Hóa đơn điện tăng gấp 3 lần: Đến hẹn dân kêu, ấm ức chưa dứt

Cứ vào dịp hè nắng nóng, hóa đơn tiền điện nhiều hộ dân lại tăng lên gấp 2, gấp 3, cá biệt có trường hợp gấp 4-5 lần. Người dân thắc mắc, ngành điện giải thích nhưng vẫn chưa hết 'ấm ức'.

Người bình tĩnh, người hoang mang

Những ngày nắng nóng, anh Nguyễn Văn Công (Gia Lâm, Hà Nội) không khỏi sốc khi hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi so với bình thường. Tháng 5/2020 tiền điện nhà anh là 461 nghìn đồng, nhưng sang tháng 6 số tiền điện đã tăng gấp đôi lên 1,2 triệu đồng. Số tiền này đã tính phần được giảm giá do Covid – 19.

Cùng thời điểm năm ngoái, tháng 5 năm 2019 hóa đơn tiền điện nhà anh Công là 398 nghìn đồng, tháng 6 là 565 nghìn đồng. Việc hóa đơn tiền điện tăng cao khiến anh không khỏi ngỡ ngàng và thắc mắc.

Nhân viên ghi số điện ở ngõ Xã Đàn 2, Đống Đa, Hà Nội.

Nhân viên ghi số điện ở ngõ Xã Đàn 2, Đống Đa, Hà Nội.

Trường hợp của anh Công không phải là cá biệt. Rất nhiều khách hàng sử dụng điện đều đặt câu hỏi liệu có vấn đề gì đó khiến tiền điện tăng cao đột biến hay không.

Tuy nhiên, cũng có những người dân tỏ ra bình thường khi nhận hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi. Chị Mai Thảo (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: Vào những tháng nắng nóng nhà tôi thường xuyên phải dùng điều hòa nên tiền điện tăng gấp đôi. Do điều hòa mua từ lâu, không phải loại tiết kiệm điện nên khá tốn điện. Vì thế tôi nghĩ hóa đơn tiền điện tăng như vậy là do dùng điều hòa nhiều hơn nên cũng không có gì băn khoăn.

Nhưng không nhiều người có suy nghĩ như vậy. Phần lớn khách hàng nhận những hóa đơn tiền điện tăng sốc đều cảm thấy “chóng mặt”, khó hiểu. Nhiều người đã phản ánh đến điện lực địa phương để đề nghị kiểm tra, làm rõ.

Ngày 17/6, một khách hàng ở Hà Nội phản ánh: Gần 5 năm nay cả tòa nhà mình chỉ có 2 vợ chồng ở. Đi công tác thì gần một nửa thời gian, ở Hà Nội thì cũng đi làm đến 8-9h tối mới về nên ở nhà không có mấy. Thói quen sinh hoạt hoàn toàn không đổi, bất kể nóng hay lạnh đều bật điều hòa. Cho đến khi có dãn cách xã hội, phải ở nhà 24/7 và điều hòa cũng bật 24/7 trong tháng 3 và tháng 4, chắc là điện sử dụng phải nhiều nhất từ trước đến nay.

"Nhưng không. Nếu tháng 4 ở nhà 24/7 mình sử dụng 1,500kWh (số điện) thì tháng 6 vọt lên gấp đôi - 3,129 số điện mặc dù mình đi công tác đến gần nửa tháng không ở nhà".

Khách hàng cho rằng cần lời giải thích thỏa đáng. Bởi vì khi mức độ sử dụng điện tăng gấp đôi so với tháng cao nhất trong lịch sử 5 năm thì cần phải xem lại.

Theo giải thích của Tập đoàn Điện lực Việt Nam ngày 19/6, Do tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, đặc biệt đợt nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ vừa qua là đợt nóng kép dài kỷ lục trong 27 năm qua đã dẫn đến tình hình tiêu thụ điện ở tăng rất cao, chủ yếu do nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa không khí tăng mạnh.

“Khi vào mùa khô ở miền Nam và mùa nắng nóng ở miền Bắc và miền Trung nhu cầu sử dụng điện cho việc làm mát (đặc biệt là điều hòa) là nguyên nhân chính làm cho điện tiêu thụ của các hộ gia đình tăng cao dẫn đến tiền điện tăng”, EVN giải thích.

