Hoa hồng - Thuốc quý

Hoa hồng được phong tặng danh hiệu 'Nữ hoàng của các loài hoa' do có màu sắc, hình dáng, hương thơm đến vẻ đẹp quyến rũ; hoa hồng còn có tác dụng chữa bệnh.

Hoa hồng có nhiều loại, nhưng hay dùng “nguyệt quý hoa” và “mai khôi hoa” làm thuốc.

Nguyệt quý hoa (Flos Rosae chinensis)

Nguyệt quý hoa còn có tên hoa hồng đỏ, hường. Tên khoa học: Rosa chinensis Jacq., thuộc họ hoa hồng (Rosaceae). Bộ phận dùng làm thuốc là hoa phơi hay sấy khô. Có thể thu hái quanh năm, nhưng chủ yếu thu hái vào mùa hạ và thu, lấy những bông hoa đã nở được một nửa, phơi hay sấy khô. Loại nguyệt quý hoa màu hồng tía, nụ hoa hé nở một nửa, không xòe ra, mùi thơm nhẹ là tốt.

Về thành phần hóa học, nguyệt quý hoa có tinh dầu (linalyl acetat, limonen, citronenol, linanol...) và acid galic. Theo Đông y, nguyệt quý hoa vị ngọt, tính ấm; vào kinh Can. Công năng hoạt huyết, điều kinh, tiêu thũng, giải độc. Chữa kinh nguyệt không đều, thấy kinh đau bụng. Dùng ngoài trị ung nhọt, đập dập hay nghiền nát đắp chỗ đau.

Nguyệt quý hoa (hoa hồng đỏ) tác dụng hoạt huyết điều kinh giải độc, trị kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, mụn nhọt.

Nguyệt quý hoa (hoa hồng đỏ) tác dụng hoạt huyết điều kinh giải độc, trị kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, mụn nhọt.

Mai khôi hoa (Flos Rosae rugosae)

Mai khôi hoa còn có tên hoa hồng Nhật. Tên khoa học: Rosa rugosa Thunb., thuộc họ hoa hồng (Rosaceae). Là giống hoa hồng thuần chủng có ở tỉnh Ibaraki, nước Nhật Bản. Bộ phận dùng làm thuốc là hoa phơi hay sấy khô. Thu hoạch tháng 4 - 6, khi hoa sắp nở, hái về sấy khô. Mai khôi hoa bông to, cánh dày màu tía tươi, mùi thơm nồng là loại tốt. Mai khôi hoa là phần hương vị bổ sung khi cất rượu từ cao lương lên men, cho loại rượu “Mai quế lộ” - một loại rượu nổi tiếng của Trung Quốc.

Về thành phần hóa học, mai khôi hoa có tinh dầu (linalyl acetat, limonen, citronenol, õ- caryophylen, linalool, hexanol...), acid galic. Theo Đông y, mai khôi hoa vị ngọt, hơi đắng, tính ấm. Công năng lý khí, giải uất, hoạt huyết, tán ứ, tiêu thũng giải độc. Chữa đau tức vùng gan và dạ dày, tê thấp mới và lâu ngày, vết thương bị đánh, bị ngã, kinh nguyệt bế tắc, nhọt sưng đau ở vú. Liều dùng 4 - 8g mỗi ngày.

Một số bài thuốc có hoa hồng đỏ

Chữa rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh: nguyệt quý hoa 10g, ích mẫu 10g. Sắc uống trong ngày.

Chữa băng huyết: lấy 20g cánh hoa hồng tươi hãm với 1 lít nước, gạn lấy nước. Mỗi lần dùng 200 - 300ml, thêm ít đường vừa ngọt, uống. Uống đều hàng ngày đến khi cầm máu thì thôi.

Chữa lở mồm, phồng rộp lưỡi: nguyệt quý hoa 5g (tán bột), rượu 25ml, ngâm trong 24 giờ, đun nhỏ lửa cho bay bớt rượu, còn dạng sền sệt, thêm 30g mật ong, đun nhẹ, khuấy đều, để nguội. Dùng bông chấm thuốc bôi vào chỗ lở loét. Ngày bôi 2 - 3 lần.

Chữa viêm họng: mật ong, hoa hồng đỏ, thêm ít nước sôi để nguội, vài hạt muối hay ít hàn the. Dùng làm thuốc súc miệng hàng ngày.

TS. Nguyễn Đức Quang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hoa-hong-thuoc-quy-n168161.html