'Hoa hồng' y tế

Cục quản lý dược - Bộ Y tế vừa gửi công văn khẩn cấp yêu cầu thu hồi và cấm sử dụng thuốc chữa bệnh có nguyên liệu Valsartan của Trung Quốc sản xuất, vì chứa chất gây ung thư. Bệnh nhân hoang mang vì rất nhiều người đang sử dụng loại thuốc có nguyên liệu này để chữa bệnh nan y. Đây không phải là lần đầu xảy ra hiện tượng này.

Ảnh minh họa, nguồn: Internet.

Khoan nói đến trách nhiệm của ngành dược đã chừa lỗ hổng để loại dược phẩm này xâm nhập, mà đặt vấn đề từ đâu các loại thuốc nguy hại đến sức khỏe vẫn tồn tại, lan tràn như vậy? Một con đường đã từng được chỉ ra, đó là do “hoa hồng” trong ngành y tế. Cách đây không lâu, có lần Bộ Y tế có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị điều tra xác minh thông tin nạn “hoa hồng” trong ngành y tế Việt Nam. Vụ việc cụ thể để ngành y tế có yêu cầu đó là thông tin một Cty Mỹ chi tại Việt Nam đến 2,2 triệu USD trong nhiều năm để giành hợp đồng.

Hiện có hàng chục Cty dược nước ngoài đầu tư bán thuốc vào Việt Nam và sự cạnh tranh về “hoa hồng” cho những người trực tiếp phân phối thuốc sẽ lớn vô kể với hàng nghìn tỉ đồng đấu thầu thuốc hằng năm trên khắp các cơ sở y tế cả nước. Hiện tượng “lại quả” phổ biến là các chuyến tham quan, dự hội thảo ở nước ngoài… của nhiều lãnh đạo bệnh viện, y bác sĩ bằng nguồn tài trợ từ các hãng dược. Thậm chí, theo tiết lộ của một bác sĩ tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội, dù ông không bắt tay với trình dược viên thì mỗi tháng họ vẫn chủ động biếu ông mấy triệu đồng vì ông đã dùng thuốc của họ. Ông kể: Có lần, đưa bạn đi đốt mắt cá chân. Khi xuống nhà thuốc bệnh viện để mua, thật ngạc nhiên khi bà dược sĩ báo giá gần 500.000 đồng. Nhìn qua đơn, hỏi xem có loại khác cùng công dụng, rẻ hơn không thì bà dược sĩ khó chịu bảo “không”. Đến một hiệu thuốc ngoài hỏi ra mới biết đều là thuốc ngoại. Nếu mua thuốc nội chúng tôi chỉ mất phân nửa số tiền trên. Thật là một sự “chu đáo” và lãng phí quá mức cần thiết!

Mặc dù Bộ Y tế đã có chỉ thị nghiêm cấm các cơ sở kinh doanh dược, người giới thiệu thuốc (trình dược viên) liên kết với các nhân viên y tế bán thuốc trong khoa, phòng, bệnh viện; chi phối việc kê đơn để hưởng hoa hồng; nhưng dường như thuốc “đặc trị” cho vấn nạn này vẫn chưa đủ liều. Và nạn nhân của “hoa hồng” cho ngành y tế là các bệnh nhân vẫn vô vọng trong mớ bùng nhùng này.

TRIỆU HÙNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cau-chuyen-quan-ly/hoa-hong-y-te-620073.ldo