Hòa giải cơ sở: Người dân đánh giá cao vai trò khi giải quyết tranh chấp

Việc người dân chưa hiểu biết, không quan tâm, hoặc hiểu biết hạn chế về hòa giải cơ sở (HGCS) khiến quá trình HGCS gặp nhiều khó khăn, các bên liên quan đến hòa giải thường ngại va chạm và không dám công khai những bất đồng của mình. Do đó, nhiều vấn đề khi được phát hiện thì lại vượt quá giới hạn xử lý của công tác HGCS.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong Báo cáo kết quả nghiên cứu “Hòa giải ở cơ sở: Kinh nghiệm từ một số địa bàn thực hiện dự án của Quỹ thúc đẩy sáng kiến tư pháp (JIFF)” được công bố ngày 7-8-2020.

5 vai trò quan trọng của hòa giải cơ sở

Ngày 7-8, tại Hà Nội, Hội bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam phối hợp với Tổ chức Oxfam Việt Nam, Quỹ thúc đẩy sáng kiến tư pháp (JIFF) đã công bố kết quả nghiên cứu Hòa giải cơ sở - kinh nghiệm từ một số địa bàn thực hiện dự án của Quỹ thúc đẩy sáng kiến Tư pháp (JIFF).

Thông tin về kết quả nghiên cứu tại buổi lễ, TS Tạ Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam (VIJUSAP), đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: HGCS đóng vai trò rất quan trọng và là bước đầu giải quyết bất đồng và vi phạm pháp luật, đặt nền tảng cho ổn định và đoàn kết trong sự phát triển của cộng đồng, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Trên cơ sở nền tảng về lý thuyết, quy định của pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn của các tổ chức thực hiện sáng kiến lần thứ nhất, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra 5 vai trò quan trọng của HGCS.

Theo đó, HGCS góp phần bảo vệ quyền và lợi ích công dân, đặc biệt là nhóm yếu thế, vì HGCS giải quyết kịp thời, từ gốc các mâu thuẫn, xích mích, các tranh chấp trong gia đình, cộng đồng dân cư. Phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tránh để chuyện bé xé ra to. HGCS là giải pháp tự nguyện và phát huy tính sáng tạo, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tự quản và quản lý xã hội tại địa bàn dân cư.

Bên cạnh đó, HGCS góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân và xây dựng nếp sống tương thân, tương ái, có văn hóa và văn minh tại cộng đồng. Trong quá trình thực hiện hòa giải, bên cạnh việc vận dụng các công cụ khác như kinh nghiệm xã hội, văn hóa, đạo đức, truyền thống…, các hòa giải viên vận dụng các quy định pháp luật tương ứng để giải thích, hướng dẫn, thuyết phục các bên, giúp họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật nên pháp luật đến với người dân một cách trực tiếp, tự nhiên.

HGCS góp phần duy trì và phát huy truyền thống của dân tộc, bảo vệ và ổn định trật tự xã hội, xây dựng những chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử, phong tục, tập quán tốt đẹp, qua đó làm cho các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy.

Cuối cùng, HGCS huy động được nguồn lực và sức mạnh của xã hội, là giải pháp để các đoàn thể CTXH, chính quyền và các tổ chức cộng đồng gần gũi và nắm được tâm tư, nguyện vọng của dân cư tại địa bàn. Ngay trong trường hợp hòa giải không thành, quá trình hòa giải cũng giúp cho tổ chức cộng đồng nắm được tình hình dân cư. Các bên có tranh chấp nắm rõ bản chất, tình tiết của vụ, việc, nguyên nhân mấu chốt của vấn đề tranh chấp, tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc của các bên để từ đó có phương hướng tự giải quyết đúng đắn hoặc thông suốt khi phải đưa vụ, việc ra chính quyền hoặc tòa án.

“Đa số người dân được khảo sát đánh giá cao vai trò của công tác HGCS trong giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn. HGCS có thể xem như một điểm trong của đời sống pháp luật”, Chủ tịch Hội bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam Tạ Thị Minh Lý cho biết.

