Hoa hậu Mai Phương Thúy khoe khéo cổ phiếu của 'vua thép' Trần Đình Long

Trong ngày cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát tăng kịch trần (18/5), Hoa hậu Việt Nam 2006 Mai Phương Thúy đã có những phân tích, nhận định đầy 'chất thép' về mã cổ phiếu này.

Mai Phương Thúy gần đây nổi tiếng với vai trò là một nhà đầu tư chứng khoán, cô cũng có đôi khi “phím hàng”, nổi bật là việc “tiên tri” cổ phiếu VCB của Vietcombank vào năm 2019. Bất kể một động thái nào dù là nhỏ nhất liên quan đến việc “đánh chứng” của hoa hậu này cũng đều được nhà đầu tư quan tâm, chia sẻ.

Tuy nhiên, để có một bài review “có tâm” như với HPG, có lẽ đây là lần đầu tiên người đẹp sinh năm 1988 thực hiện một cách công khai.

Điều này bất ngờ với Hòa Phát hay với chính Mai Phương Thúy?

Với Mai Phương Thúy, đội ngũ điều hành, chất lượng sản phẩm, và tình hình tài chính là những điểm nên nhìn để xem chất lượng của doanh nghiệp. Và tất cả những yếu tố này đều được HPG đáp ứng một cách mĩ mãn, theo quan điểm của Thúy.

Đánh giá về đội ngũ lãnh đạo, Mai Phương Thúy đưa ông Trần Đình Long (Chủ tịch HPG) và dàn lãnh đạo của HPG lên tận mây xanh khi cho rằng đây là “một trong đội ngũ hiếm có của doanh nghiệp Việt Nam”, những người gắn bó với nhau từ những ngày đầu thành lập doanh nghiệp.

“Quản trị doanh nghiệp tại Hòa Phát có thể nói là thuộc top đầu trong doanh nghiệp Việt. Tại Hòa Phát, phân quyền và trách nhiệm là một điểm mạnh mà rất ít doanh nghiệp khác làm được. Cái hiếm hơn là sự phân quyền và trách nhiệm lại trong một môi trường có một chút tính độc tài. Quan trọng hơn đối với cổ đông là interest alignment của các anh rất cao với Hòa Phát, do đó việc lợi nhuận bị luân chuyển đi nơi khác gần như chưa bao giờ là cái rủi ro mà nhà đầu tư nên lo lắng” – Mai Phương Thúy cho thấy sự tường tận của cô về Hòa Phát.

Không giống như Thế giới Di động (MWG) của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài, nhà đầu tư có thể tự mình dùng dịch vụ để đánh giá chất lượng sản phẩm. Đối với Hòa Phát, người đẹp gốc Hải Phòng cho rằng cô không thể không đụng vào thép mà biết được chất lượng.

Thay vào đó, cô cho rằng cần nhìn những sản phẩm tiêu biểu như chung cư cao cấp Mandarin Garden, là sản phẩm bất động sản đầu tay của HPG.

“Nếu là ngành tay trái mà họ làm tốt vậy, ngành mà họ có một chiều dài kinh nghiệm thì chất lượng sản phẩm chắc chắn tốt. Thúy không phải là fan hâm mộ nội thất HPG nhưng nhìn cũng khá tiện dụng” – Mai Phương Thúy chia sẻ.

Thúy khiến các nhà đầu tư và fan hâm mộ phải bất ngờ về tư duy quản trị doanh nghiệp: “HPG là công ty rất lớn nhưng không bị cồng kềnh và chậm chạp, nó hoàn toàn có tốc độ, độ rướn và sự linh hoạt như một công ty nhỏ. Hãy nhìn vào các mảng mà Hòa Phát đã và đang làm. Không năng động và tốc độ thì quên đi cái cảng biển nước sâu, không quyết liệt thì làm gì có mảng nông nghiệp sau vài năm đã vào hàng top. Việc làm dự án nhà máy thép Dung Quất đã cho thấy năng lực triển khai nhanh và hiệu quả kinh ngạc trên quy mô lớn, phức tạp.”

Thúy cũng khiến người phải bất ngờ về những am hiểu trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp với nhận định về tình hình tài chính của HPG: “Tỷ lệ trả nợ vay quá thấp so với lợi nhuận và doanh số, chưa đến 43%.”

Theo đó, Hòa Phát có dòng tiền tốt nên lãi suất vay quá tốt (5,7%) so với thị trường. Trong khi hiệu quả đầu tư ngay cả trong năm 2019 cũng đã tốt, dự án Dung Quất có thể xem là đã thành công bước đầu. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của Hòa Phát trong khoảng 0,69% là quá tốt cho một doanh nghiệp đang tăng 3-3,5 lần công suất.

Thậm chí HPG sẽ trả cổ tức tiền mặt cho năm nay, điều mọi nhà đầu tư chứng khoán đều ưa thích. Với tình hình đang diễn ra, Mai Phương Thúy cho rằng Hòa Phát nếu muốn có thể trả hết nợ trong 3-4 năm tới.

“Tất nhiên là HPG sẽ không làm vậy. Ở góc cạnh nào đó, xu hướng giảm lãi suất tại Việt Nam cũng như thế giới đang có lợi cho các doanh nghiệp lớn có dự án tốt và vay mượn khá. HPG là một trong số đó.”

