Hoa Kỳ đưa ra sáng kiến cứu cả nông dân và người đói ăn

Nhờ sáng kiến, nông dân được hỗ trợ khi quyên góp cho ngân hàng thực phẩm, còn người đói ăn được tiếp cận với các sản phẩm tươi mới, an toàn.

 Ô tô xếp hàng lấy thức ăn trong bãi đậu xe của Trung tâm Maverik ở West Valley City, Utah, ngày 24/4/2020. Ảnh: AP.

Ô tô xếp hàng lấy thức ăn trong bãi đậu xe của Trung tâm Maverik ở West Valley City, Utah, ngày 24/4/2020. Ảnh: AP.

“Trong khi hàng triệu người Mỹ đói ăn đang xếp hàng chờ ‘phát chẩn’, nhiều nông dân và nhà sản xuất nông nghiệp lại thấy thị trường biến mất và phải phá hủy hàng triệu pound thực phẩm tươi sống”, Hạ nghị sĩ Marcia Fudge, Chủ tịch Tiểu ban Dinh dưỡng, Giám sát và Hoạt động của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), cho biết.

“Dự luật Farm to Food Bank Enhancement Act giúp kết nối hai phần quan trọng của phản ứng khẩn cấp, tạo ra những bước tiến lớn trong việc ngăn chặn lãng phí thực phẩm và chống lại nạn đói đang đạt đến mức cao mới chưa từng thấy”, bà nói.

Theo thông cáo báo chí, dự luật sẽ cung cấp 25 triệu USD cho phép các tiểu bang thiết lập hoặc mở rộng các chương trình tạo thuận lợi cho quá trình quyên góp sản phẩm và các mặt hàng khác cho ngân hàng thực phẩm nhằm đối phó với nạn đói trong đại dịch, như Chương trình Hỗ trợ Thực phẩm Khẩn cấp (TEFAP).

Dự luật sẽ chi trả tới 100% phí thu hoạch, chế biến, đóng gói và vận chuyển hàng hóa được bảo hiểm.

Chương trình Farm to Family của California cung cấp một dịch vụ tương tự, và đang hoạt động hiệu quả trong đại dịch.

Hiệu quả thực tế chương trình Farm to Family của California

Ba tuần đầu tiên của tháng Tư, CalFresh chứng kiến nhu cầu thực phẩm tăng 140% so với cùng kỳ năm ngoái và gần như chỉ sau một đêm, nông dân cũng như chủ trang trại ở California đồng thời chứng kiến thị trường của họ sụt giảm 50%.

Trên toàn quốc, các nhà sản xuất cây trồng thời vụ ước tính thiệt hại cho đến nay là 5 tỷ USD do hợp đồng bị hủy hoặc giảm. California chiếm ít nhất một nửa ước tính thiệt hại đó.

Chương trình Farm to Family của California là sự hợp tác giữa Sở Nông nghiệp và Thực phẩm California (CDFA), Hiệp hội Ngân hàng Thực phẩm California giúp tạo điều kiện quyên góp thực phẩm từ nông dân và người chăn nuôi bằng cách hỗ trợ các khâu sản xuất, chế biến cũng như phân phối trong chuỗi cung ứng.

CDFA nhận được sự cho phép từ USDA, chuyển 2 triệu USD trong quỹ tài trợ đặc biệt cho Hiệp hội ngân hàng thực phẩm California để bù đắp chi phí nhận, đóng gói và vận chuyển sản phẩm được quyên góp. Thêm 861.854 USD từ chương trình USDA Farm to Food Bank đã được trao cho Sở Dịch vụ Xã hội California (CDSS) nhằm hỗ trợ chương trình.

Farm to Family hợp tác với 41 ngân hàng thực phẩm phục vụ tất cả 58 quận và xử lý hậu cần đóng gói cũng như liên lạc với ngân hàng thực phẩm.

Khoảng 128 nông dân, chủ trang trại đang quyên góp cho Hiệp hội Ngân hàng Thực phẩm California, ngoài ra còn 200 nông dân khác cũng bày tỏ sự quan tâm.

Vào tháng Ba, Farm to Family phân phối được 14,5 triệu pound trái cây, rau quả tươi. Trong ba tuần đầu tiên của tháng Tư, chương trình phân phối tới 18 triệu pound thực phẩm. Những quỹ này sẽ hỗ trợ quyên góp 21 triệu pound hoa màu tươi cho tháng Năm.

