Hoa Kỳ: Giải mật hết 1% hồ sơ vụ ám sát Tổng thống Kennedy

Vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy (JFK) ngày 22/11/1963 tại Dallas, bang Texas (Hoa Kỳ) gây chấn động dư luận Mỹ và thế giới. Ngày 28/10, một số văn bản được giải mật đã nêu ra các chi tiết mới xung quanh vụ ám sát bi thảm này.

Tổng thống Kennedy

Căn cứ theo một luật của Hoa Kỳ năm 1992, thì 25 năm sau đó, toàn bộ các phần còn giữ kín về vụ ám sát phải được giải mật. Và ngày 28/10 này là lúc hạn chót đó có hiệu lực và Tổng thống Donald Trump đã quyết định đồng ý để mở nốt hồ sơ về JFK. Trên thực tế, chừng 88% các hồ sơ đã được công bố, và 11% cũng đã giải mật, trừ một số phần “tế nhị” được xóa bỏ, và chỉ còn 1% còn lưu giữ bí mật. Vậy nó đã được giải mật hết chưa?

Tổng thống John F. Kennedy (giữa) và phu nhân Jackie (phải) trên chiếc xe “định mệnh” hôm 22/11/1963 tại Dallas, bang Texas. (Ảnh: Universal Images Group).

Chúng ta đã biết điều gì?

Một tuần sau khi Tổng thống Kennedy bị giết, Tổng thống Lyndon B. Johnson ra lệnh lập một ủy ban điều tra vụ việc.

Phúc trình Warren, công bố tháng 9/1964, nói rằng:

+ Các phát đạn được bắn ra từ cửa sổ tầng sáu ở góc Đông Nam của Kho sách “Texas School Book Depository”.

+ Xạ thủ bắn các phát đạn là Lee Harvey Oswald.

+ Không có bằng chứng là Lee Harvey Oswald hay Jack Ruby tham gia một âm mưu nội địa hoặc của nước ngoài

Nhưng sau đó vẫn có các cuộc điều tra khác:

+ Năm 1968, một hội đồng bốn bác sĩ “ủng hộ các kết luận y tế của Ủy ban Warren”

+ Năm 1975, Ủy ban Rockefeller “không tìm thấy bằng chứng đáng tin rằng CIA có liên quan”

+ Năm 1979, Ủy ban về các vụ ám sát của Hạ viện Hoa Kỳ lại ủng hộ kết luận của Ủy ban Warren, nhưng nói có “khả năng khá cao là hai tay súng bắn vào Tổng thống Kennedy”.

+ Năm 1992, Quốc hội thông qua luật nói 5 triệu trang hồ sơ về vụ ám sát phải được chuyển về Kho Tư liệu Quốc gia và rằng tất cả phải được công bố sau 25 năm.

Ủy ban Warren nói khẩu súng của Lee Harvey Oswald bắn ra từ kho sách bên đường khi xe Tổng thống Kennedy chạy qua nhưng các phúc trình sau đó viết không loại trừ khả năng có tay súng thứ hai. (Ảnh: Mondadori Portfolio).

Các thuyết âm mưu và sự nghi ngờ

Vụ ám sát JFK không ngừng tạo ra các thuyết âm mưu và có không ít chỉ trích về cách chính quyền Mỹ hành xử sau khi ông Kennedy bị bắn chết. Viết trên trang The Guardian ở Anh hôm 26/10/2017, nhà báo Mỹ Philip Shenon, tác giả cuốn “A Cruel and Shocking Act: The Secret History of the Kennedy Assassination” (Một hành động gây sốc và tàn bạo: Bí mật lịch sử vụ ám sát Kennedy) cho rằng đa số người Mỹ tin có vụ “che đậy” từ các cấp cao nhất của chính giới Hoa Kỳ. Họ tin rằng chính quyền “không nói hết sự thật” về vụ JFK.

Theo báo chí, câu hỏi: Nếu ông Kennedy không chết thì hướng đi của Chiến tranh Việt Nam và nhiều vấn đề khác của lịch sử Mỹ có thể đã khác hay không, luôn là điều dư luận quan tâm, kể từ ngày ông bị bắn chết tại Dallas.

Dù có làm gì đi nữa, thì cho đến nay, cái chết của Tổng thống Kennedy vẫn còn là một bí ẩn chìm sâu xuống đáy lịch sử.

Lee Harvey Oswald được cho là thủ phạm vụ bắn chết Tổng thống Kennedy. (Ảnh: Hulton Archive).

Về Lee Harvey Oswald

Chỉ hai ngày sau vụ bắn chết Tổng thống Kennedy, Lee Harvey Oswald, một cựu lính Thủy quân Lục chiến (tự nhận là người Marxist) bị bắn chết trong căn hầm của Sở Cảnh sát Dallas. Một bản ghi nhớ cho hay FBI đã cảnh báo với cảnh sát về một đe dọa giết Lee Harvey Oswald. “Ngay lập tức, chúng tôi báo với ngài cảnh sát trưởng và ông ta bảo đảm với chúng tôi rằng Oswald sẽ được bảo vệ đầy đủ” - Giám đốc FBI J. Edgar Hoover viết.