Số liệu thống kê cho thấy, đã có tới hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92%) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4/2020, đặc biệt trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó.

Nhân viên điện lực xuống kiểm tra công tơ điện khi nhận được khiếu nại của khách hàng. Ảnh người dân cung cấp

Phải nhìn nhận từ cả hai phía: Người dân và ngành điện

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực điện, lý do hóa đơn tiền điện tăng “sốc” so với các tháng trước còn có nguyên nhân từ việc biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang đã lạc hậu. Cụ thể, hiện giá điện được tính theo 6 bậc. Bậc 1 (từ 50kWh trở xuống) có mức giá thấp nhất là 1.678 đồng/kWH, còn bậc 6 (từ 401 số trở lên) là bậc cao nhất có mức giá tăng gần gấp đôi là 2.927 đồng/kWh. Cho nên, khi khách hàng sử dụng từ 401 số trở lên, dù sản lượng điện không tăng gấp đôi so với tháng trước đó nhưng phần vượt 401 số phải chịu giá cao khiến hóa đơn tiền điện phải chịu mức giá tăng khá “sốc”.

“Bộ Công Thương đang lấy ý kiến việc sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt giảm xuống còn 5 bậc, những hộ dùng trên 701 số phải chịu mức giá cao nhất. Còn các hộ sử dụng dưới mức này tiền điện không tăng hoặc giảm. Bộ Công Thương nên đẩy nhanh việc đưa vào thực hiện biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới này, không nên trì hoãn thêm vì đời sống người dân đã khác trước nhiều, chỉ dùng trên 401 số đã phải chịu giá cao là không hợp lý”, chuyên gia này cho biết và cũng nhấn mạnh không thể áp dụng 1 giá điện vì Việt Nam là nước thiếu điện, cần phải khuyến khích tiết kiệm điện.

Ngoài ra, theo chuyên gia này, không tránh khỏi tình trạng nhân viên điện lực ghi sai số điện. Bởi trong số hàng chục triệu khách hàng, việc ghi sai trường hợp nào đó là điều có thể xảy ra và ngành điện phải quan tâm đến vấn đề này để không ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng.

Lãnh đạo điện lực một địa phương thừa nhận rằng hiện nay việc triển khai lắp đặt công tơ điện tử còn thấp hơn mức bình quân chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chủ yếu đơn vị này vẫn dùng công tơ cơ khí. Cho nên dù không xảy ra nhiều nhưng vẫn có tình trạng chốt số nhầm dẫn đến tiền điện của dân bị sai.

Chia sẻ với phóng viên, ông Hà Đăng Sơn, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng việc hóa đơn tiền điện tăng cao phải nhìn nhận từ hai phía, người dân và ngành điện.

Ông Hà Đăng Sơn cho rằng: Người dân phải chú ý kiểm soát lượng điện tiêu thụ. Khi nóng, về nhà là bật điều hòa ngay thì hóa đơn tiền điện sẽ tăng lên. Còn về phía ngành điện, vừa qua cũng có hiện tượng hóa đơn tăng cao do nhân viên điện lực ghi số không chuẩn. Việc này là có và thường xảy ra ở những điện lực địa phương, ở những huyện, xã xa trung tâm. Những trường hợp này người dân cũng đã có khiếu nại và ngành điện vào cuộc xử lý.

“Trong thời tiết nắng nóng, người dân phải tự quản lý nhu cầu sử dụng điện của mình để lượng điện tiêu thụ ở mức phù hợp. Còn nếu cứ dùng thoải mái, không kiểm soát thì việc phải nhận hóa đơn tiền điện tăng cao là đương nhiên. Nhiều người hỏi sao không áp dụng một giá điện mà lại áp dụng giá điện bậc thang? Câu trả lời là vì Việt Nam vẫn thiếu điện, đang khuyến khích tiết kiệm điện nên phải áp dụng giá điện bậc thang”, ông Hà Đăng Sơn chia sẻ.

Hà Duy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/hoa-don-tien-dien-tang-soc-gap-2-gap-3-den-hen-lai-keu-650367.html