Hóa giải tranh chấp chung cư

Tình trạng tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân các chung cư mới có xu hướng tăng trong những năm gần đây, gây mất an ninh trật tự tại địa bàn. Nguyên nhân chủ yếu của các tranh chấp liên quan ba nhóm vấn đề, gồm: Một là, chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, thành lập ban quản trị, tranh cãi chung quanh việc đóng góp, bàn giao, quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, kinh phí quản lý vận hành, thu chi tài chính; hai là, không thống nhất xác định sở hữu chung - riêng, chậm cấp giấy chứng nhận do chủ đầu tư thế chấp dự án ngân hàng; ba là, không thống nhất trong điều chỉnh quy hoạch.

Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân của tình trạng nêu trên chủ yếu do các chế tài xử phạt hành vi vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe; một số nội dung trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, vận hành nhà chung cư chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; năng lực thực hiện và quản lý dự án của một số chủ đầu tư còn yếu. Đáng lưu ý, còn có nguyên nhân do cơ quan quản lý xây dựng và chính quyền địa phương chưa thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước trong việc tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm; kiểm tra, thanh tra, đôn đốc, hướng dẫn, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp.

Để hóa giải những tranh chấp nêu trên, lãnh đạo Bộ Xây dựng vừa cho biết, sẽ tập trung nghiên cứu, sửa đổi bổ sung một số quy định pháp luật liên quan đến quản lý, vận hành nhà chung cư. Cụ thể, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, Thông tư số 02/2016/TT-BXD và Thông tư số 28/2017/TT-BXD liên quan mô hình quản lý nhà chung cư; quản lý kinh phí bảo trì nhà chung cư; tổ chức Hội nghị nhà chung cư; chế tài xử phạt các hành vi vi phạm trong công tác quản lý, vận hành nhà chung cư; sớm ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng nhà chung cư theo thẩm quyền, trong đó quy định cụ thể cách xác định diện tích căn hộ, phần diện tích thuộc sở hữu chung và sở hữu riêng để góp phần giải quyết những vấn đề tồn tại trong công tác quản lý sử dụng, vận hành nhà chung cư.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng tiếp tục đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về nhà ở; đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về quản lý, vận hành nhà chung cư và pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.

Trong nhiều hội nghị, hội thảo, đại diện các chủ đầu tư đã đề nghị Bộ Xây dựng sớm rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan quản lý nhà chung cư. Nhiều ý kiến đề nghị Bộ Xây dựng cần nghiên cứu, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng nhà chung cư, trong đó quy định cụ thể cách xác định diện tích căn hộ, phần diện tích thuộc sở hữu chung và sở hữu riêng. Có ý kiến đề xuất không tiếp tục sử dụng mô hình ban quản trị với thành phần chính là cư dân và đại diện chủ đầu tư. Thay vào đó, Bộ Xây dựng thành lập những công ty quản lý vận hành chung cư chuyên nghiệp, hoạt động độc lập với các chủ đầu tư và cư dân. Trái lại, có ý kiến cho rằng, chủ đầu tư là đơn vị hiểu rõ toàn bộ hệ thống của tòa nhà, cho nên chỉ có chủ đầu tư mới bảo đảm công tác quản lý, vận hành. Do đó, pháp luật nên quy định rõ ưu tiên chủ đầu tư tham gia công tác vận hành, bảo trì, nhưng với giá cả cạnh tranh được hội nghị nhà chung cư thông qua.

Chung quanh vấn đề tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư dự án chung cư, nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ khi xác định rõ trách nhiệm mới xử lý thấu đáo vấn đề, từ đó giải tỏa được các mâu thuẫn đang tồn tại, để ổn định an ninh trật tự, cũng như bảo đảm chủ trương phát triển đô thị được bền vững.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/40530602-hoa-giai-tranh-chap-chung-cu.html