TS Tạ Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam chia sẻ kết quả nghiên cứu.

TS Tạ Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam chia sẻ kết quả nghiên cứu.

Truyền thông về hòa giải cơ sở cho người dân còn hạn chế

Mặc dù đánh giá cao về vai trò của công tác HGCS, tuy nhiên nghiên cứu cũng cho thấy việc tiếp cận của người dân đối với HGCS còn hạn chế. Theo TS Tạ Thị Minh Lý, nghiên cứu đã khảo sát 18 người dân, trong đó 14/18 đã từng mời tổ hòa giải đến để giải quyết mâu thuẫn. Dưới góc nhìn của cán bộ hòa giải tại các địa bàn khảo sát, thì 9% cho rằng rất ít người dân biết tới HGCS ở địa phương, 22% trả lời một số biết, còn lại 69% cho rằng phần lớn hoặc hầu hết người dân biết về công tác HGCS.

Theo TS Tạ Thị Minh Lý: “Người dân chỉ thực sự quan tâm tới HGCS khi họ xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp cần giải quyết và cần tổ hòa giải làm trung gian hòa giải. Theo quy định pháp luật, hòa giải viên có thể thực hiện HGCS khi: Một bên hoặc các bên yêu cầu hòa giải; hòa giải viên chứng kiến hoặc biết vụ, việc thuộc phạm vi hòa giải; theo phân công của tổ trưởng tổ hòa giải hoặc đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tuy nhiên, những người dân được hỏi cho rằng các HGV thực hiện hòa giải vụ việc chủ yếu khi có yêu cầu của một bên hoặc cả hai bên có mâu thuẫn, tranh chấp yêu cầu hòa giải (14/18 người dân được khảo sát). Chỉ 1/18 người cho rằng, HGV có thể hòa giải khi chứng kiến hoặc biết vụ việc thuộc phạm vi HGCS”.

“Nếu không được yêu cầu hòa giải, hòa giải viên gặp nhiều khó khăn trong quá trình chủ động hòa giải/giảng hòa, chủ yếu đến từ nội bộ gia tộc và tính chủ thể của người dân. Thêm vào đó, phong tục tập quán của cộng đồng cũng là cản trở cho quá trình phổ biến pháp luật nói chung nhằm tạo nền tảng cho HGCS được diễn ra một cách thuận lợi.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, công tác truyền thông, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở cho người dân chưa được tổ chức thường xuyên, liên tục. Khoảng 50% cán bộ HGCS được khảo sát cho rằng, hoạt động truyền thông về Luật Hòa giải ở cơ sở ít được tổ chức, tổ chức mang tính hình thức hoặc không được tổ chức tại địa phương. Điều này chủ yếu do thiếu kinh phí tổ chức (44,8%), người dân chưa quan tâm (19,9%). Ngoài ra có một số nguyên nhân khác như thiếu cán bộ thực hiện, luật quy định chung chung, không có tài liệu phù hợp…

Trên cơ sở chỉ ra những khiếm khuyết và lỗ hổng trong quy định của pháp luật, cũng như trong cách thức triển khai thực hiện công tác HGCS, nghiên cứu đã đưa ra các đề xuất chính sách dựa trên bằng chứng thực tiễn, các sáng kiến có sự tham gia của các tổ chức xã hội các tổ chức phi chính phủ (NGOs) trong quá trình bảo vệ quyền công dân, đặc biệt là nhóm yếu thế, thông qua HGCS. Cách tiếp cận này sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách hiểu hơn tình hình thực tế về HGCS tại cộng đồng, từ đó có góc nhìn toàn diện trong thiết kế và thực thi chính sách vừa phù hợp với thực tế, vừa đảm bảo quyền công dân của các nhóm yếu thế.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hoa-giai-co-so-nguoi-dan-danh-gia-cao-vai-tro-khi-giai-quyet-tranh-chap-201094.html