Hòa khí thông gia

Gia đình tôi và gia đình thông gia là hai gia đình có hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau.

Hồi đầu chúng tôi cũng hy vọng có một thông gia môn đăng hộ đối nhưng bởi con gái đã có sự lựa chọn của riêng mình. Nghĩ đến cuộc sống sau này của con, chúng tôi tôn trọng và quyết định sẽ không can thiệp. Nhà thông gia hồi đầu cũng không mấy đồng ý thế nên sự thay đổi sau này của họ nằm ngoài suy nghĩ của tôi.

Ông thông gia là công nhân, ông là thợ cả, tính tình chất phác, nhưng cũng khá nóng nảy. Bà thông gia là người ăn nói khéo léo, là dân buôn bán ở chợ. Còn vợ chồng tôi đều là dân trí thức, làm nghề dạy học, bất luận việc gì đều tỏ ra khá nghiêm túc. Nếu đem ra so sánh thì hai gia đình chúng tôi khác xa nhau về công việc, nhận thức tư tưởng, cách giáo dục con cái, môi trường và thói quen sinh hoạt. Chúng tôi cũng ít khi tìm được “tiếng nói chung” nên ngồi với nhau thường không có nhiều chuyện để nói. Để tạo dựng không khí hài hòa, giảm tối đa mọi xung đột, sau khi con gái lấy chồng, hai gia đình chúng tôi không qua lại nhiều lắm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tục ngữ có câu: “Lưỡi và răng cũng có lúc đánh nhau”, mặc dù con gái và con rể lấy nhau xuất phát từ tự do yêu đương nhưng cũng có những lúc không vừa lòng. Khi tâm trạng không vui con gái lại về cằn nhằn với mẹ, tôi chỉ nói với con một câu: “Kết hôn và ly hôn đều là việc hệ trọng, chuyện của con con phải tự giải quyết. Nhưng khi con cần mẹ, mẹ sẽ không bỏ con”. Khi bà thông gia đến gặp tôi, tôi có nói với bà ấy: “Chỉ cần bề trên chúng ta không tham gia, không đánh giá đúng sai giữa vợ chồng chúng, tôi tin chúng sẽ tự giải quyết được”. Quả nhiên không nằm ngoài dự đoán, chỉ ngày hôm sau vợ chồng chúng đã làm hòa. Biết cãi nhau không có ai đằng sau hỗ trợ nên kể từ lần đó con gái, con rể ít cãi nhau hẳn.

Ông thông gia nghỉ hưu không được bao lâu thì đổ bệnh. Khi tôi đến thăm, có lẽ biết bệnh tình của mình nên trông ông có vẻ lo lắng và tỏ ra tiếc nuối cuộc sống này lắm. Thấy ông rất khó khăn khi cầm quyển sách để đọc, tôi liền về cắt những mẩu chuyện trên báo đóng thành tập rồi bảo con gái đưa cho ông. Ông rất vui. Xem ra sự quan tâm lẫn nhau giữa hai nhà thông gia cũng đã giúp ông dễ chịu phần nào.

Ông thông gia mất đúng vào ngày quốc khánh năm ngoái, bà thông gia đã khóc suốt ngày đêm. Chồng tôi cũng đã mất vì bệnh cách đây 8 năm nên tôi hiểu cảm giác đau buồn khi mất đi người thân của mình. Tôi nói với con gái: “Bà thông gia đã mất đi người bạn đời của mình, sau này mọi việc chỉ biết dựa vào con trai, cháu nội là cuộc sống của bà ấy, con hãy coi bà ấy như mẹ, đối xử tốt với bà ấy thì chắc chắn bà ấy sẽ lo liệu việc nhà cho con để con yên tâm công tác”. Quả đúng vậy, con gái tôi bảo giờ mẹ chồng nó dồn toàn bộ tâm trí vào đứa cháu trai, mọi việc đưa cháu đi học, đón cháu về, cơm nước, cho cháu ngủ đều do một tay bà lo liệu.

Sự qua lại giữa tôi và bà thông gia vì thế mà thường xuyên hơn. Tết nguyên tiêu, con gái tôi muốn tôi đưa mẹ chồng nó đi chơi. Trên đường đi, bà thông gia không ngớt lời giới thiệu tôi với người quen: “Đây là bà thông gia nhà tôi” khiến mọi người vô cùng ngưỡng mộ: “Hai bà thông gia đi chơi cùng nhau cơ à”…Giờ đây chúng tôi qua lại với nhau như chị em trong nhà. Cũng nhờ có sự giúp đỡ của bà mà con gái tôi làm việc cũng tích cực hơn, lãnh đạo rất hài lòng.

Vậy là con gái tôi đã lấy chồng được gần 9 năm. Để giữ được mối quan hệ hòa hảo giữa hai bên thông gia một phần không nhỏ là nhờ vào câu nói trước khi mất của chồng tôi: “Những gia đình có con dâu và mẹ chồng chung sống tốt được với nhau không phải là nhiều. Thực ra cho dù hai nhà chúng ta có khác biệt thế nào đi nữa thì tình yêu chúng ta dành cho con cái đều giống nhau. Vì con cái, hai nhà thông gia chúng ta phải luôn giữ hòa khí, giúp đỡ lẫn nhau, hộ trợ lẫn nhau, hãy để một gia đình hòa thuận cấu thành một xã hội hài hòa, để xã hội hài hòa cấu thành một đại gia đình hòa thuận”.

Video Chồng kém vợ 1 giáp

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/hoa-khi-thong-gia-d124310.html