Hóa giải bài toán rủi ro gian lận

Rủi ro gian lận đang diễn ra ngày càng nhiều, ảnh hưởng không tốt đến uy tín của các TCTD. Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có buổi làm việc với bà Phạm Trung Hà, Phó tổng giám đốc - Giám đốc khối QTRR MB về vấn đề này.

Bà Phạm Trung Hà

Thuộc lĩnh vực rất nhạy cảm, theo bà đâu là rủi ro nổi bật mà các ngân hàng đang phải đối mặt trong thời gian gần đây?

Ngân hàng là một lĩnh vực nhiều rủi ro, đặc biệt là tại một quốc gia mà thị trường tài chính vẫn đang từng bước hoàn thiện, phát triển như Việt Nam. Nếu như trước đây, nợ xấu là một vấn đề nổi cộm đe dọa trực tiếp tới lợi nhuận và hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam thì với những động thái quyết liệt của Nhà nước như việc thi hành Nghị quyết 42/2017/QH14, sự tích cực xử lý nợ xấu của các NHTM thì câu chuyện nợ xấu đã tạm thời lắng xuống.

Tuy nhiên, thay vào đó là việc nổi lên hàng loạt các vụ gian lận nghiêm trọng tại nhiều ngân hàng lớn, tập trung vào hoạt động tiền gửi và hoạt động thẻ. Các vụ việc này không chỉ xuất phát từ gian lận của cấp nhân viên, mà có những vụ là do những cá nhân giữ các chức vụ Trưởng phòng giao dịch, Ban giám đốc chi nhánh thực hiện, dẫn tới tổn thất lớn (có những vụ việc lên tới hàng trăm tỷ đồng) cho khách hàng.

Đứng trên góc độ của ngân hàng, những vụ việc có yếu tố gian lận nội bộ này không những gây thiệt hại về tài sản cho khách hàng và ngân hàng mà còn có thể dẫn tới các hậu quả tiêu cực khác như các khách hàng không tin tưởng và đồng loạt rút tiền tại ngân hàng (rủi ro thanh khoản), truyền thông bất lợi làm suy giảm hình ảnh và giá cổ phiếu của ngân hàng (rủi ro danh tiếng)… Các vụ việc gian lận không chỉ dừng lại ở phạm vi một ngân hàng riêng lẻ mà còn ảnh hưởng lớn tới uy tín của toàn ngành Ngân hàng.

Không chỉ tại Việt Nam, rủi ro gian lận cũng là vấn đề chung của các ngân hàng trên thế giới, nhất là trong thời đại mà công nghệ được ứng dụng ngày càng nhiều vào giao dịch ngân hàng. Do vậy, theo tôi, trong thời gian tới, rủi ro gian lận sẽ tiếp tục là một điểm nóng mà các ngân hàng chắc chắn cần phải tập trung nguồn lực quản trị.

Vậy quan điểm của cơ quan quản lý tại Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế về quản trị rủi ro gian lận như thế nào?

Rủi ro gian lận là một trong các rủi ro quan trọng của rủi ro hoạt động, thuộc trụ cột 1 của Hiệp ước Basel 2. Tuy nhiên, các hướng dẫn của Ủy ban Basel phần lớn dừng ở cấp độ chung là rủi ro hoạt động, chưa có hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho quản trị rủi ro gian lận. Cơ quan quản lý mỗi quốc gia sẽ dựa trên các nguyên tắc chung về quản trị rủi ro hoạt động của Ủy ban Basel để có những quy định, hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể hơn với rủi ro gian lận, phù hợp với đặc thù các vụ việc gian lận xảy ra trong ngành tài chính – ngân hàng tại quốc gia đó.

Tại Việt Nam, NHNN đã có nhiều chỉ thị cũng như tổ chức nhiều hội thảo nhằm tăng cường kiểm soát an toàn tiền gửi và hoạt động thanh toán, hạn chế ảnh hưởng của rủi ro gian lận đến khách hàng và ngân hàng. Các công văn như 386a/NHNN-TTGSNH.m ngày 08/05/2017, công văn 2245/ TTGSNH9 ngày 12/07/2017, hay các hội nghị toàn ngành Ngân hàng ngày 31/05/2017, ngày 12/10/2017 đã thể hiện những chỉ đạo sát sao của NHNN trong vấn đề bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng (trong đó có vấn đề về các gian lận nội bộ, gây thiệt hại tiền gửi cho người dân).

Đầu năm nay, NHNN tiếp tục ra văn bản số 1126/NHNN-TTGSNH ngày 23/2/2018 (sau khi xảy ra 1 vụ việc mất tiền gửi hàng trăm triệu của 1 khách hàng tại 1 NHTMCP), trong đó đưa ra bảy yêu cầu đề nghị các ngân hàng thực hiện để đảm bảo an toàn giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm tại các TCTD, tập trung vào các nhóm giải pháp về công nghệ, quy định/quy trình, cơ cấu tổ chức, công tác cán bộ, truyền thông/thông tin tới khách hàng, tương tác với NHNN và các cơ quan chức năng khi phát sinh vụ việc sai phạm

Mới đây, tại Thông tư 13/2018/TT-NHNN ngày 18/05/2018 về hệ thống kiểm soát nội bộ của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, NHNN yêu cầu các NHTM phải nhận diện, đo lường, theo dõi và kiểm soát đầy đủ rủi ro hoạt động (bao gồm rủi ro gian lận) trong tất cả các sản phẩm, hoạt động kinh doanh, quy trình nghiệp vụ, hệ thống công nghệ thông tin và các hệ thống quản lý.

