Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ GD-ĐT

Sáng 8/12, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nội dung nhằm đôn đốc, kiểm tra và đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhất là việc thực hiện các nhiệm vụ giao liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính và tình hình thực hiện các đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì soạn thảo 14 văn bản, đến nay đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành 6 văn bản, đạt tỷ lệ trên 42%, 5 văn bản đã trình nhưng chưa được ban hành, còn 2 văn bản chưa trình.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

Về nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trên hệ thống trực tuyến, đến hết tháng 11 năm nay, Bộ đã hoàn thành 45 trên tổng số 49 nhiệm phải hoàn thành trước ngày 30/11, đạt tỷ lệ trên 91%. Đối với thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, một cửa liên thông, Bộ đã đưa vào rà soát 3 nhóm thủ tục hành chính trọng tâm, hiện đã đơn giản hóa đối với thủ tục xét, cấp học bổng chính sách cho học sinh sinh viên; đơn giản hóa và cắt giảm được 85 chế độ báo cáo định kỳ xuống còn 20 chế độ báo cáo; đồng thời thành lập Tổ công tác, bước đầu rà soát, lập danh mục các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc nhóm phạm vi quản lý. Các hồ sơ đã nhận qua bộ phận một cửa đều được giải quyết đúng hạn…

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ báo cáo tại buổi làm việc.

Các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học báo cáo với đoàn công tác về tình hình thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thanh toán phí, học phí không dùng tiền mặt… Hiện, hầu hết các cơ sở giáo dục đã triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt, nhưng chỉ dừng ở mức chuyển khoản mà chưa triển khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Ông Bùi Quang Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Khó khăn lớn nhất của nhà trường hiện nay là vấn đề phải tích hợp rất nhiều ngân hàng, cần một tổ chức thanh toán trung gian, như vậy thì phải mất phí phí này. Nếu đúng theo nguyên tắc là người thanh toán trả. Tuy nhiên, hiện nay nhà trường thực hiện trả cho các khoản phí này để đảm bảo là người học vẫn chi trả đúng khoản mà họ cần phải trả mà thôi. Kiến nghị của nhà trường là nếu được thì phải lên một cổng thanh toán trung gian của quốc gia, trên đó có thể có sự hỗ trợ của Nhà nước của Chính phủ để trợ giá cho những khoản chi phí giao dịch này".

Đại diện các đơn vị trong Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá, giải đáp các nội dung về thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển và nhận văn bản, đơn giản hóa các thủ tục của các đơn vị thuộc Bộ, các trường, trong đó phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát vấn đề thu, chi, sách giáo khoa…

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, năm 2020 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm được nhiều việc như chuyển đổi số để tổ chức dạy và học trực tuyến trong thời điểm học sinh phải nghỉ học vì dịch Covid-19, đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học, tự chủ đại học… Với những nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt là những vấn đề mà xã hội, người dân, phụ huynh quan tâm. Việc cắt giảm các thủ tục hành chính phải trên tinh thần cắt giảm tối đa thủ tục, giảm bớt các văn bản gây phiền hà cho các đơn vị, nhất là với người dân, doanh nghiệp.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: "Với người dân doanh nghiệp, tôi đề nghị quan tâm các dịch vụ công thì phải cách tiếp cận khác đi. Nếu chúng ta mà tiếp cận theo hướng là lấy công nghệ thông tin để mà đòn bẩy, thì công nghệ thông tin chỉ là công cụ thôi. Chúng ta phải tiếp cận từ quản lý, từ cải cách thủ tục hành chính và đưa công nghệ vào để thúc đẩy công cụ để thực hiện mục tiêu của các nhà quản lý. Cắt giảm cái gì là rào cản, rườm rà gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, tăng chi phí, thời gian. Muốn làm được việc ấy thì chúng ta phải tái cấu trúc thủ tục hành chính"./.

Minh Hường/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/to-cong-tac-cua-thu-tuong-chinh-phu-lam-viec-voi-bo-gd-dt-822764.vov