Hóa đơn tiền điện tăng cao chỉ do giá điện tăng?

Hóa đơn tiền điện nhiều gia đình tăng bất thường có phải chỉ do giá điện tăng?

Ngày 29/4/2019, lý giải chuyện nhiều hộ gia đình phải trả tiền điện cao bất thường trong tháng qua, ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, nguyên nhân chính đến từ việc nhu cầu sử dụng điện đầu mùa hè tăng cao trên cả nước.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng 8,36% giá điện của Bộ Công thương ban hành vào ngày 20/3/2019 cũng góp phần làm cho giá điện tăng lên.

Một yếu tố khác cũng được ông Tri lưu ý, trong tháng 4/2019 số ngày sử đụng điện dài hơn 2 tháng trước đó nên hóa đơn tiền điện tăng cao cũng là điều dễ hiểu.

Biểu giá tiền điện tăng lên sau khi Bộ Công thương áp dụng giá mới theo 6 bậc sử dụng điện.

Biểu giá tiền điện tăng lên sau khi Bộ Công thương áp dụng giá mới theo 6 bậc sử dụng điện.

Tính đến ngày 26/4/2019, xét riêng tại địa bàn TP.Hà Nội và TP. HCM là 2 thành phố lớn nhất cho thấy tại Hà Nội có trên 32% khách hàng sử dụng điện sinh hoạt có mức điện năng sử dụng tháng 4/2019 tăng trên 1,5 lần so với tháng 3/2019, tỉ lệ này tại TP. HCM là trên 22%.

Khác với nhận định của lãnh đạo EVN, các chuyên gia có quan điểm tương đối khác.

PGS.TS Ngô Trí Long chỉ thẳng, giá điện không chỉ tăng lên 8,36% như ngành điện đã tuyên bố. Nhiều hộ sử dụng điện ghi nhận hóa đơn điện tăng lên 50-70% so với các tháng.

Ông Long phân tích, Chính phủ chỉ quy định mức giá điện bình quân, mức giá bình quân sau khi được điều chỉnh từ ngày 20.3 là 1.864 đồng/kWh. Nhưng biểu giá điện của Bộ Công thương hiện nay chỉ có giá điện bán lẻ sinh hoạt bậc 1 (từ 0 -50kWh) và bậc 2 (từ 51-100kWh) là thấp hơn so với giá điện bán lẻ bình quân (1.864 đồng/kWh), còn lại từ bậc 3 đến bậc 6, giá điện bán lẻ lại cao hơn nhiều so với giá điện bình quân. Trong khi đó, hầu hết các hộ gia đình đều phải sử dụng điện trong mức từ trên 100kWh trở lên, đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng như hiện nay.

PGS.TS Ngô Trí Long.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, vị chuyên gia này đã chỉ ra nhiều điểm chưa hợp lý của biểu giá điện sinh hoạt 6 bậc.

“Bây giờ hộ nghèo chăng nữa cũng còn rất ít hộ dùng dưới 50 kWh, đời sống đã khác hơn, có nhiều thiết bị điện hơn... khác lắm rồi, nên phải tính làm sao đại đa số người dân được hưởng mức giá tương đối hợp lý hơn” - ông Thỏa nêu quan điểm.

Bàn về giải pháp, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, biểu giá điện cần được chia nhỏ nhiều bậc thêm nữa, không chỉ dừng lại ở 6 bậc như hiện nay. Người dân dùng bao nhiêu điện trong khoảng nào thì sẽ trả tiền bấy nhiêu.

"Theo tôi, mấu chốt hiện nay là cần xây dựng lại biểu giá điện cho phù hợp. Và trách nhiệm này thuộc về Cục Điều tiết Điện lực của Bộ Công Thương", ông Long nói.

Trên thực tế, đã từng có nhiều đề xuất sửa đổi biểu giá điện 6 bậc hiện nay. Một cuộc hội thảo tổ chức năm 2015 đã lấy ý kiến đóng góp về 3 phương án tính giá điện:

Một là giữ nguyên 6 bậc thang như hiện nay. Hai là quy định một mức biểu giá điện sinh hoạt (đồng giá). Ba là rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc xuống 3 bậc (hay 4 bậc) theo 5 kịch bản.

Tuy nhiên, đến nay, vướng mắc này vẫn chưa có lời giải.

Ngọc Mai (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/hoa-don-tien-dien-tang-cao-chi-do-gia-dien-tang-3379145/