Hoa hậu giỏi ngoại ngữ nhất từng bị phản ứng khi kết hôn với chồng Ấn Độ

Hoa hậu Việt Nam năm 1990 Diệu Hoa kể về cuộc sống hạnh phúc bên người chồng Ấn Độ hơn chị 3 tuổi.

Nguyễn Diệu Hoa - người đẹp Hà Nội đoạt vương miện Hoa hậu Việt Nam 1990 từng được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam với tư cách "Hoa hậu thông thạo nhiều thứ tiếng nhất".

Hiện nay chị làm Giám đốc kinh doanh tại một công ty của Thái Lan. Bên cạnh đó, Diệu Hoa còn có một gia đình hạnh phúc với người chồng Ấn Độ và 3 con.

Mới đây, cựu Hoa hậu Việt Nam có những chia sẻ thú vị về đời sống riêng tư với VietNamNet.

Đăng quang gần 30 năm, Hoa hậu Diệu Hoa vẫn rất duyên dáng, trẻ trung.

Cao 1,55m vẫn đăng quang Hoa hậu

- Đăng quang năm 1990, thời điểm chị thi Hoa hậu có sự khác biệt gì so với bây giờ?

Diệu Hoa tham gia cuộc thi Hoa hậu Việt Nam lần thứ hai. Lúc đó, mọi việc đều đơn giản, thời gian tổ chức thi ngắn gọn, các hoạt động từ lúc bắt đầu đến đêm chung kết chỉ diễn ra tại Hà Nội. Đêm chung kết được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô. Về phần thí sinh, chúng tôi phải tự chuẩn bị, thậm chí mượn đồ người khác để đi thi, đâu có thể đầu tư gì nhiều.

Càng về sau các cuộc thi sắc đẹp càng được chú ý đầu tư tài trợ. Nhờ vậy, quy mô thi ngày càng rộng, tổ chức thi ngày càng chuyên nghiệp. Đó là những khác biệt tương ứng với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Nhưng tinh thần phấn chấn, hồ hởi của thí sinh, sự cổ vũ nhiệt tình của công chúng và đặc biệt là ý nghĩa, tôn chỉ mục đích của thi Hoa hậu Việt Nam từ buổi đầu đến bây giờ luôn luôn nhằm tôn vinh vẻ đẹp đích thực của người phụ nữ Việt Nam là những điều không hề thay đổi.

- Chị nghĩ bây giờ mình dự thi Hoa hậu liệu có đoạt giải với chiều cao 1,58m?

Tôi nghĩ khi quyết định việc trao danh hiệu Hoa hậu, ban giám khảo chắc chắn phải tuân thủ các tiêu chí đã quy định. Riêng về ngoại hình, trong đó có chiều cao, họ cũng căn cứ mặt bằng chung chiều cao của các thí sinh tại thời điểm đó. Điều kiện chiều cao của cuộc thi Hoa hậu năm 1990 là từ 1m55 trở lên.

Điều đáng mừng là cùng với thời gian, mặt bằng chung đó từng bước được nâng cao. Nhiều bạn thí sinh hiện nay cao trên 1,7m và Hoa hậu thường nằm trong số đó.

-Thời điểm chị đăng quang hoa hậu mở ra nhiều cơ hội, tại sao chị không chọn bước chân vào showbiz?

Thời tôi dự thi Hoa hậu, chưa mấy ai có khái niệm về showbiz. Cánh cửa vào showbiz như ta hiểu ngày nay chưa thực sự rộng mở.

Khi thi Hoa hậu, tôi đang học năm cuối ĐH Ngoại Ngữ Hà Nội, khoa tiếng Nga. Sau đó, tôi học thêm lấy bằng cử nhân tiếng Anh. Vào thời điểm đó, có công ty nước ngoài đề nghị tôi đến làm việc. Ban đầu, tôi chỉ định làm việc để tận dụng môi trường rèn luyện thêm ngoại ngữ nhưng sau đó thật sự thích thú với những gì mình làm.

Cùng lúc đó, tôi quen biết chồng. Anh là doanh nhân Ấn Độ, yêu nhau rồi đi đến kết hôn. Rồi tôi chuyển về kinh doanh cùng chồng cho đến ngày nay.

Có thể ngoài ý muốn cá nhân còn có quyết định của số mệnh chăng? Điều chắc chắn là tôi không ân hận gì về con đường mình đã chọn. Trong thời gian qua, tôi đã từng bước trưởng thành trong công việc, đã tích lũy được kinh nghiệm, trau dồi thêm kiến thức, không hề uổng phí thời gian. Kết quả tốt của công việc là minh chứng rõ nét nhất.

Diệu Hoa hạnh phúc bên người chồng Ấn Độ và 3 con.

- Là một hoa hậu được lựa chọn trong 200 người đẹp khác, chị thấy mình đã làm tròn trách nhiệm của một hoa hậu thời đó khi quyết định học tiếp chứ không lựa chọn tham gia những hoạt động xã hội khác?

Tôi chưa bao giờ ngừng tham gia các hoạt động xã hội.

