Hoa Kỳ tích cực hỗ trợ Việt Nam khảo sát dấu vết bom đạn chùm

'Thời gian qua, Văn phòng tháo gỡ và giải trừ vũ khí – Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, các tổ chức chính phủ đã đồng hành với Việt Nam trong nỗ lực xử lý diện tích đất bị ô nhiễm bởi bom đạn' - Đại sứ Hoa Kỳ cho biết tại hội thảo quốc tế về phương pháp khảo sát dấu vết bom đạn chùm tại tỉnh Quảng Trị ngày 28/8. Đây là hội thảo quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại khu vực Đông Nam Á về vấn đề này.

Sau chiến tranh, Quảng Trị là địa phương chịu hậu quả nặng nề nhất do bom mìn và các vật nổ còn sót lại. Theo số liệu do Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) công bố năm 2018, diện tích đất bị ô nhiễm bởi bom mìn tại Quảng Trị lên đến 82%, cao nhất trong cả nước. Cùng với các tổ chức phi chính phủ, tỉnh Quảng Trị đã triển khai có hiệu quả nhiều dự án giảm thiểu tai nạn bom đạn, giải phóng đất đai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Từ khoảng 70 tai nạn bom mìn mỗi năm kể từ khi Quảng Trị bắt đầu hợp tác với các tổ chức quốc tế triển khai các hoạt động bom mìn (1995 – 2015), năm 2018 là năm đầu tiên Quảng Trị không có tai nạn bom mìn.

 Một cán bộ của Tổ chức Peace Trees Việt Nam làm việc tại một địa điểm rà phá bom mìn

Một cán bộ của Tổ chức Peace Trees Việt Nam làm việc tại một địa điểm rà phá bom mìn

Khảo sát dấu vết và rà phá bom chùm (CMRS) là một trong những sáng kiến đã được thử nghiệm và áp dụng tại tỉnh Quảng Trị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động rà phá bom đạn trong điều kiện diện tích ô nhiễm lớn, nguồn lực có hạn và yêu cầu an toàn cao của cộng đồng bị ô nhiễm bom mìn. Phương pháp CMRS hỗ trợ việc lập kế hoạch, dự toán ngân sách và điều phối các hoạt động một cách hợp lí nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực.

Tại hội thảo lần này, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm chia sẻ các bài học kinh nghiệm, xác định những điểm cần cải thiện, nâng cao từ đó hoàn thiện phương thức tốt nhất và các nguyên tắc cho hoạt động khảo sát CMRS tại Việt Nam, Lào và Campuchia trong thời gian tới. CMRS đang và sẽ tiếp tục tập trung vào bảo đảm an toàn cho cộng đồng. Hoạt động khảo sát giúp các cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ và các nhà tài trợ hiểu biết đầy đủ về hiện trạng ô nhiễm bom đạn, và sau đó thực hiện việc tháo gỡ bom đạn tại những khu vực ưu tiên cao. CMRS chính xác giúp lập kế hoạch tốt hơn cho hoạt động tháo gỡ bom đạn và giúp phân bổ các nguồn lực một cách hiệu quả vào những khu vực cần thiết nhất.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink cho biết, kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 1995, các đội rà phá bom mìn do Hoa Kỳ tài trợ đã đã tháo gỡ vật liệu chưa nổ trên gần 160 triệu m2 tại Việt Nam và xử lý hơn 700.000 thiết bị nổ và những vật liệu nổ khác còn sót lại sau chiến tranh. Việc xử lý những vấn đề chiến tranh để lại có vai trò nền tảng trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Trong lúc cùng tiếp tục xử lý những vấn đề chiến tranh để lại, ngày nay Hoa Kỳ và Việt Nam đã xây dựng mối quan hệ đối tác và tình hữu nghị thực sự trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cam kết chung đối với hòa bình và thịnh vượng của người dân hai nước.

“Là Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, tôi thật vui mừng khi công việc của tôi đã đưa tôi tới thăm các tỉnh thành trên khắp Việt Nam, gặp gỡ những con người đáng mến - những người đang làm những việc tuyệt vời để kết nối nhân dân hai nước chúng ta,” Đại sứ Daniel J. Kritenbrink bày tỏ.

Thanh Thanh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoa-ky-tich-cuc-ho-tro-viet-nam-khao-sat-dau-vet-bom-dan-chum-124488.html