Hoa khói trên sông

Các bô lão trong làng kể lại rằng, làng tôi là dân ngụ cư, xửa xưa chỉ một vài chiếc thuyền nan cập vào bờ bãi, đánh động cả ngàn cánh cò trắng lóa vụt lên giữa bốn bề sim mua, lau sậy, nhiều năm sau nhấp nhô thành làng mạc, ruộng đồng.

Tuổi thơ ở ngôi làng nhỏ ven dòng sông Mã, tôi nhận ra tháng Chạp sắp về đầu tiên từ những làn khói tỏa lan trên sóng nước. Tôi đã ấp ủ mãi một hình dung rằng, khói trên sông mang đầy hơi ấm. Khói quyện lại thành những cánh buồm giong trí tưởng tượng cùng ký ức của tôi ra khơi xa.

Những buổi mai sương tháng Chạp, lũ trẻ quê để chân trần, lon ton theo dáng dì, dáng mẹ quẩy gánh nước tưới ngô non ngoài bãi sông. Mùi đất ẩm, mùi cỏ non, mùi hạt giống đội đất nảy mầm, mùi hoang hoải than tro mùa vụ… lần lẫn vào nhau rồi mỗi khi gió nổi lên như thể cuộn tròn bay mãi đến lưng lửng dòng sông thì dừng lại, quánh thành lớp khói miên man. Những buổi đợi bà đi chợ xa bên bến sông, lẩn nhẩn vài viên kẹo bột trong lần áo cánh sờn từ tảng sáng đến non trưa, có lúc tôi chợt hình dung bên trong làn khói ấm xa xa kia có sắc màu pha trộn lạ lùng của những bông hoa nghệ cả năm hiếm hoi được đôi lần bật sáng góc vườn, kế đến là màu cúc vạn thọ, hoa đuôi chồn… phất phơ trên tay trẻ con mùa giá rét. Non trưa, khói giữa dòng sông quê lạ lắm. Có gì đó u minh, vang vọng, vừa gợi sắc màu vàng tía xanh mơ, vừa gợi thanh âm như chuông chùa thẳm vắng.

Với người quê tôi, một năm có thêm mùa hoa khói. Mùa hoa khói gọi về những ký ức xa mờ như cổ tích. Một thời, trong làng truyền nhau câu chuyện chiếc thuyền nan bé mọn chẳng rõ trôi về từ đâu nhưng vật vờ giữa khúc sông. Chiếc thuyền cứ im lìm giữa dòng như một chấm mực. Đó từng là điểm mốc để bọn trẻ trâu thách thức nhau bơi. Càng bơi xa bờ, mặt sông càng bình lặng, chiếc thuyền nửa thực nửa hư... Mãi rồi cũng có đứa trẻ làng chạm tay được vào mạn thuyền, vô tình làm thức giấc một cô bé đang say ngủ. Cô bé ấy đôi mắt trong biếc, ngơ ngác như đến từ thế giới khác, xung quanh xôn xao tiếng gõ mái chèo khua cá. Mờ sáng hôm sau, khi nắng xuyên mỏng dần khói sóng, con thuyền ấy cũng mất hút theo.

Bao đêm đông mưa đổ bụi mái gianh, giọng bà tôi rì rầm kể chuyện, thuở bà chưa tròn mười tám, bộ đội về làng hăm hở hành quân. Đêm đêm, các chú đứng gác trên đồi nghe con gái làng hò sông Mã. Nghe thôi, nào dám chọc ghẹo gì. Thế mà các chú, các cô nghe giọng hò cũng nhận ra nhau cả. Rồi bom đạn, hy sinh, bộ đội nằm trên cáng nhiều hơn số lành lặn hôm nào. Rất nhiều chú không biết tên biết tuổi, dân làng mai táng gần bãi sông. Các cụ già bảo: “Thôi đừng đưa mấy chú lên đồi, tội lắm, trên ấy như là trận tuyến, để các chú nằm đây để các chú… nghe hò, các chú đón những mùa hoa khói”. Hoa khói thay nén nhang của người còn sống tưởng nhớ người đã khuất.

Mảnh đất quê tôi, thời chiến thì bom đạn, thời bình nhiều thiên tai, một năm vài trận lũ tràn về đã cuốn phăng tất cả. Nhưng giữa dòng sông, bao đời vẫn hắt lên muôn điệu khói. Dường như khói trên sông là những tuổi xuân, những hoài mong chưa chìm khuất bao giờ. Trong mưa phùn, gió lạnh, trong tiếng ồn ã của dòng người, xe nườm nượp trên cây cầu mới xây đặt đúng vị trí bến đò xưa, ký ức về những mùa thương khó vừa vẹn nguyện vừa bảng lảng, rập rờn. Người xa quê như tôi thường hẹn đồng hương trở về làng vào mùa hoa khói. Đơn giản bởi rất nhiều người trong số chúng tôi Tết đến đón Tết quê chồng, đón Tết phương xa… chỉ còn lại một quãng ngưng khi tiết đông sắp qua, tiết xuân sắp tới là có thể dành cho gia đình, quê hương niềm thương nỗi nhớ. Kỳ lạ thay, khi xa quê trở về, chúng tôi mới bất chợt nhận ra từ ngọn cây gạo đầu làng, khói sương buổi sớm hay chiều tà như một chiếc khăn mỏng vắt ngang kéo xuống tận mặt sông. Các cụ già kể rằng, tích xưa ghi lại là có khăn của nàng tiên nữ giáng trần lưu luyến nhân gian mà vương lại. Còn trong câu chuyện tình yêu của trai gái làng khi xưa, mỗi lần hẹn ước vẫn trao khăn cho nhau và hẹn thề, chờ đợi…

Tản văn của LỮ MAI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/hoa-khoi-tren-song-611382