Ngoài ra, 775.000 USD trong quỹ tư nhân cũng được chuyển cho Hiệp hội Ngân hàng Thực phẩm California giúp cung cấp cầu nối cho các ngân hàng thực phẩm địa phương. Từ đó có thể đáp ứng nhu cầu gia tăng đến cuối tháng Năm. Khoản tiền đến từ Kat Taylor, Farm Credit/CoBank và một nhà tài trợ ẩn danh, sẽ được tận dụng để khởi động chiến dịch trị giá 15 triệu USD nhằm hỗ trợ chương trình Farm to Family cho đến cuối năm nay.

Theo Hạ nghị sĩ Jim Costa, “nông dân và các nhà cung cấp thực phẩm của California đã chứng minh mô hình này hoạt động hiệu quả”. Ông cũng là người đưa ra dự luật Farm to Food Bank Enhancement Act vào ngày 8/5.

“Là Chủ tịch Tiểu ban chăn nuôi và nông nghiệp nước ngoài, tôi biết nông dân trồng rau, trái cây, sữa, chăn nuôi và gia cầm đang bị đại dịch phá hủy thị trường. Dự luật này sẽ giúp chuyển một số sản phẩm mà họ làm ra cho những người cần nó hơn bao giờ hết trong thời điểm này”, ông cho biết.

Stacey Plaskett, Hạ nghị sĩ bang Virgin Island thuộc Hoa Kỳ, đồng đứng tên bảo trợ cho dự luật, cho biết đó là một bước đi đúng hướng.

“Với tư cách là Chủ tịch Tiểu ban Công nghệ sinh học, Trồng trọt và Nghiên cứu, chúng tôi cam kết hỗ trợ nông dân trong thời gian khó khăn này và kết nối tốt hơn tới các gia đình có nhu cầu cấp bách đối với trái cây cũng như rau quả bổ dưỡng”, bà Plaskett nói trong thông cáo.

Phê chuẩn thành luật

USDA đã phê duyệt các hợp đồng trị giá 1,2 tỷ USD để hỗ trợ nông dân và cộng đồng Hoa Kỳ có nhu cầu thông qua Farmers to Families Food Box Program. Khoản tiền này gồm 461 triệu USD dành cho trái cây và rau quả tươi, 317 triệu USD cho nhiều loại sản phẩm từ sữa, 258 triệu USD cho các sản phẩm thịt và 175 triệu USD khác trong những hạng mục kết hợp các sản phẩm tươi, sữa hoặc thịt.

“Đây là một cách tiếp cận mới, sáng tạo để cung cấp hỗ trợ quan trọng cho nông dân và gia đình Mỹ”, Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ Sonny Perdue cho biết.

“Chúng tôi rất vui khi thấy sự quan tâm phong phú từ cả những nhà phân phối thực phẩm lẫn tổ chức phi lợi nhuận. Trong vài ngày, chương trình sẽ bắt đầu phân phối thực phẩm dư thừa, đồng thời bảo đảm an toàn vệ sinh, cho các cộng đồng trên toàn quốc có nhu cầu cấp thiết”, ông bổ sung.

Chris Parks (trái), Quản lý của Wish Farms, giúp dỡ các hộp dâu tây trong quá trình quyên góp cho ngân hàng thực phẩm ở Plant City, Florida, vào cuối tháng 3. Ảnh: Courtesy Wish Farms.

Thông qua chương trình, Dịch vụ tiếp thị nông nghiệp (AMS) của USDA đang hợp tác với các nhà cung cấp quốc gia, khu vực và địa phương, nơi có lực lượng lao động bị ảnh hưởng nặng nề do phải đóng cửa các nhà hàng, khách sạn và các doanh nghiệp dịch vụ thực phẩm khác, để mua tới 3 tỷ USD sản phẩm tươi sống, sữa và thịt.

Các nhà cung cấp sẽ phục vụ người Mỹ có nhu cầu kể từ 15/5-30/6/2020.

Nhóm lãnh đạo các tổ chức lớn của Hoa Kỳ hài lòng với thông báo này.

Jim Mulotta, Chủ tịch và CEO của Liên đoàn các nhà sản xuất sữa quốc gia (NMPF) cho biết, tôi hoan nghênh USDA vì những hành động của họ nhằm cung cấp các sản phẩm sữa bổ dưỡng cho các gia đình có nhu cầu.

“Nhu cầu về thực phẩm lành mạnh hiện giờ là cực kỳ lớn. Chúng tôi hoan nghênh công việc của USDA trong Chương trình mới Farmers to Families Food Box Program dành cho nông dân này, giúp đưa thực phẩm từ sữa chất lượng cao đến những người cần nó nhất”, ông Jeff Lyon, Tổng giám đốc Hợp tác xã sữa FarmFirst ở Wisconsin, đồng tình.

Hương Lan

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/hoa-ky-dua-ra-sang-kien-cuu-ca-nong-dan-va-nguoi-doi-an-d264243.html