'Hoa đá' trên đỉnh dốc mười hai tầng

Đối với người dân 3 bản Phố Vây, Lả Nhì Thàng và Gia Khâu của xã Sì Lờ Lầu, hình ảnh một cô giáo miền xuôi hiền từ với dáng người thấp đậm đã trở nên thân thiết. Cô là Quách Thị Bình. Cô có cả một câu chuyện dài về đời tư và về sự vất vả, nhọc nhằn của công cuộc 'gieo con chữ' cho con em đồng bào Dao Đỏ nơi đây.

Con đường quen thuộc mà hàng ngày cô giáo Bình vẫn đi xuống điểm trường dạy học. Ảnh: Kim Nhượng

“Cho cô giáo mượn con một hôm”

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất hiếu học Xuân Phú, Thọ Xuân, Thanh Hóa, Quách Thị Bình chọn dấn thân vào nghề sư phạm. Tháng 9-2009, tốt nghiệp Khoa Tiểu học của Trường Đại học Phạm Văn Đồng, cô giáo Quách Thị Bình tình nguyện lên vùng cao của xã Sì Lờ Lầu, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu dạy tiểu học và đã gắn bó với nơi này đến tận hôm nay. 9 năm ròng bám mảnh đất biên cương đã để lại cho Bình biết bao nhiêu kỷ niệm.

Bình chia sẻ: “Nói về sự vất vả của nghề giáo thì nhiều lắm, đặc biệt đối với đội ngũ giáo viên vùng cao như chúng em. Khi mới lên đây nhận công tác, mỗi lớp chỉ có 5, 6 em học sinh, thoạt nhìn em đã thấy nản. Hỏi ra mới biết, các em bỏ học đi làm nương với bố mẹ hết, việc học hành không được bố mẹ chú trọng. Thế là chúng em lại phải đến từng nhà vận động bố mẹ cho các em đi học. Vào nhà nào chúng em cũng nhận được câu trả lời của phụ huynh các em: “Không có ngô, không có gạo mới chết đói, không có chữ chẳng chết được đâu!”. Còn học sinh thì cứ thấy chúng em đến là trốn sạch lên rừng hay chui vào bụi. Có hôm, thầy cô mới đến cửa nhà, các em đã lẩn ra cửa sau. Thế là đồng nghiệp vào cửa trước, em phải rình sẵn ở cửa sau tóm lấy từng em. Chúng em vẫn nói đùa với nhau là “đi bắt” học sinh, anh ạ”.

Đi vận động mãi cũng thành quen. Sự miệt mài bền bỉ của các thầy cô giáo cuối cùng cũng khiến người dân của 3 bản “động lòng” mà miễn cưỡng cho con em đi học. Khi gặp chúng tôi, Trưởng bản Phố Vây Phàn Phủ Khai phải thốt lên: “Cô giáo Bình nhiệt tình lắm, đi gọi học sinh mãi không thấy nản. Có lần bản đến tháng “cấm bản”, nhưng cô vẫn dám vào tận nhà “bắt học sinh”. Cô nói với mọi người là “cho cô giáo mượn con một hôm rồi cô giáo trả”, làm ai cũng phì cười”.

Chị Tẩn Tả Mẩy, một người dân bản vẫn còn nhớ như in cái ngày cách đây 9 năm, khi cô giáo Bình mang con nhỏ lên Sì Lờ Lầu dạy học. Lúc ấy, đứa con đầu lòng của Bình mới tròn 5 tháng tuổi. Hai mẹ con không nhà cửa, không người thân thích, khu tập thể của trường thì vẫn chưa hoàn thiện. Cảm nhận được sự nhiệt tình, bản tính hiền lành, chịu thương chịu khó của cô, các hộ dân bản Phố Vây đã họp bàn và dựng tạm một căn nhà nhỏ cho hai mẹ con nương náu.

Chị Mẩy kể lại: “Lúc mới lên đây, hai mẹ con cô giáo vất vả lắm. Sáng, cô đi dạy, gửi con ở nhà dân trong bản, mỗi ngày gửi một nhà; trưa lại tranh thủ về cho con bú rồi lại đi dạy tiếp. Hoàn cảnh cô rất éo le, dân bản ai cũng thương cảm. Chồng cô ở quê đi xuất khẩu lao động vướng vào ma túy rồi họ chia tay. Hai mẹ con cô ẵm nhau lên đây. Thương cô giáo nên ngày nào tôi cũng trông con cho cô, để cô đi dạy học”.

