặt trăng, Mỹ đang ở trong một giải đấu của riêng mình. Nó là nguồn gốc của niềm tự hào dân tộc lâu dài đối với hầu hết người Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc đang tìm cách vượt qua “thế kỷ nhục nhã” của họ, muốn trở thành cường quốc mặt trăng tiếp theo.

Nhiều nhà phân tích chính sách không gian đã suy đoán rằng việc khai thác không gian có thể trị giá hàng nghìn tỷ đô la. Từ lâu, người ta đã đưa ra giả thuyết rằng bề mặt mặt Trăng là nơi có nhiều nguồn tài nguyên khác nhau mà xã hội hiện đại yêu cầu để tạo ra những tuyệt tác công nghệ khác nhau của nó. Trung Quốc đã công bố kế hoạch thử nghiệm đồng vị trên đất mặt trăng là Helium-3, đồng vị mà các nhà vật lý hạt nhân tin rằng có thể được sử dụng để tạo ra một lò phản ứng tổng hợp hạt nhân không phóng xạ.

Trung Quốc đã dẫn đầu thế giới về các khoản đầu tư vào công nghệ sạch. Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào mọi thứ, từ tấm pin mặt trời đến nghiên cứu tổng hợp hạt nhân, tất cả đều nhằm nỗ lực thu được nhiều tiềm năng năng lượng hơn. Đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, các nhà lãnh đạo của Đảng biết rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ có thể duy trì quyền lực miễn là chính phủ đó mang lại sự thịnh vượng về kinh tế. Được tiếp cận với năng lượng và công nghệ tiên tiến khiến Trung Quốc trở nên giàu có và an toàn.

Đây là lý do tại sao Trung Quốc đã hỗ trợ đầu tư vào châu Phi, châu Mỹ Latinh và các khu vực đang phát triển khác trên thế giới. Nó giải thích sự quan tâm ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc phát triển không gian. Bắc Kinh thừa nhận rằng các thiên thể trong không gian chứa rất nhiều tài nguyên thiên nhiên - đặc biệt là thứ được gọi là “khoáng chất đất hiếm” và ai tiếp cận được những tài nguyên thiên nhiên đó trước, sẽ có lợi thế chưa từng có trước các đối thủ của họ.

Trung Quốc đã và đang chơi trò chơi lớn nhất về địa chính trị, công nghệ và kinh tế để bắt kịp phương Tây. Với những bước tiến gần đây của họ trong cả ba lĩnh vực, Trung Quốc đã bắt kịp. Hơn nữa, Trung Quốc đang sẵn sàng đánh bại Hoa Kỳ trong cuộc chạy đua không gian mới - cuộc đua mà Mỹ dường như thậm chí không muốn tham gia.

Ngọc Linh

Theo Eurasiantimes và Spacenews

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/hoa-ky-va-trung-quoc-dang-sa-vao-cuoc-chay-dua-nang-luong-hat-nhan-moi-trong-vu-tru-593735.html