Hoa hậu qua đời vì bệnh trầm cảm, các dấu hiệu cảnh báo bệnh

Sau thời gian đối mặt với bệnh trầm cảm, Phan Thuyền - thí sinh Hoa hậu Đại sứ Nhân ái 2020 đã trút hơi thở cuối cùng khiến nhiều người thương xót.

Báo động trầm cảm

Người đẹp qua đời ở tuổi 32 khiến bạn bè, người thân vô cùng đau buồn, thương xót. Trước khi mất, Phan Thuyền đăng tải nhiều trạng thái buồn bã, chán nản trên trang cá nhân khiến bạn bè lo lắng.

Theo PGS TS Tô Thanh Phương – nguyên Phó Giám đốc BV Tâm thần Trung ương 1, bệnh trầm cảm hiện nay là bệnh lý khá phổ biến trong xã hội hiện đại. Cuộc sống càng hiện đại con người càng đối diện với nhiều áp lực của cuộc sống hơn từ đó số ca bệnh trầm cảm sẽ tăng hơn.

Những nguyên nhân thường hay gặp đó là áp lực học tập, công ăn việc làm, những bất ổn trong đời sống riêng như mất việc, li dị, gặp các tai ương hoạn nạn hay diễn tiến cuộc đời không như ý muốn..., người sống một mình cô độc, người sau các phẫu thuật lớn, phụ nữ sau sinh, phụ nữ tiền mãn kinh... Muôn vàn các mối lo bủa vây đè nặng lên từng cá nhân.

Điều đáng lo ngại nhất hiện nay, TS Phương cho rằng, tỉ lệ được phát hiện và điều trị theo đúng chuyên khoa của bệnh trầm cảm còn rất thấp. Đa số mọi người còn hiểu sai về sức khỏe tâm thần. Họ rất sợ đến bệnh viện tâm thần vì sợ đến đó là bị coi là người điên nhưng thực tế không phải vậy.

Những dấu hiệu nhận biết bệnh trầm cảm, TS Phương cho biết, người bệnh có cảm giác buồn chán, trống rỗng, khó tập trung suy nghĩ, hay quên. Nhiều trường hợp luôn cảm giác mệt mỏi, không muốn làm việc gì; cảm giác mình có tội lỗi, vô dụng, không xứng đáng.

Hoa hậu Phan Thuyền qua đời ở tuổi 32 vì trầm cảm.

Hoa hậu Phan Thuyền qua đời ở tuổi 32 vì trầm cảm.

Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, hay cáu gắt, giận dữ, giảm thích thú trong các hoạt động hoặc sở thích hằng ngày, giảm cảm giác ngon miệng, sụt cân hoặc ăn quá nhiều. Đặc biệt, người bệnh có thể nghĩ về cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát.

TS Phương cho rằng nếu có dấu hiệu trên người bệnh nên chủ động tới các cơ sở chuyên khoa sức khỏe tâm thần để khám và kiểm tra. Nếu trầm cảm không được phát hiện sớm thì nguy hiểm vô cùng bởi bệnh lý diễn biến theo chiều hướng xấu, người bệnh cảm thấy mệt mỏi, không tìm thấy ý niệm sống và muốn tìm đến cái chết.

Dấu hiệu của tự tử

Bác sĩ Chuyên khoa II Huỳnh Thanh Hiển – Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, cho biết bệnh trầm cảm cái kết đáng sợ nhất đó là người bệnh tìm tới cái chết.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, cứ 40 giây có 1 người tự tử, hơn 2.000 ca mỗi ngày, hay 804.000 người tự tử mỗi năm. Trong số này, tỉ lệ toan tự tử ở nữ giới lớn hơn nam giới nhưng nam tử vong nhiều hơn nữ (do nam giới thường sử dụng hình thức tự tử quyết liệt và bạo lực hơn).

BSCKII Huỳnh Thanh Hiển.

Một người có hành vi tự tử thường qua ba giai đoạn đó là có ý định tự tử, hành vi tự tử nhưng chưa thành công và giai đoạn cuối cùng là tự tử thành công dẫn tới tử vong.

Đối với những người có dấu hiệu trầm cảm, Bác sĩ Hiển khuyên những người xung quanh có thể nhận biết dấu hiệu người đó có ý định tự tử hay không bằng cách tự đặt cho họ 5 câu hỏi:

Thứ nhất, hãy hỏi họ có mặc cảm mình là một người thất bại không?

Thứ hai, có cảm thấy mình vô dụng không?

Thứ ba, có ý tưởng cho rằng mình là một gánh nặng cho gia đình và người thân?

Thứ tư, có hay suy nghĩ về cái chết hay không?

Thứ năm, có nghĩ rằng nếu mình chết đi sẽ giải thoát cho mình và sẽ tốt hơn cho gia đình hay không?

Bác sĩ Hiển cho biết nếu cả 5 câu trả lời này là có, đó chính là "báo động đỏ".

Khi nắm được các dấu hiệu này những người xung quanh nên động viên đưa người bệnh tới các cơ sở chuyên khoa tâm thần để được điều trị, theo dõi. Điều trị trầm cảm sẽ khỏi nhưng cần ít nhất 6 tháng.

Bác sĩ Hiển cho rằng chìa khóa thành công của quá trình điều trị phụ thuộc hoàn toàn vào người thân xung quanh cần phối hợp với bác sĩ để trò chuyện, động viên người bệnh nhiều hơn. Những người trầm cảm không nên cho ở riêng, ở một mình vì dễ sinh ý định tự tử.

Nếu phát hiện sớm, các rối loạn trầm cảm được chữa khỏi hoàn toàn, người bệnh hoàn toàn có thể khỏi bệnh và tái hòa nhập với gia đình và xã hội.

Việc phát hiện và điều trị trầm cảm cần có sự phối hợp của các chuyên khoa và cần có sự hỗ trợ từ phía gia đình của người bệnh, từ phía cộng đồng. Bản thân người bệnh hãy chủ động trò chuyện với những người thân xung quanh khi thấy mình có dầu hiệu của bệnh trầm cảm.

Khánh Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/hoa-hau-qua-doi-vi-benh-tram-cam-dau-hieu-nao-co-the-bao-ban-mac-tram-cam-280017.html