Hóa giải băn khoăn về vốn cho đầu tư BOT

Tỷ trọng tín dụng cho BOT chỉ chiếm khoảng 1,5% trong tổng dư nợ và nợ xấu được kiểm soát ở mức rất thấp

Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, các chính sách đầu tư và cho vay đối với các dự án BOT giao thông tiếp tục nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội và nhận được trả lời thỏa đáng của Tư lệnh ngành Ngân hàng - Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng.

Tỷ trọng tín dụng cho BOT chỉ chiếm khoảng 1,5% trong tổng dư nợ và nợ xấu được kiểm soát ở mức rất thấp

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) băn khoăn về việc hiện nay lãi suất cho vay thương mại các dự án đầu tư cao tới 11,5%/năm, điều này dẫn đến làm tăng giá thành. Với dự án BOT giao thông, việc tăng giá thành sẽ làm tăng thời gian thu hồi vốn và tăng mức phí mà người dân và DN phải trả. Bên cạnh đó, với mức lãi suất cao, dòng tín dụng theo nguyên tắc thị trường có xu hướng đổ vào lĩnh vực đầu tư như BOT giao thông, bất động sản là nơi có các dự án lớn hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng, thời gian vay dài hạn. Điều này dẫn đến các lĩnh vực đầu tư khác như nông nghiệp, dịch vụ, DN vừa và nhỏ là khu vực tạo ra nhiều sản phẩm và việc làm cho xã hội thì lại khó cạnh tranh và khó tiếp cận được nguồn vốn vay để phát triển.

Hóa giải những thắc mắc này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định ngành Ngân hàng đã dành lượng tín dụng xứng đáng cho những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và những lĩnh vực ưu tiên và dưới sự điều hành của Chính phủ và NHNN thì mặt bằng lãi suất giảm rất mạnh. Từ năm 2011 đến năm 2016 lãi suất huy động giảm từ 7 đến 10%, lãi suất cho vay còn giảm mạnh hơn từ 10 đến 11%. Lãi suất cho vay mà trung dài hạn lĩnh vực ưu tiên hiện nay các TCTD áp dụng chỉ khoảng 8%.

Thống đốc cho biết NHNN đã kiểm soát rất chặt chẽ vốn tín dụng với lĩnh vực bất động sản và các dự án BOT. Hiện nay dư nợ tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực BOT thấp hơn so với năm trước. Tỷ trọng tín dụng cho BOT chỉ chiếm khoảng 1,5% trong tổng dư nợ và nợ xấu được kiểm soát ở mức rất thấp. Tỷ trọng cho vay bất động sản cũng đã giảm hơn so với năm ngoái. 10 tháng đầu năm, tín dụng cho vay bất động sản chỉ tăng khoảng 7,1% và tỷ trọng tín dụng cho vay bất động sản trên tổng dư nợ chỉ khoảng 6,5%, trong khi cùng kỳ năm ngoái thì tín dụng cho bất động sản cỡ khoảng trên 10% và tỷ trọng cũng khoảng hơn 7%. Như vậy, là cả cấp độ tăng và tỷ trọng cũng đã giảm.

Ngành Ngân hàng đã kiểm soát tín dụng cho bất động sản bằng các tỷ lệ an toàn và đã tăng hệ số rủi ro khi cho vay tín dụng bất động sản và giảm tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn. Đây là những công cụ rất quan trọng để kiểm soát được tốc độ tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro. Thời gian tới theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN vẫn quyết tâm kiểm soát chặt chẽ những rủi ro trong các lĩnh vực này. Trước nhu cầu đầu tư lớn, hệ thống ngân hàng vẫn có thể tiếp tục cung ứng vốn cho vay nếu dự án có phương án tài chính khả thi và các nhà đầu tư có năng lực thực sự.

Riêng về đầu tư đường cao tốc Bắc – Nam, rất nhiều ý kiến đại biểu tỏ ra lo lắng. Tổng vốn đầu tư cho dự án này là 118 ngàn tỷ đồng, nhưng vốn ngân sách chỉ đảm đương được 55 ngàn tỷ, còn huy động là 63 ngàn tỷ đồng thì dự kiến là sẽ vay hệ thống ngân hàng trên 50 ngàn tỷ đồng. Đại biểu Trần Hoàng Ngân đồng tình với việc sẽ kiểm soát chặt chẽ các dự án BOT là rất chính xác và chúng ta cần phải kiểm tra năng lực tài chính của nhà đầu tư, cần phải kiểm tra hiệu quả của đầu tư.

Thống đốc cho rằng, đây là vấn đề rất lớn, nhu cầu vốn trong thời gian tới và cho đường cao tốc là rất quan trọng, nhưng vấn đề rủi ro của hệ thống ngân hàng là vấn đề quan trọng không kém. NHNN cũng báo cáo Chính phủ không phải là hệ thống ngân hàng không cho vay các dự án BOT giao thông mà NHNN chỉ đạo các TCTD phải tăng cường chức năng thẩm định về phương án tài chính để đảm bảo hiệu quả và khả thi. Phải thẩm định năng lực tài chính của chủ đầu tư để đảm bảo lựa chọn được các nhà đầu tư có năng lực tài chính thực sự và có các dự án khả thi thì các ngân hàng vẫn có thể tiếp tục cho vay.

Thống đốc khẳng định hệ thống ngân hàng vẫn cho vay nhưng với điều kiện các dự án BOT và những tuyến đường đó đảm bảo khả thi về mặt tài chính. NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng trong quá trình cho vay phải quản lý rất chặt tình hình sử dụng vốn của chủ đầu tư và các diễn biến có liên quan để làm sao không gây rủi ro đến các khoản tín dụng của ngân hàng.

Trần Hương

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/hoa-giai-ban-khoan-ve-von-cho-dau-tu-bot-70138.html