Trường tiểu học Sì Lờ Lầu nằm ngay tại trung tâm xã, nhưng có tới 6 điểm trường nằm rải rác ở 6 bản. Điểm trường xa nhất cách trung tâm tới 12 cây số, điểm gần nhất cũng trên dưới 5 cây số. Ngày nắng, các thầy cô giáo nơi đây có thể di chuyển bằng xe máy, nhưng mùa mưa chỉ có đi bộ. Mỗi lớp học nằm cheo leo trên núi chỉ vẻn vẹn hơn 10 học sinh, học ghép từ lớp 1 đến lớp 3, từ lớp 3 đến lớp 5. Cứ thế, một giáo viên trong buổi lên lớp phải dạy kiến thức mấy lớp khác nhau. Vất vả là vậy, nhưng nghiệp giáo vẫn thôi thúc Bình bám trụ lại nơi này, phần vì yêu trẻ, phần vì tấm chân tình, mộc mạc của người dân biên ải. Họ vẫn thường ngày đưa con xuống lớp, rồi mang biếu cô giáo khi thì túi gạo, khi thì cân cá khô, đôi khi cho cả con gà...

Cứ đến cuối tuần, cô giáo Bình lại tắm gội cho các em học sinh của mình. Ảnh: Kim Nhượng

“Hoa nở trên đá”

Nhìn ngôi nhà nhỏ xíu nằm chênh vênh trên lưng núi mà người dân bản Phố Vây, Gia Khâu làm cho cô giáo Bình, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Con đường đất lầy lội gập ghềnh với những viên đá hộc ngổn ngang khiến ai nhìn cũng thấy chua xót. Sự khó khăn, thiếu thốn được khắc họa rõ nét hơn cả qua câu nhận xét hồn nhiên của chị Tẩn Tả Mẩy: “Đường ấy chỉ có cô giáo Bình với con trâu, con bò đi thôi”.

Điểm trường Tiểu học của xã cũng nằm chót vót không kém ngôi nhà của Bình, lớp học với chưa đầy 15 em học sinh nằm vắt vẻo lưng chừng dốc. Sự vất vả, tảo tần trong đời tư, công việc lẫn điều kiện sinh hoạt khiến Bình trông già đáng kể so với tuổi thật. Bình chia sẻ: “Đôi khi em tự hỏi, sao mình lại đến cái nơi xa xôi này? Hồi mới lên đây, đêm nào em cũng khóc ướt cả gối. Nhưng khi quen dần, chứng kiến các em học sinh cái ăn không có, cái mặc cũng thiếu thốn, ngẫm lại em tự thấy mình vẫn còn may mắn chán, thế là tự an ủi bản thân phải cố gắng vượt qua”.

Căn phòng khu tập thể hiện giờ có đỡ hơn phần nào so ngôi nhà mà bà con xây cho Bình trên núi, thế nhưng điều kiện sinh hoạt thì vẫn vậy. Với khoản tiền lương chi trả cho sinh hoạt hàng ngày, hàng tháng Bình còn dành dụm chút tiền để gửi về quê đỡ đần bố mẹ. Khi chuẩn bị chia tay để trở về Hà Nội, tôi hỏi Bình: “Em có dự định lập nghiệp và gắn bó lâu dài với mảnh đất này không?”. Đôi mắt sáng bừng lên long lanh, Bình trả lời ngay: “Có chứ, em sẽ ở lại dạy học hết đời thì thôi. Nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai của em rồi. Em không đi đâu hết”.

Chia tay Sì Lờ Lầu, chia tay với 12 tầng dốc, hình ảnh cô giáo Quách Thị Bình vẫn in sâu trong tâm trí tôi - một cô giáo vùng cao, chân chất, đứng trước khoảng đất trống cặm cụi gội đầu cho từng em học sinh bé nhỏ. Hình ảnh ấy thật dung dị mà đẹp lung linh, tựa như một bông hoa lặng lẽ nở giữa rừng, nở trên đá, nở trong nỗi vất vả, gian lao của sự nghiệp “gieo chữ trên non cao”...

Kim Nhượng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/hoa-da-tren-dinh-doc-muoi-hai-tang/