Hòa giải xung đột và tái thiết hậu chiến: Bàn tay Nga

Nga tiêu diệt khủng bố và rót tiền tái thiết sau chiến tranh Syria, nay tiếp tục thể hiện vai trò nhân đạo tại chiến trường Nagorn-Karabakh.

Sau cuộc chiến chống khủng bố tại Syria, đánh bại gần như hoàn toàn lực lượng Thánh chiến ở quốc gia Trung Đông này chỉ trong thời gian ngắn, Nga đã tiếp tục trở thành nhân tố quyết định trong cuộc xung đột giữa hai quốc gia Nam Caucasus, kéo dài mâu thuẫn từ những năm 1980.

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đồng ý thiết lập một trung tâm giám sát hòa bình ở Nagorno-Karabakh

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đồng ý thiết lập một trung tâm giám sát hòa bình ở Nagorno-Karabakh

Đáng chú ý là ở trong cuộc chiến nào, Moscow cũng thể hiện tinh thần nhân đạo dẫu vẫn mang màu sắc chính trị.

Mới đây, Trung tâm Chỉ huy Quốc phòng Nga ngày 15/11 thông báo Bộ Quốc phòng Nga đã bắt đầu thiết lập một trung tâm ứng phó nhân đạo liên ngành ở Stepanakert, thủ phủ của khu vực xung đột Nagorny-Karabakh.

“Việc thành lập trung tâm ứng phó nhân đạo liên ngành sẽ được hoàn tất vào ngày 20/11/2020. Kể từ thời điểm này, trung tâm sẽ bắt đầu thực hiện toàn bộ các nhiệm vụ ứng phó nhân đạo được giao" - Trung tâm Chỉ huy Quốc phòng Nga cho biết.

Trung tâm ứng phó nhân đạo liên ngành sẽ được tăng cường bằng lực lượng đặc nhiệm của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga, cũng như các lực lượng và trang thiết bị của Cơ quan Biên phòng thuộc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) và đại diện của các cơ quan hành pháp liên bang khác.

Phía Nga đã kêu gọi sự tham gia tích cực của các tổ chức quốc tế, gồm Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) và Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế “nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình khôi phục sau xung đột, giải quyết các nhiệm vụ nhân đạo và bảo tồn các di sản văn hóa và tôn giáo trong khu vực".

Trong thông báo ngày 16/11, Chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình mới được triển khai của Nga, ông Rustam Muradov xác nhận rằng, Armenia và Azerbaijan đang tuân thủ lệnh ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh và tình hình ở khu vực bị chiến tranh tàn phá đang ổn định.

Hình ảnh tang tóc trên tuyến đường Lachin - Shusha với khá nhiều thi thể của các quân nhân phía Armenia nằm rải rác khi lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đi qua. Ảnh: Reuters

Sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Nga bao gồm khoảng 2.000 quân sẽ được triển khai ở Nagorno-Karabakh trong ít nhất 5 năm. Armenia và Azerbaijan đã đồng ý chấm dứt xung đột vào ngày 9/11. Thỏa thuận bắt đầu được thực hiện từ ngày 15/11 và phía Armenia đang đề nghị để lực lượng của họ được rút lui dần khỏi các khu vực giao tranh.

Giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh nổ ra vào cuối tháng 9 và diễn ra gay gắt trong 6 tuần. Thỏa thuận lần này có thể là một bước tiến trong cuộc xung đột kéo dài từ những năm 1980 tại Nagorn-Karabakh khi người Armenia tự trị tuyên bố độc lập khỏi Azerbaijan vào năm 1991.

Cần nhớ trước khi Nga đạt được thỏa thuận ngừng bắn, trao đổi tù binh, giao một phần lãnh thổ xung đột về Azerbaijan thì Moscow cũng đã đứng ra dàn xếp các lệnh ngừng bắn khác từ hôm 10/10 nhưng các bên đều liên tục tố cáo nhau vi phạm.

Cho đến đầu tháng 11, sau các cuộc điện đàm qua lại giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng các nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan, một thỏa thuận cuối cùng cũng đã được thiết lập và đi vào thực thi. Lần này, Nga chấp nhận sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ trong lực lượng giám sát lệnh ngừng bắn và trao trả tù binh tại khu vực.

Sự giám sát của Moscow về tình hình ngừng bắn ở đây bằng việc lập nên trung tâm ứng phó nhân đạo cho thấy rõ tinh thần nhân đạo của Nga tương tự như cách họ đã hành động tại Syria, gồm các vấn đề nhân đạo cũng như hỗ trợ Syria tái thiết đất nước.

Sau khi hỗ trợ Syria chống lại khủng bố, Nga cũng đã hỗ trợ người Syria tị nạn trở về nhà và mới đây đã công bố kế hoạch cấp 1 tỷ USD để tái thiết Syria sau chiến tranh.

Ngày 11/11, bên lề Hội nghị quốc tế về hồi hương người tị nạn Syria diễn ra ở thủ đô Damascus, Nga và Syria đã ký 8 bản ghi nhớ hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, liên minh thuế quan và các hoạt động giáo dục. Điều này sẽ mở ra triển vọng mới cho sự phát triển các mối quan hệ đôi bên cùng có lợi và tăng cường quan hệ đối tác giữa các bộ và giữa hai nước để tạo điều kiện hồi hương người tị nạn trở về quê hương của họ. Nga cũng sẽ mở lại phái bộ thương mại của nước này tại thủ đô Damascus của Syria vào trước cuối năm nay.

Những hoạt động này càng tô rõ hình ảnh của Nga khi trở thành một thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Đầu tháng 10 vừa qua, Nga đã được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc bầu làm thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc với nhiệm kỳ ba năm. Đây là một trong những ghi nhận rõ ràng nhất của cộng đồng quốc tế đối với các nỗ lực của Moscow trong hàng loạt vấn đề quốc tế, đặc biệt là cách ứng xử với các quốc gia Trung Đông tham gia vào cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều năm với lực lượng khủng bố.

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/hoa-giai-xung-dot-va-tai-thiet-hau-chien-ban-tay-nga-3422638/