Hóa đơn điện tử: Giải pháp tốt nhất cho người nộp thuế

Việc chuyển đổi từ sử dụng hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử (HĐĐT) là yêu cầu tất yếu, đáp ứng một hệ thống thương mại hiện đại, văn minh và minh bạch. Để việc chuyển đổi được thuận lợi, Tổng cục Thuế đang xây dựng quy trình thủ tục thuận lợi nhất cho người nộp thuế và doanh nghiệp.

Cơ quan Thuế luôn sẵn sàng giải đáp các vướng mắc về HĐĐT. Ảnh: Thùy Linh.

Cơ quan Thuế luôn sẵn sàng giải đáp các vướng mắc về HĐĐT. Ảnh: Thùy Linh.

Tích cực thông tin tuyên truyền

Ngay khi Nghị định 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ về HĐĐT được ban hành, cơ quan Thuế các cấp luôn tập trung đẩy mạnh việc tuyên truyền về lợi ích của HĐĐT đến cộng đồng doanh nghiệp. Cùng với đó, cơ quan Thuế đã phối hợp tích cực với các cấp, ngành liên quan, phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ HĐĐT tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ miễn phí và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình sử dụng HĐĐT.

Bên cạnh đó, cơ quan Thuế trên cả nước cũng đã liên tục tổ chức các buổi tập huấn sử dụng HĐĐT cho doanh nghiệp. Đơn cử như tại Cục Thuế Hà Nội, với mục tiêu đảm bảo hoàn thành áp dụng HĐĐT trong năm 2019, Cục Thuế Hà Nội đã đẩy mạnh triển khai HĐĐT đến hầu khắp các doanh nghiệp trên địa bàn. Theo thống kê của Cục Thuế Hà Nội, đến thời điểm hiện tại đã có gần 30 nghìn doanh nghiệp, tổ chức gửi thông báo phát hành đến cơ quan Thuế với số hóa đơn phát hành lên tới hơn 5 triệu hóa đơn.

Để có được con số này, Cục Thuế Hà Nội đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc để việc áp dụng HĐĐT thống nhất, đồng bộ. Theo đó, Cục Thuế đã yêu cầu tất cả các phòng, các chi cục thuế trực thuộc tăng cường tuyên truyền, phổ biến lợi ích của việc áp dụng HĐĐT tới toàn thể cán bộ công chức trong đơn vị và người nộp thuế do đơn vị mình quản lý. Các phòng như: Thanh tra - Kiểm tra thuế, Quản lý hộ kinh doanh, cá nhân và thu khác; các chi cục thuế quận, huyện, thị xã đã thực hiện rà soát, tổng hợp các vướng mắc trong quá trình triển khai áp dụng HĐĐT gửi về Cục Thuế Hà Nội tổng hợp chung để có hướng dẫn xử lý thống nhất. Lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội cũng đã yêu cầu các đơn vị chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp triển khai HĐĐT hiệu quả.

Theo quan sát của phóng viên Báo Hải quan, tại nhiều website của Cục Thuế đã mở chuyên mục riêng về HĐĐT để tập trung tuyên truyền về HĐĐT, công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo cục liên quan đến HĐĐT. Những nội dung hướng dẫn về chính sách HĐĐT; các tình huống vướng mắc thường gặp khi sử dụng HĐĐT; công khai danh sách các nhà cung cấp HĐĐT có uy tín, có hạ tầng công nghệ thông tin, có giải pháp kết nối chuyển dữ liệu HĐĐT của người nộp thuế tới cơ quan Thuế... luôn được cập nhật liên tục, kịp thời để người nộp thuế, doanh nghiệp có thể tham khảo khi cần.

Hướng tới dễ dàng khởi tạo HĐĐT

Để tăng thêm "sức nặng" cho HĐĐT, tại Luật Quản lý thuế (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua và sẽ được thực thi từ 1/7/2020 đã dành một chương riêng nói về HĐĐT với nguyên tắc khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán (bất kể doanh nghiệp hay cá nhân) đều phải lập HĐĐT để giao cho người mua.

Theo bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế), hiện ngành Thuế đang nỗ lực triển khai xây dựng và hoàn thiện ứng dụng để hỗ trợ cấp HĐĐT có mã của cơ quan Thuế. Tuy nhiên, bà Tạ Thị Phương Lan cũng thông tin, dự án công nghệ thông tin cho việc thực hiện HĐĐT phải mất nhiều thời gian nên Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cho phép hoàn thiện sau 2 năm kể từ khi Luật có hiệu lực. Do đó, đến năm 2022 sẽ thực hiện HĐĐT một cách triệt để.

"Ngoài những đơn vị đang sử dụng HĐĐT, ngành Thuế vẫn đang mở rộng đối với những doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện sử dụng HĐĐT. Trong thời gian chuyển tiếp, khi chưa triển khai HĐĐT trên toàn quốc, vẫn áp dụng theo Nghị định 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14/5/2010 quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ nên doanh nghiệp vẫn có thể áp dụng hóa đơn giấy và không ảnh hưởng gì đến hoạt động của doanh nghiệp", đại diện Tổng cục Thuế khẳng định.

Một thực tế nữa đó là việc phần lớn các hộ kinh doanh đều không có máy tính, do đó sẽ khó khăn trong việc phát hành HĐĐT có kết nối với cơ quan Thuế. Liên quan đến vấn đề này, bà Tạ Thị Phương Lan cho biết, hiện Tổng cục Thuế đang nghiên cứu phối hợp với các công ty cung cấp các ứng dụng phần mềm để thực hiện. Theo đó các hộ kinh doanh chỉ cần có điện thoại thông minh để tải phần mềm, app về để khởi tạo HĐĐT. Ngành Thuế sẽ tạo thuận lợi nhất cho hộ kinh doanh. Đồng thời doanh nghiệp đã có máy tính có thể khởi tạo HĐĐT để gửi cho người mua.

HĐĐT là một giải pháp hữu hiệu nhằm cải cách chế độ hóa đơn, chứng từ, tăng cường sử dụng HĐĐT, ngăn chặn tối đa các hành vi gian lận thuế, tạo khung pháp lý để áp dụng phổ biến HĐĐT trên phạm vi toàn quốc. Trong quá trình xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn, cơ quan Thuế đã lấy ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia. Hầu hết ý kiến của chuyên gia đều cho rằng, doanh nghiệp nên sớm chuyển sang sử dụng HĐĐT. Tổng cục Thuế cũng khuyến nghị rằng, doanh nghiệp không nên chờ đến thời gian “bắt buộc phải sử dụng” mới thực hiện chuyển đổi, mà các doanh nghiệp lớn nhỏ nên sớm chuyển đổi sử dụng nhằm tạo sự đồng bộ cơ sở dữ liệu giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp khi HĐĐT được sử dụng rộng rãi.

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/hoa-don-dien-tu-giai-phap-tot-nhat-cho-nguoi-nop-thue-107367-107367.html