Hòa giải cơ sở: Giữ gìn tình làng nghĩa xóm

Theo Sở Tư pháp Hà Nội, công tác hòa giải trên địa bàn TP thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Thành phố đã kiện toàn được 5/395 tổ hòa giải với 34.198 hòa giải viên ở tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Chất lượng và hiệu quả hoạt động có nhiều chuyển biến tốt. Kết quả hòa giải thành luôn đạt tỷ lệ cao. Trong đó, năm 2014, toàn TP hòa giải thành 7872/9843 vụ, đạt tỷ lệ 80%, năm 2015 - hòa giải thành 8.082/10.028 vụ, đạt 80,6%, năm 2016 -hòa giải thành 6.157/7.557 vụ, đạt 81,5%.

Năm 2017 hòa giải thành 6.622/8.218 vụ, đạt 80,8%. Trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn TP đã tiến hành hòa giải thành 2.945/3.572 vụ việc, đạt tỷ lệ 82,45% cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Trong đó nhiều quận, huyện có tỷ lệ hòa giải cao như: huyện Phú Xuyên (98,1%), quận Hoàn Kiếm (95,5%), huyện Sóc Sơn (95,2%), huyện Chương Mỹ (93%), quận Long Biên (92,6%), huyện Mỹ Đức (90,6%)...

Với sự tham gia của nhiều thành phần, tổ chức trong xã hội như: Mặt trận tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân và những người có uy tín, đủ năng lực được lựa chọn, hòa giải cơ sở đã thực sự là sức mạnh “vô hình”, hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp phần hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp và “an dân”.

Công tác tập huấn, nâng cao kỹ năng, kiến thức cho đội ngũ hòa giải viên luôn được Hà Nội quan tâm. (Ảnh: N.An)

Công tác tập huấn, nâng cao kỹ năng, kiến thức cho đội ngũ hòa giải viên luôn được Hà Nội quan tâm. (Ảnh: N.An)

Thực tế cho thấy, có rất nhiều mâu thuẫn nhỏ nếu không kịp thời hòa giải sẽ dẫn đến tình trạng “cái sảy nảy cái ung”, dân sự chuyển thành hình sự, rồi trở thành trọng án (Như: Tội giết người; tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh; tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác....).

Hay như những trường hợp tranh chấp đất đai giữa các hộ liền kề xảy ra xô xát, nếu không hòa giải kịp thời có thể dẫn đến mâu thuẫn lớn. Hoặc những vụ va chạm xe cộ dẫn đến đánh nhau hoặc những vụ gây thương tích nhỏ chưa đến truy cứu trách nhiệm hình sự nếu không hòa giải kịp hời, các bên kéo người nhà, bạn bè trả thù cũng trở thành trọng án. Rồi những trường hợp mâu thuẫn xuất phát từ hành vi bạo lựu gia đình như vợ, chồng lâu ngày đánh nhau nhiều lần nếu không hòa giải kịp thời thì có thể dẫn đến cố ý gây thương tích thậm chí giết người…

Để phát huy hết vai trò của người hòa giải viên cũng như công tác hòa giải trong việc hòa giải các mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, nhất là nhằm trong phòng ngừa các vụ trọng án, thời gian qua công tác này đã được TP Hà Nội quan tâm. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ hòa giải cho Hòa giải viên. TP cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền Luật hòa giải ở cơ sở và các nội dung pháp luật có liên quan trên phương tiện thông tin đại chúng và nhiều hình thức khác phong phú đa dạng.

Trong thời gian tới, nhiều giải pháp cũng sẽ được Hà Nội tích cực triển khai nhằm nâng cao chất lượng hòa giải như: Quan tâm bố trí đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng cho công tác hòa giải ở cơ sở. Tăng cường sự phối hợp tốt giữa chi bộ, Ban công tác Mặt trận cơ sở, tổ chức đoàn thể, tổ dân phố, thôn để theo dõi, hướng dẫn các tổ hòa giải hoạt động tích cực, đúng vai trò, nhiệm vụ nhằm giải quyết triệt để các mâu thuẫn vụ việc xảy ra. Gắn công tác hòa giải với công tác hội của các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức khác.

Đưa việc thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đồng thời cụ thể hóa việc triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở bằng những kế hoạch cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn, từng thời điểm, từng đối tượng và đặc thù riêng của địa phương.

Nguyên An

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/hoa-giai-co-so-giu-gin-tinh-lang-nghia-xom-122776.html