Ngoài ra, các ngân hàng cần có cơ chế trao đổi thông tin về gian lận, nguy cơ xảy ra gian lận cho bộ phận quản lý rủi ro, bộ phận kiểm toán nội bộ và các bộ phận liên quan khác cũng như có cơ chế báo cáo cho cấp có thẩm quyền về các hành vi vi phạm.

Như vậy, có thể thấy việc nâng cao năng lực quản trị rủi ro gian lận là yêu cầu cần thiết đối với các ngân hàng trong thời gian tới, nhằm đáp ứng yêu cầu của NHNN, cũng như thông lệ Basel 2, hướng tới bảo vệ khách hàng, uy tín của ngân hàng.

Thời gian tới, MB sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác quản trị rủi ro gian lận

MB đã triển khai công tác quản trị rủi ro gian lận như thế nào?

MB đánh giá rủi ro gian lận là một trong các rủi ro trọng yếu mà ngân hàng cần quản trị. Tại MB, việc quản trị rủi ro gian lận gắn liền với mô hình 3 vòng bảo vệ (theo thông lệ của Ủy ban Basel, COSO), giúp ngân hàng quản trị hiệu quả, chặt chẽ loại rủi ro này.

Đối với vòng bảo vệ thứ nhất – là những cá nhân tham gia trực tiếp vào quy trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng, MB chú trọng phòng ngừa rủi ro sớm thông qua việc kiểm soát tốt yếu tố con người. MB áp dụng quy trình tuyển dụng chặt chẽ (thực hiện kiểm tra chéo thông tin ứng viên trước khi tuyển dụng với một số vị trí chức danh; đào tạo); phát hiện sớm các biểu hiện bất thường của CBNV, định kỳ luân chuyển cán bộ trong nội bộ cũng như giữa các đơn vị, đảo danh mục quản lý khách hàng của RM.

Ngoài ra, MB cũng thiết kế quy trình nghiệp vụ, không để xảy ra tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” ở cùng 1 khâu tác nghiệp. Việc phân quyền truy cập hệ thống cũng đảm bảo tương đồng với quy trình nghiệp vụ, và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phân công công việc của 1 cá nhân. Các CBNV thuyên chuyển, nghỉ việc sẽ ngay lập tức bị cắt/khóa user truy cập các hệ thống CNTT.

Đối với vòng bảo vệ thứ hai, các đơn vị quản trị rủi ro, pháp chế, kiểm tra - kiểm soát nội bộ tại MB tập trung xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả với các quy trình, quy định, công cụ, phần mềm để kiểm soát rủi ro gian lận tiềm ẩn trước, trong và sau mỗi giao dịch với khách hàng. Việc thường xuyên tương tác, truyền thông tới các đơn vị kinh doanh về các vụ việc rủi ro của các đơn vị vòng 2 cũng góp phần từng bước nâng cao văn hóa rủi ro, văn hóa tuân thủ trong toàn MB.

Bên cạnh đó, đơn vị kiểm tra – kiểm soát nội bộ tại MB có các chương trình kiểm tra định kỳ hàng năm và theo chuyên đề, mang tính đột xuất đối với hoạt động của đơn vị kinh doanh để kịp thời phát hiện các vấn đề liên quan đến vi phạm tuân thủ, tiềm ẩn rủi ro thiệt hại cho khách hàng và ngân hàng.

Đối với vòng bảo vệ thứ ba là cơ quan kiểm toán nội bộ, thông qua thực hiện các chương trình kiểm tra định kỳ/đột xuất đối với cả các đơn vị tại vòng 1 và vòng 2 để phát hiện ra các điểm không phù hợp, cũng như các lỗ hổng trong quá trình hoạt động của ngân hàng.

Bên cạnh việc thiết kế cơ cấu tổ chức theo mô hình 3 vòng bảo vệ, MB cũng vận dụng đa dạng các giải pháp nghiệp vụ để ngăn ngừa, phát hiện sớm các dấu hiệu gian lận nội bộ, đặc biệt là đối với hoạt động tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng.

Ví dụ như: tổ chức bộ phận kiểm soát sau các chứng từ sàn giao dịch, triển khai đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng về chất lượng dịch vụ của MB, thực hiện việc xác minh số dư/tình hình thực hiện giao dịch tiền gửi với các khách hàng có số dư tiền gửi lớn, mở rộng cung cấp dịch vụ SMS banking cho khách hàng để khách hàng kịp thời nhận biết các biến động bất thường của tài khoản tiền gửi, chủ động thông tin tới khách hàng các biện pháp bảo toàn khi thực hiện giao dịch tiền gửi, giao dịch thẻ.

Thời gian tới, MB sẽ tiếp tục triển khai hệ thống cảnh báo sớm gian lận, tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các bộ phận Kiểm tra kiểm soát nội bộ, Kiểm toán nội bộ và Quản trị rủi ro để tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác quản trị rủi ro gian lận.

Nhờ việc triển khai đồng bộ các giải pháp quản trị rủi ro gian lận nêu trên, tại MB số lượng và thiệt hại của các vụ việc gian lận được hạn chế đến mức tối đa, giúp ngân hàng luôn duy trì được uy tín và sự tín nhiệm của khách hàng.

Xin cảm ơn bà!

Hữu An thực hiện

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/hoa-giai-bai-toan-rui-ro-gian-lan-77134.html