Hòa giải, đối thoại tại Tòa nghe rất hay nhưng tiền ở đâu?

'Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, nghe rất hay nhưng ai quản lý, ai bổ nhiệm, tiền đâu ra? Đặc biệt là địa vị pháp lý của hòa giải viên ra sao?', ĐBQH Hoàng Văn Hùng nêu.

ĐBQH Hoàng Văn Hùng

ĐBQH Hoàng Văn Hùng

Chiều 19/11, Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Theo Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, số lượng các vụ việc Tòa án các cấp phải thụ lý tăng lên rất nhanh với quy mô lớn và tính chất phức tạp. Có những địa bàn, như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu...mỗi Thẩm phán phải giải quyết số lượng vụ việc gấp 4 lần số lượng định biên, dẫn đến tồn đọng, chậm trễ.

“Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một chế định ưu việt đáp ứng được đòi hỏi trước nhất của tình hình và lâu dài của tiến trình cải cách tư pháp”, ông Bình cho hay. Thực tế, sau gần 10 tháng thực hiện thí điểm, các Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án của 16 tỉnh, thành phố đã hòa giải thành, đối thoại thành được 36.985 trên tổng số 47.493 vụ việc được hòa giải, đối thoại, đạt tỷ lệ 78,08%.

Về kinh phí, TANDTC đề nghị “Nhà nước bảo đảm kinh phí” cho công tác này, do đó không quy định về phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong dự thảo Luật. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, đa số ý kiến trong Ủy ban Tư pháp cho rằng, kết quả hòa giải, đối thoại thành được các bên tự nguyện thi hành sẽ giúp tiết kiệm được khoản chi phí lớn mà hàng năm ngân sách phải đầu tư cho công tác xét xử, công tác thi hành án dân sự và tiết kiệm chi phí của xã hội.

Theo TANDTC, kết quả tổng kết thí điểm cho thấy, việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã giảm khoảng 80% chi phí so với mức chi để xét xử một vụ việc theo thủ tục sơ thẩm. “Vì đây là phương thức giải quyết tranh chấp mới nên cần có thời gian để đi vào cuộc sống phát huy hiệu quả và cần khuyến khích người dân lựa chọn, do đó trước mắt chưa quy định thu phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án là phù hợp”, bà Nga cho hay.

Cho ý kiến về nội dung này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy ủng hộ phương án chưa thu phí, như vậy sẽ thu hút người dân lựa chọn. Từ đó, tranh chấp của họ sẽ được giải quyết kịp thời, không phải đưa ra xét xử, cũng không phải cưỡng chế thi hành án, không gây tốn kém. “Một phiên sơ thẩm phải bỏ ra 5,5 triệu đồng, nhưng qua hòa giải chỉ mất khoảng 1,2 triệu đồng. Đầu tư như vậy sẽ tiết kiệm được nhiều, nhưng quan trọng nhất là tạo không khí hòa hiếu trước dân”, bà Thủy phân tích.

Theo ĐB Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên), vấn đề này “nghe thì rất hay”, tổng kết thí điểm tại 16 điểm rất tốt, không nằm trong quy trình tố tụng, không dính đến Hội đồng xét xử, Viện kiểm sát, lại huy động nguồn lực tốt từ những người có kinh nghiệm. Nhưng ông Hùng còn băn khoăn, người hòa giải này ai quản lý, ai bổ nhiệm, tiền đâu ra? Đặc biệt là địa vị pháp lý của hòa giải viên ra sao? Cơ quan trực thuộc Tòa không phải, nhưng lại thuộc sự quản lý của Tòa. Con đẻ không phải, con nuôi cũng không. Ông Hùng đề nghị quy định rõ địa vị pháp lý hòa giải viên.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-nghe-rat-hay-nhung-tien-o-dau-1488376.tpo