Có khác biệt là khi vừa có danh hiệu hoa hậu, nhất cử nhất động, nhất là công việc từ thiện thường được chú ý đưa tin, chụp ảnh. Đến nay ngoài công việc thường ngày, tôi vẫn thường xuyên làm công việc xã hội trong khuôn khổ tổ chức hoặc với tư cách cá nhân, trong nhiều lĩnh vực khác nhau kể cả từ thiện, với tần suất có thể nói cao hơn và hiệu quả có thể còn ý nghĩa hơn. Nhưng mọi việc diễn ra bình thường, yên lặng, như bao việc làm tốt đẹp của rất nhiều người khác.

Cũng xin nói thêm, chính nhờ thu nhập từ công việc kinh doanh, tôi mới có điều kiện để hoạt động xã hội và từ thiện tốt hơn.

- Được vinh danh "Hoa hậu thông thạo ngoại ngữ nhất" trong các hoa hậu, chị cảm thấy thế nào?

Được khen ai cũng vui nhưng tôi luôn nghĩ quanh mình còn biết bao bạn nữ thành đạt trong nhiều lĩnh vực khác. Với tôi, nhờ biết ngoại ngữ nên tôi có thể chủ động trong công việc, lại luôn cập nhập được thông tin, nâng cao kiến thức, kể cả học thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Học viện Công nghệ châu Á ở Thái Lan.

Các con của hoa hậu Việt Nam năm 1990 đều học giỏi và du học tại Mỹ.

Chồng tôi không phải đại gia

- Nhiều người nói thời điểm sau đăng quang chị lấy chồng ngoại quốc vì ham giàu. Thậm chí những anh chàng Hà Nội si mê chị khi đó còn gỡ bỏ hết ảnh Diệu Hoa trên tường. Thực hư chuyện này ra sao?

Thời đó kết hôn với người nước ngoài chưa phổ biến. Lúc này lúc khác, ở nơi này nơi khác, không tránh khỏi những điều ong, tiếng ve hay những tin đồn không hay. Điều đó cũng bình thường. Ngoài ra, cũng có nhiều người ủng hộ. Những luồng dư luận tích cực đã khích lệ tôi rất nhiều. Gia đình, người thân, bạn cùng học đều cảm nhận đây là tình yêu đích thực.

Anh Maneesh Dane hơn tôi 3 tuổi. Lúc đó, anh là một thanh niên Ấn Độ vừa tốt nghiệp Thạc sĩ kinh tế, sang Việt Nam làm đại diện trưởng một công ty Thái Lan. Anh không là đại gia, cũng không phải là một CEO có lương khủng như ở các công ty lớn. Lễ thành hôn của vợ chồng tôi diễn ra vui vẻ tại Hà Nội với sự có mặt của những người thân thiết. Chính tình yêu đích thực đã giúp vợ chồng tôi có môt gia đình êm ấm. Tháng 12 này, vợ chồng tôi sẽ tổ chức kỷ niệm 25 năm ngày cưới.

- Chị có bí quyết gì để giữ lửa hôn nhân khi có khá nhiều khoảng cách về văn hóa, ngôn ngữ?

Có người nghĩ chắc tôi khó có thể thích hợp với lễ giáo, phong tục Ấn Độ thường được hiểu là có phần khe khắt, nặng nề, nhất là đối với phụ nữ nhưng mọi việc diễn ra bình thường. Bố, mẹ chồng tôi đều là bác sĩ. Bản thân anh Maneesh là một doanh nhân coi như đã định cư ở Việt Nam, anh cũng đã học tiếng Việt đủ cho giao tiếp thông thường.

Trước đây khi bố mẹ anh còn sống, hai cụ đã nhiều lần sang Việt Nam thăm con cháu và gia đình thông gia. Hàng năm, gia đình tôi đều về Ấn Độ thăm quê chồng, bố mẹ đẻ tôi cũng vài lần sang Ấn Độ dự gặp mặt đại gia đình nhà chồng. Nói chung không có khoảng cách gì đáng kể về văn hóa, ngôn ngữ, không có khác biệt gì trong sinh hoạt gia đình. Kể cả trong ẩm thực, tôi thích một số món ăn Ấn Độ, chồng tôi cũng thích một số món Việt Nam. Cứ như vậy, không khí gia đình thể hiện rõ tình cảm yêu thương, tôn trọng nhau. Từ bố mẹ đến các con, ai có việc phải xa gia đình đều mong muốn sớm trở về nhà.

- Chị có 2 người con gái đều đang du học, phải chăng định hướng con cái phải học giỏi là một nét văn hóa trong gia đình chị?

Vợ chồng tôi cố gắng làm việc để có thu nhập đảm bảo con cái được học đến nơi đến chốn. Các con tôi cũng ý thức được điều đó nên đều chăm, ngoan. Các bé đều nói giỏi tiếng Việt. Bố mẹ cũng chỉ tư vấn, định hướng, các con tự mình chọn ngành nghề, chọn trường và tự chuẩn bị để được trường chấp nhận. Điều đáng mừng là hai con gái nhà tôi đang du học ở Mỹ đều học tốt.

Tôi tin chắc dù học, dù làm việc ở đâu, các con vẫn gắn bó với quê hương, vẫn nhớ những câu chuyện cổ tích, nhũng phong tục, tập quán của Việt Nam và Ấn Độ được mẹ và bố truyền đạt từ thuở ấu thơ.

Hàn Triệt

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/the-gioi-sao/hoa-hau-gioi-ngoai-ngu-nhat-tung-bi-phan-ung-khi-ket-hon-voi-chong-an-do-472481.html