Trong các tài liệu hiện đang được nghiên cứu, có phát hiện rằng một biên bản của CIA gợi ý rằng Oswald đã nói chuyện với một sĩ quan KGB ở Đại sứ quán Liên Xô tại Mexico City. Biên bản ghi nhớ này nói viên sĩ quan đối thoại với Oswald làm việc cho bộ phận “chuyên lo về phá hoại và ám sát”.

Kennedy bị bắn trọng thương tại Dealy Plaza, Dallas, Texas, khi đang tham gia diễu hành vận động bầu cử cùng phu nhân Jacqueline trưa ngày 22/11/1963. 13h cùng ngày, ông qua đời tại phòng cấp cứu bệnh viện Parland. Ảnh: AP.

Giải mật 1% Hồ sơ: Biết trước 25 phút?

Một điện tín từ Vương quốc Anh của CIA nói phóng viên Cambridge News (tờ báo địa phương ở Anh) đã nhận được một cú điện thoại nặc danh nói chuẩn bị có “tin lớn” (some big news) bên Mỹ trước khi xảy ra vụ ám sát. Đúng 25 phút sau đó, ông Kennedy bị bắn chết ở Dallas, Texas.

Bốn ngày sau vụ ám sát, văn bản ngày 26/11/1963 của Giám đốc FBI gửi cho Giám đốc Bộ phận phản gián của CIA James Angleton viết: “Một điện tín từ bộ phận CIA tại London cho hay một phóng viên Anh làm việc cho tờ Cambridge News, vào đúng ngày 22/11/1963, đã nhận được cú điện thoại nặc danh nói cần báo cho Sứ quán Mỹ là sắp có “some big news”. Theo tính toán của Cơ quan Tình báo quốc nội Anh (MI-5), thì chỉ 25 phút sau, ông Kennedy bị hạ sát. Phóng viên này là người có uy tín và nói ông chưa bao giờ nhận được điện thoại kiểu như vậy”.

Một bản khác của ghi nhớ này được Viện Lưu trữ Quốc gia tại Hoa Kỳ công bố hồi tháng 7/2017 nhưng không ai chú ý đưa tin. Tuy thế, cũng có các bản ghi nhớ khác nói có người ở Hoa Kỳ “nghe được ai đó đặt cược” rằng Tổng thống Kennedy sẽ bị giết trong vòng 3 tuần. Ông bị bắn chết 10 ngày sau khi lời nói đó được ghi nhận.

Moscow lo ngại

Theo đài phát thanh National Public Radio ở Hoa Kỳ hôm 27/10/2017, thì các tài liệu giải mật cho thấy Moscow thực sự lo ngại về tình hình sau khi ông Kennedy bị giết. Văn bản được giải mật viết: “Theo nguồn tin của chúng tôi, các quan chức Đảng Cộng sản Liên Xô tin rằng có một âm mưu được tổ chức hết sức là tốt bởi những kẻ cực hữu (ultraright) ở Hoa Kỳ để tạo ra một vụ đảo chính”. Họ cũng có vẻ đã tin rằng “vụ ám sát không thể là do một cá nhân gây ra mà nảy sinh từ một nghị trình có nhiều người tham gia”.

Liên Xô cũng lo ngại vụ ám sát sẽ được dùng để thổi lên thái độ chống Cộng sản tại Hoa Kỳ, nhằm “ngăn lại các cuộc đàm phán với Liên Xô, và để tấn công Cuba rồi đẩy chiến tranh lan rộng ra sau đó”.

Theo trang NPR, sĩ quan Boris Ivanov (phụ trách KGB ở New York City) mô tả cái chết của Kennedy “là vấn đề cho cơ quan của ông ta”. Ivanov nói ông tin rằng có một âm mưu gây ra cái chết của Tổng thống Mỹ và KGB cần tìm hiểu điều gì thực sự đã xảy ra, và rằng KGB cần “xác định Tổng thống kế nhiệm Lyndon Johnson là người thế nào”.

Mối liên hệ của Lee Harvey Oswald với Liên Xô là có thật. Người này từng sang sống ở Liên Xô từ 1959-1962 và lấy vợ là một phụ nữ ở Minsk.

Trong tuyên bố trước, chỉ còn 1% Hồ sơ mật về Kennedy, vậy đã chắc lần này công bố hết chưa? Dư luận Mỹ và quốc tế vẫn bán tín bán nghi.

Tường Quyên

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/hoa-ky-giai-mat-het-1-ho-so-vu-am-sat-tong-thong-kennedy-d62814.html