Hoa cùng một cội

Là thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai, dù sắp kết thúc nhiệm kỳ, nhưng đối với tôi vẫn còn đọng mãi trong tim về những tháng ngày được sinh hoạt chung với Mặt trận. Đọng mãi vì được gặp, được nghe những lời tâm huyết của gần một trăm con người tiêu biểu cho nhiều thành phần khác nhau, đến từ khắp nơi trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Huỳnh Văn Tới chủ trì cuộc họp thống nhất phối hợp hành động năm 2019 với các tôn giáo (ảnh minh họa). Ảnh: Phương Hằng

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Huỳnh Văn Tới chủ trì cuộc họp thống nhất phối hợp hành động năm 2019 với các tôn giáo (ảnh minh họa). Ảnh: Phương Hằng

Họ là những cán bộ chuyên trách của Mặt trận, là lãnh đạo ban, ngành, các tổ chức thành viên, đại diện cho tổ chức tôn giáo, các dân tộc thiểu số, trí thức, văn nghệ sĩ. Trong đó, có người chỉ là nông dân như anh Hồ Sáu. Lại có những người từng một thời đi chiến đấu “vào sinh, ra tử” hoặc là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh như chị Ba Hòa hay anh Võ Văn Một. Những ý kiến của họ đã tạo ra sự gần gũi, tràn đầy cảm xúc, tâm huyết tràn ngập hội trường của những kỳ họp của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.

Không chỉ vậy, sắc màu từ những tu phục của các vị linh mục, nữ tu Công giáo, các vị hòa thượng, ni trưởng, thượng tọa cả Bắc tông, Nam tông hoặc Tịnh độ, của các huynh đệ Cao đài đến từ Hội thánh Tây Ninh, Ban chỉnh, của Giáo cả Hayi Ab Đô Ha Mit, của anh Lý Nàm Sáng, của các anh K’Cân, K’Giao… lâu nay họ sống trong các cộng đồng tôn giáo, dân tộc khác nhau, sinh hoạt trong các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau và hướng về một giáo chủ khác nhau, nhưng có một điểm chung duy nhất đó là tình thương yêu bác ái, là đoàn kết, là nghĩa tình và hơn cả là họ đã góp phần cùng một mục tiêu “tốt đạo đẹp đời” trên đất nước Việt Nam đã nhiều thế kỷ.

Sự gắn bó này có lẽ đã tồn tại từ những ngày đầu của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai qua hơn 320 năm hay hơn thế nữa, từ khi con người có mặt trên phần đất phương Nam này, mà ở đâu đó ngày nay còn đọng lại các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như mộ cổ ở Hàng Gòn, hoặc đình, chùa, đền thờ, miếu mạo khắp nơi từ Tân Phú trải dài qua Xuân Lộc, Long Khánh, về xã Phú Lý (Vĩnh Cửu), cho đến trung tâm TP.Biên Hòa.

Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 3-2-1930), nhất là khi Mặt trận Dân tộc thống nhất ra đời ngày 18-11-1930 (nay là MTTQ Việt Nam), các cộng đồng dân tộc và tôn giáo này mới có cơ hội xích lại gần nhau, ngồi lại với nhau, cùng ăn, cùng ở và cùng làm cách mạng với dân tộc Kinh để tham gia kháng chiến chống ngoại xâm đánh đuổi kẻ thù chung đến từ phương Tây, phương Bắc, phương Đông… Và ngày nay, họ lại đoàn kết keo sơn, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, đậm đà bản sắc dân tộc hơn để cùng hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào làm cho đất nước này văn minh, hiện đại, giàu đẹp, trong đó nổi bật nhất và lâu dài nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Tôi đặc biệt ấn tượng về những vị đại diện cho 2 tôn giáo có nhiều tín đồ nhất của Đồng Nai, đó là 2 vị hòa thượng và ni trưởng của Phật giáo, là vị linh mục Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo. Ấn tượng sâu đậm về những phát biểu đầy tâm huyết của các vị ở nhiều kỳ họp của Mặt trận với những nội dung súc tích, đầy chân tình.

Vị hòa thượng của Phật giáo với phong thái ung dung tự tại, cử chỉ hiền hòa, ngôn từ êm ái mang tính chất “thiền” đã cho thấy đạo pháp gắn liền với dân tộc để dẫn dắt tăng ni, Phật tử để đưa đạo vào đời bằng những hành động thiết thực, những việc làm từ thiện - xã hội, từ bi hỉ xả, xây dựng tỉnh nhà một cách thiết thực, vun đắp chan hòa tình dân tộc, nghĩa đồng bào.

Còn vị linh mục đứng đầu Ủy ban Đoàn kết Công giáo của tỉnh cũng từ tốn, khiêm cung, đầy chất bác ái của Thiên chúa, luôn ứng xử thanh cao, tao nhã của một vị tu sĩ có trình độ tư tưởng Ki-tô đáng kính, đã nhìn rõ chương trình hành động, công tác Mặt trận ở mọi lúc mọi nơi và không ngừng bám sát, chia sẻ, động viên để nhận xét, đánh giá một cách minh triết đầy thực chứng, hữu hình tồn tại, hiện sinh. Vị đại diện Công giáo đã đi xa hơn một bước, nhìn nhận thực tế vẫn còn ít nhiều tồn tại mang tính biện chứng Mác-xít truyền thống cần được khắc phục, đổi thay để đạt được một chung cục tràn đầy hạnh phúc, bình an cho mọi người.

Vẫn là cái hay nhất là vị Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh bao giờ cũng khéo léo tổng hợp và dung hòa 2 xu hướng nhận định của đại diện 2 tôn giáo và rút gọn lại thành một chủ trương, đường lối hành động của Đảng, của Mặt trận để cùng nhau phấn đấu nhìn về phía trước, để động viên mọi nguồn lực nhằm góp phần xây dựng một Đồng Nai giàu mạnh và văn minh, hiện đại hơn trong lòng Việt Nam đang tiến gần hơn mục tiêu hiện đại hóa, công nghiệp hóa, sánh vai cùng bạn bè khắp năm châu.

Một chặng đường của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khóa VIII tràn đầy ý nghĩa, càng minh chứng cho một thời kỳ - 89 năm - một chặng đường lịch sử đấu tranh cách mạng vẻ vang của dân tộc mà Mặt trận Thống nhất đồng hành cùng Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thể hiện cụ thể ở mỗi tổ dân phố, mỗi xóm, mỗi làng, mà ở đó các dân tộc, các tôn giáo đã và đang có mặt đều đồng tâm nhất trí, hiệp lực, nâng cao nhận thức, cùng nhau làm cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình không chỉ giàu lên về vật chất, mà quan trọng hơn là đời sống đạo đức của tình người trong tình tự của toàn dân tộc.

Màu sắc khác nhau, như những đóa hoa muôn sắc màu, nhưng hoa màu gì cũng cùng một cội, phải chăng MTTQ là cội đó để muôn hoa cùng khoe sắc?

Trần Thanh Hùng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/201903/hoa-cung-mot-coi-2937587/