Hòa giải tại tòa án: Thúc đẩy giải quyết tranh chấp thương mại trước tố tụng?

Câu 'Việc dân sự cốt ở đôi bên' nhằm nói lên một phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải.

Đó là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả mà thực tiễn Việt Nam từ lâu đã đúc rút. Hòa giải thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải nhờ tới một bên thứ ba xét xử là tòa án hoặc trọng tài. Nếu kết quả hòa giải thành đáp ứng được mong muốn của các bên thì phần lớn được các bên tự nguyện thi hành.

Vụ việc không phải trải qua các thủ tục dài dòng theo các luật tố tụng hoặc quy tắc tố tụng. Phương thức này tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí của các bên liên quan.

Theo nghiên cứu của WB tại 190 nền kinh tế, có đến 173 nền kinh tế chấp nhận hoạt động hòa giải tự nguyện ngoài tiến trình tố tụng hay nói cách khác là ngoài tòa án. Cuối năm 2018, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua Công ước về thỏa thuận giải quyết tranh chấp quốc tế đạt được thông qua hòa giải. Công ước này được coi là một điểm nhấn quan trọng thúc đẩy hoạt động hòa giải trên toàn cầu.

Kinh nghiệm ở những quốc gia có hoạt động hòa giải hiệu quả cho thấy hiệu quả ấy là nhờ khung pháp luật về hòa giải bảo đảm được quyền tự do định đoạt trong giải quyết tranh chấp của đương sự, chất lượng hòa giải viên, tính trung lập, nhanh chóng, thân thiện của hoạt động hòa giải.

Ở Việt Nam, hòa giải được ghi nhận trong lịch sử giải quyết tranh chấp và được quy định tại một số văn bản pháp luật, như Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Hòa giải cơ sở, Bộ luật Lao động, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ người tiêu dùng... Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đề ra nhiệm vụ: “khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài...”.

Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23-11-2012 cũng yêu cầu ngành tòa án “nâng cao tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc dân sự”. Gần đây, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 đã có một chương quy định về thủ tục tố tụng để tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án.

Tiếp đến, Nghị định 22/2017/NĐ-CP của Chính phủ về hòa giải thương mại năm 2017 đã xây dựng những quy định pháp lý cơ bản cho việc hình thành và hoạt động của tổ chức hòa giải thương mại, hòa giải viên vụ việc thương mại... Tuy nhiên, các hoạt động hòa giải tranh chấp ngoài tòa án hiện nay chưa được phát triển với nhiều lý do, trong đó có yếu tố hỗ trợ công nhận và cho thi hành kết quả hòa giải thành.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết các tranh chấp dân sự, ngành tòa án có chủ trương “đổi mới, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác hòa giải trong giải quyết các vụ việc dân sự”. Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng và chín tòa án nhân dân cấp huyện của thành phố Hải Phòng (thời gian từ tháng 3 đến hết tháng 8-2018) với tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành đạt 76,2%.

Hiện nay, TANDTC tiếp tục thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (thời gian thí điểm từ tháng 11-2018 đến tháng 10-2019 và sẽ kéo dài thêm nếu điều kiện cho phép). Kết quả thí điểm sẽ giúp TANDTC hoàn thiện dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Hiện nay, TANDTC đã xây dựng dự thảo luật này và đang lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện nó. Dự thảo luật đã tiếp nhận tư tưởng giải quyết tranh chấp mới, phương thức tổ chức hoạt động hòa giải và bảo đảm thi hành kết quả hòa giải thành.

Dù có những thành công trong hoạt động thí điểm theo báo cáo của TANDTC, giới chuyên môn vẫn có những băn khoăn nhất định khi mô hình hòa giải tại tòa án được luật hóa.

Phạm vi điều chỉnh hẹp như trong dự thảo tạo tâm lý băn khoăn về sự phân biệt giữa các loại hình hòa giải cũng như khả năng thống nhất giữa các quy định pháp luật.

Tiêu chuẩn về hòa giải viên cũng là một vấn đề cần nghiên cứu, tính toán sao cho ngành tòa án có thể lựa chọn được những đối tượng phù hợp với hoạt động kinh doanh đa dạng hiện nay.

Dự thảo luật cũng nên quy định rõ quyền lựa chọn trung tâm hòa giải và hòa giải viên của đương sự thay vì giới hạn về thẩm quyền theo lãnh thổ của các trung tâm hòa giải của tòa án. Bảo đảm quyền tự do lựa chọn trung tâm hòa giải hay hòa giải viên sẽ bảo đảm tốt hơn quyền tự do định đoạt của các đương sự, bảo đảm công lý sẽ do chính các bên tranh chấp mang lại cho mình thay vì phải nhờ cậy vào bên thứ ba như các phương thức giải quyết tranh chấp khác.

Dự thảo luật cần bảo đảm nguyên tắc cốt lõi của hoạt động hòa giải là nguyên tắc bảo mật thông tin trong hoạt động hòa giải. Hòa giải viên không có trách nhiệm phải báo cáo nội dung hòa giải cho bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào, trừ trường hợp pháp luật liên quan yêu cầu. Các thông tin, tài liệu được cung cấp trong quá trình hòa giải không được phép sử dụng làm chứng cứ theo trình tự tố tụng nào. Nếu nguyên tắc này được bảo đảm thì mới khuyến khích được các bên trải lòng để giải quyết tranh chấp của mình.

Cuối cùng, nguyên tắc trung lập (hay nguyên tắc độc lập, khách quan) của hòa giải phải được bảo đảm thông qua các chế định như thẩm phán hòa giải phải khác với thẩm phán giải quyết tranh chấp; tòa án thực hiện thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành không phải là tiến hành một thủ tục xem xét lại nội dung của tranh chấp.

Hy vọng rằng, dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án sẽ sớm được hoàn thiện và thông qua để thúc đẩy hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại tại Việt Nam.

(*) Chủ tịch của Trung tâm Hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam (VICMC); Luật sư điều hành – VPLS NHQuang&Cộng sự

Nguyễn Hưng Quang (*)

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/287622/hoa-giai-tai-toa-an-thuc-day-giai-quyet-tranh-chap-thuong-mai-truoc-to-tung.html