Hòa giải - cách giải quyết tranh chấp hiệu quả

Mặc dù pháp luật hiện hành có nhiều quy định về hòa giải, đối thoại trong Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng Hành chính và một số phương thức hòa giải ngoài tòa án nhưng việc thực hiện chưa đạt kết quả cao trong thực tế. Chính vì vậy, việc nâng cao hiệu quả của công tác hòa giải trong giải quyết các vụ việc dân sự, đối thoại trong giải quyết các khiếu kiện hành chính là đòi hỏi thiết yếu trong quá trình cải cách tư pháp.

Hòa giải, đối thoại là một trong những nguyên tắc tố tụng được quy định tại nhiều văn bản, như: Bộ Luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng Hành chính… Theo các văn bản này, tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải, đối thoại và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc. Bên cạnh quy định về hòa giải, đối thoại trong các văn bản trên, pháp luật còn quy định một số loại hình hòa giải, đối thoại ngoài tòa án, như: Hòa giải ở cơ sở, hòa giải tranh chấp lao động, hòa giải thương mại, hòa giải tranh chấp đất đai…

Theo thống kê của Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao, những năm qua, tỷ lệ hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự có nhiều tiến bộ, trung bình hằng năm đạt 50% số vụ án dân sự phải giải quyết và cá biệt có những tòa án, tỷ lệ này đạt tới 60-70%. Tỷ lệ đối thoại thành và đình chỉ giải quyết vụ án hành chính đạt gần 8% trong tổng số vụ án đã giải quyết. Đối với hòa giải ngoài tòa án, việc hòa giải được tiến hành theo Luật Hòa giải ở cơ sở đạt tỷ lệ cao. Hằng năm, hòa giải viên ở cơ sở thực hiện hòa giải thành trung bình 110.000 vụ, việc; tỷ lệ hòa giải thành đạt cao, hơn 82%. Kết quả này thể hiện tính chuyên nghiệp của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở và những đóng góp tích cực, hiệu quả của hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Bà Đặng Thị Ngọc Ánh, Thư ký TAND quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, chia sẻ: "Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử. Kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành. Vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận".

Tuy nhiên, hiện nay các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính vẫn không ngừng tăng lên theo quy mô của nền kinh tế. Kết quả hòa giải, đối thoại tại tòa án vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi của người dân và xã hội. Tỷ lệ hòa giải thành, đối thoại thành trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính của các tòa án tăng dần qua từng năm nhưng chưa cao, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Mỗi phương thức hòa giải đều đạt được những kết quả nhất định nhưng chưa phát huy hết vai trò, hiệu quả từ bản chất của hòa giải nói chung. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới hiện trạng này là quy định của pháp luật thiếu sự kết hợp giữa tòa án và các nguồn lực hòa giải ngoài tòa án trong quá trình hòa giải. Phương thức hòa giải ngoài tòa án có ưu điểm là linh hoạt, giàu nhân lực thực hiện nhưng kết quả hòa giải chỉ được thi hành khi các bên tự nguyện. Hòa giải trong tố tụng có giá trị pháp lý và được thi hành bằng quyền lực Nhà nước nếu các bên không tự nguyện, nhưng vướng nhiều hạn chế, như: Tính cứng nhắc, không linh hoạt của thủ tục tố tụng. Để có sự kết nối giữa tòa án và các nguồn lực xã hội khác thì cơ cấu, tổ chức, thủ tục, quy trình hòa giải, đối thoại đòi hỏi phải có tính đặc thù so với tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và các thủ tục hòa giải ngoài tòa án. Chính vì thế, nhiệm vụ đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề của tòa án trong bối cảnh hằng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp.

Tại Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án” tổ chức ngày 12-4-2019 tại Hà Nội vừa qua, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao nêu lên sự cần thiết của hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa án và tính cần thiết phải có luật điều chỉnh hoạt động này. Theo đó, dự thảo luật được TAND Tối cao xây dựng nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng đã được ghi nhận tại nhiều văn kiện; góp phần xây dựng, hoàn thiện thể chế điều chỉnh các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án nói chung và các mô hình hòa giải nói riêng; tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức trong xã hội có nhiều lựa chọn hơn về biện pháp, cách thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp; giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước.

DƯƠNG SAO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/hoa-giai-cach-giai-quyet-tranh-chap-hieu-qua-572016