Hóa chất Hà Nội dùng diệt muỗi có đảm bảo?

Sau khi phun hóa chất, chỉ vài tiếng sau muỗi vẫn bay ra. Vậy phải chăng hóa chất không đảm bảo đảm bảo, hay công tác phun có vấn đề,… là câu hỏi người dân gửi đến Bộ Y tế trong những ngày qua. Trước thông tin này, chuyên gia của Bộ đã lên tiếng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết (SXH) cùng với những thông tin bất cập trong công tác phòng chống dịch, chiều muộn ngày 25/8, Bộ Y tế đã họp nóng với Sở Y tế Hà Nội.

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đến thời điểm hiện tại, cả nước có 101.000 trường hợp bị SXH. Riêng Hà Nội có hơn 20.000 ca, chiếm 20% số ca mắc của cả nước.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, trong 3 tuần vừa qua, số ca mắc SXH tại Hà Nội có chiều hướng chững lại với trung bình khoảng 3.000 ca mắc mới mỗi tuần. Trong đó, dịch tập trung khu nội thành và vùng ven, số mắc chiếm 90%.

Cũng theo ông Cảm, Hà Nội đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch SXH như diệt bọ gậy tại cộng đồng, phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành. Hà Nội cũng đã thành lập các đội xung kích và tổ giám sát để đảm bảo hiệu quả dập dịch.

Ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh Dịch tễ TƯ

Đánh giá về hiệu quả của công tác phòng chống dịch, ông Cảm cho biết, kết quả kiểm tra, giám sát cho thấy, 20% số gia đình vẫn còn bọ gậy (trước đó khoảng 50%); với quy định mỗi đội xung kích phụ trách 50 hộ/đội nhưng nhiều địa phương chưa thực hiện đúng. Còn các đội giám sát đã hoạt động động được 80% với hiệu quả đạt 60%. “Nhiều nơi phun hóa chất chưa triệt để, người dân vẫn còn e dè việc phun hóa chất do sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong khi đó, đội xung kích diệt bọ gậy cũng chưa thực sự hiệu quả như mong đợi”, ông Cảm nói.

Tại cuộc họp Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu Hà Nội và đại diện các đơn vị trả lời câu hỏi mà người dân gửi đến: “Phun hóa chất tại sao muỗi không chết. Vậy nguyên nhân do đâu, có phải do hóa chất hay không”?

Về vấn đề này, ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho biết, trong thời gian qua Viện đã theo dõi tình hình virus, phát hiện cả nước có đủ 4 type D. Riêng với Hà Nội, chủ yếu có 3 type D1, 2 và D4. Viện đã cử 20 cán bộ chuyên môn giúp Sở Y tế Hà Nội trong công tác chống dịch, chỉ đạo chuyên môn.

Toàn cảnh buổi họp

Theo ông Dương, nhiều nơi sau phun vẫn còn muỗi bay ra là do trong khu vực đó vẫn còn bọ gậy. Có nghĩa, việc xử lý ổ bọ gậy tại gia đình, cụm dân cư đó chưa triệt để. Do đó, chỉ sau vài giờ, những con bọ gậy già lại nở muỗi và bay vào nhà. Đây là lý do sau phun lại có muỗi chứ không phải do chất lượng thuốc diệt muỗi.

Clip các đại biểu phân tích những vấn đề nóng về SXH

Ông Dương cũng cho biết, loại hóa chất Hà Nội dùng là Delta Metrin. Đây là loại thuốc được WHO khuyến cáo dùng, đứng đầu danh mục các thuốc nên dùng để diệt muỗi truyền bệnh SXH. Loại thuốc này đã được Bộ Y tế, Hội đồng các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá rất nghiêm ngặt về tính hiệu lực và tính an toàn mới được đưa vào sử dụng. Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã tiến hành bắt muỗi và thử nghiệm thực nghiệm tại phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai), phường Ngọc Hà (quận Ba Đình) thì tỷ lệ muỗi chết là 97.8%. Theo đánh giá của WHO thì chỉ số này cho thấy thuốc đạt hiệu lực tốt.

Như Ngọc

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/khoe/hoa-chat-ha-noi-dung-diet-muoi-co-dam-bao-post31877.html