Hoa hậu Mai Phương Thúy đưa người đọc đến bức tranh toàn cảnh về thị trường, nơi các công ty thép ở miền Nam đầu tư công nghệ “hơi bị lệch” (lò điện), giá thành của họ cao, dẫn tới năng lực cạnh tranh thấp, nguồn vốn sẽ không dồi dào để có thể mở rộng sản xuất.

Trong khi Dung Quất lại cho HPG một lợi thế cạnh tranh quá lớn khi có cảng biển, công nghệ, và tỷ lệ.

“Với mức giá thấp hiện tại, rất khó cho các công ty thép trong miền Nam đẩy công suất lên. Hòa Phát sẽ là price-setter (người định giá) trong miền Nam trong thời gian tới. Do đó, các bạn đừng quá lo lắng về thị phần của HPG.”

Thậm chí, với năng lực cạnh tranh hiện tại, Hòa Phát có thể cạnh tranh về giá thành với nhiều công ty thép tầm trung tại Trung Quốc, đây là điều mà trước đây 5 năm, chúng ta khó có thể nghĩ ra.

“Đầu tư vào một ngành được xem là quan trọng của quốc gia cũng là một lợi thế. Thép đang và sẽ là ngành được bảo hộ. Các bạn thử nghĩ một công ty có giá thành thấp nhất, nắm hơn 40%-42% thị phần chắc sẽ xảy ra vào năm 2021, chất lượng sản phẩm tốt, lợi thế của nó lớn đến mức nào?” – một dẫn chứng đầy chất “thép” của Mai Phương Thúy.

Bỏ qua những khó khăn trong hai năm qua của Hòa Phát, Thúy bày tỏ niềm tin vào một năm 2020 “không Hòa, chỉ Phát” khi nhà máy Dung Quất đã đi vào hoạt động, doanh số và thị phần cũng đã tăng, phần lớn các chuyên gia phân tích không đánh giá đúng tiềm năng của HPG (theo Thúy đó là một chỉ dấu tốt cho DN).

“Khi nhìn vào Hòa Phát 5 năm trước, Thúy cũng đã nhớ về giai đoạn HPG khi làm Hải Dương vào 2010-13. Có lẽ chu kỳ của Hòa Phát với Dung Quất có vài nét tương đồng với Hải Dương. Và đây cũng là đoạn VNM vượt vũ môn với mega-factory (nhà máy lớn) vào năm 2013-2014”.

Hoa hậu kể về “câu chuyện hay ho”

Khi nói đến câu chuyện cơ sở hạ tầng, sắt thép sẽ là một câu chuyện đáng được chú ý. Với quy mô, lợi nhuận và vị thế của Hòa Phát, Thúy cho rằng câu chuyện về xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ tạo động lực cho Hòa Phát.

Hơn nữa, việc mất cân đối cung cầu của một số vật nuôi trên thế giới sẽ khiến cho mảng chăn nuôi của Hòa Phát trở thành câu chuyện hot của hai năm tới.

Người đẹp tỏ ý không đồng tình với đại gia Trần Đình Long: “Anh Long có lẽ hơi thận trọng quá với mức lợi nhuận năm nay, nhìn nông nghiệp thôi, Thúy cũng thấy có thể đạt mức 1.700-2.000 tỷ đồng so với mức anh dự tính là 1.200 tỷ đồng.”

Thậm chí, cô còn so sánh HPG với Vinamilk và khẳng định tốc độ tăng trưởng lợi nhuận kép (CARG) của HPG trong 15 năm qua gần như số 1 thị trường, vượt cả Vinamilk thời kỳ hoàng kim.

Tuy nhiên, với một nhà đầu tư “bài bản” như Thúy, việc dự đoán chính xác lợi nhuận không quá quan trọng. Quan trọng là nhìn vào chu kỳ, câu chuyện, chất lượng doanh nghiệp, và định giá.

Theo đó, người đẹp nhất trên chứng trường Việt định giá về cổ phiếu của “vua thép” Việt năm 2020 EV/EBITDA sẽ ở mức 5.2-5.4x, trong khi các công ty thép trong khu vực với lợi thế cạnh tranh kém hơn cũng tầm 6-6.5x bình quân.

“Nhìn chút về số liệu quá khứ, PER của Hòa Phát tầm 6.8x và PBR tầm 1.1x cho năm 2020 so với mức median khoảng 7.5x PER và 1.6x PBR trong 5-10 năm qua. Có lẽ HPG bước vào giai đoạn tăng trưởng mới với một định giá rẻ hơn mức bình quân trong quá khứ của chính nó. Một mức PBR 1.1x với ROE khoảng 18-20% cho năm 2020-21, và mức tăng trưởng tầm 25-30%, không dễ tìm.”

Với những phân tích kể trên, Mai Phương Thúy cho rằng câu chuyện về HPG sẽ là “một câu chuyện hay ho” với một định giá hời. Cuối cùng, cô khéo léo “khoe” khả năng tiên tri của mình bằng một câu kết: “Bài này định đăng hai tuần trước mà mải ôm trai nên giờ mới copy paste....”.

Ngân Giang

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong/hoa-hau-mai-phuong-thuy-khoe-kheo-co-phieu-cua-vua-thep-tran-dinh-long-252855.html