Tăng tốc lộ trình chuyển đổi số quốc gia

Hành trình chuyển đổi số quốc gia để xây dựng kinh tế số, xã hội số mới đang ở giai đoạn khởi động cho một chặng đường dài với nhiều thách thức, cả sự lúng túng từ nhận thức đến hành động.

Việt Nam có Thủ tướng là Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số

Phát biểu tại diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam 2021 diễn ra ngày 1/12, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nêu rõ, năm 2021 là năm bắt đầu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025, cũng là năm mà chúng ta phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 mang lại.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT&TT (Ảnh chụp màn hình)

Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT&TT (Ảnh chụp màn hình)

Trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu và là một động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đẩy lùi dịch bệnh và phục hồi kinh tế.

Ở tầm quốc gia, Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã được thành lập trên cơ sở kiện toàn Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới có Thủ tướng là Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số.

“Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số thể hiện ý chí, quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thúc đẩy chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương”, ông Dũng nhấn mạnh.

Tại phiên họp đầu tiên ra mắt Ủy ban, Bộ TT&TT, với vai trò của Cơ quan Thường trực, đã cùng với các bộ ngành xác định và đề xuất lên Ủy ban một Kế hoạch chuyển đổi số năm 2021 với khoảng 45 nhiệm vụ quan trọng, trong đó 18 nhiệm vụ phân công tới từng Thành viên Ủy ban. Kèm theo đó là hơn 50 tiêu chí định lượng, đo lường mức độ chuyển đổi số quốc gia.

“Bộ TT&TT đã tham mưu Thủ tướng ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số và đã trình dự thảo Chiến lược phát triển Kinh tế số, Xã hội số, dự kiến sẽ được phê duyệt trong tháng 12/2021. Chiến lược mang tính bao trùm, định hướng chuyển đổi số trong các lĩnh vực, đặc biệt là 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số. Các Bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp căn cứ vào Chiến lược đã được ban hành để xây dựng Chiến lược, chương trình hành động phù hợp”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho hay.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, chuyển đổi số năm 2021 bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực. Rõ ràng nhất là nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân đã được nâng cao. Chuyển đổi số đã từng bước thâm nhập vào hoạt động của Chính phủ, các ngành kinh tế và xã hội.

Cụ thể, tại Đà Nẵng, người dân đã có thể làm thủ tục đăng ký mua điện chỉ bằng vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh. Ở Lạng Sơn, các trưởng bản trở thành tổ trưởng tổ công nghệ cộng đồng hướng dẫn bà con phát triển cửa hàng số, giúp doanh số bán nông sản online tăng 174 lần. Tại Quảng Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh ngồi ở phòng làm việc có thể truy cập vào hệ thống và biết được quy trình, tiến độ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp từ cấp xã trở lên.

Kinh tế số đạt 30% GDP năm 2030

Trong lĩnh vực cải cách hành chính, Cổng dịch vụ công quốc gia đi vào vận hành hơn một năm qua đã tích hợp gần 3.000 dịch vụ công trực tuyến, góp phần tiết kiệm hàng nghìn tỉ đồng và hàng chục triệu giờ công lao động.

Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP (Ảnh chụp màn hình)

Trong lĩnh vực y tế, mạng lưới Telehealth với 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa mới được kết nối đã thu hẹp khoảng cách y tế giữa các cấp và các vùng miền; giảm tỉ lệ chuyển tuyến từ 30% xuống còn dưới 10%, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm và giảm tải cho hệ thống y tế.

Trong lĩnh vực giáo dục, để phòng chống dịch Covid-19, Việt Nam đã có tới 79,9% học sinh phổ thông học trực tuyến, trong khi mức trung bình chung của các nước OECD, chỉ là 67,5%.

Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam năm 2021, với chủ đề “Tăng tốc chuyển đổi số hướng tới một Việt Nam số” là cơ hội tốt để các bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp cùng trao đổi, thảo luận để đề xuất các giải pháp thúc tăng tốc, làm sao có thể đi nhanh hơn trên hành trình chuyển đổi số quốc gia.

“Chuyển đổi số đang tạo ra những sự thay đổi chưa từng có trong mọi lĩnh vực của sống kinh tế xã hội đất nước. Mỗi người dân và doanh nghiệp đang từng ngày cảm nhận được sự thay đổi sâu sắc đó. Dù vậy, hành trình chuyển đổi số quốc gia để xây dựng kinh tế số, xã hội số mới đang ở giai đoạn khởi động cho một chặng đường dài với nhiều thách thức, cả sự lúng túng từ nhận thức đến hành động cụ thể”, ông Dũng khẳng định.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt ra yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế với những mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP và Việt Nam đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đảng đã đề ra, đòi hỏi từng cấp, từng ngành, từng địa phương, từng doanh nghiệp, từng tổ chức, từng người dân trong xã hội phải nỗ lực vượt qua mọi thách thức, tăng tốc lộ trình và nâng cao hiệu quả hơn nữa công cuộc chuyển đổi số quốc gia./.

Vân Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tang-toc-lo-trinh-chuyen-doi-so-quoc-gia-908645.vov