Hòa bình trên Biển Đông là lợi ích và nguyện vọng chung

Hòa bình, an ninh, ổn định trên Biển Đông nói riêng và khu vực nói chung là lợi ích và nguyện vọng chung của cộng đồng quốc tế, nhất là với ASEAN. Đó cũng là mục tiêu quan trọng để ASEAN nỗ lực hướng tới, nhất là trong năm nay dưới sự dẫn dắt của Việt Nam - nước Chủ tịch ASEAN 2020.

Toàn cảnh Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 tại điểm cầu Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Toàn cảnh Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 tại điểm cầu Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Đoàn kết để phát triển

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và các hội nghị liên quan diễn ra bằng hình thức trực tuyến cuối tuần qua, cộng đồng các nước Đông Nam Á tiếp tục cho thấy tinh thần đoàn kết chặt chẽ, khẳng định ASEAN là tổ chức khu vực thành công hàng đầu trên thế giới. Trong đó, ASEAN đang từng ngày nỗ lực một cách hiệu quả trong việc xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung.

Nửa chặng đường đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2020 đã trôi qua, các nước thành viên ASEAN và cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao năng lực dẫn dắt khối của Việt Nam. Đặc biệt là ASEAN đã phải thực hiện nhiệm vụ kép là dồn tổng lực ứng phó hiệu quả với thách thức mới chưa từng có tiền lệ là đại dịch toàn cầu Covid-19, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ mục tiêu đề ra từ trước khi đại dịch xuất hiện. Trong đó, Việt Nam được quốc tế biểu dương vì đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN trong 6 tháng đầu năm 2020.

Trước khi Covid-19 xuất hiện vào đầu năm nay, vấn đề Biển Đông được xác định là một trong những ưu tiên quan trọng nhất của Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông nói riêng và khu vực nói chung là lợi ích và nguyện vọng chung của cộng đồng quốc tế, nhất là với ASEAN. Chính vì vậy, dù trong mọi hoàn cảnh khó khăn, ASEAN luôn nỗ lực đóng góp toàn diện, từ duy trì đối thoại đến xây dựng cơ chế, quy tắc ứng xử trên Biển Đông nhằm nêu cao giải pháp hòa bình giải quyết những khác biệt giữa các bên liên quan. Đồng thời, hội nghị tiếp tục khẳng định quyết tâm của ASEAN về đóng góp xây dựng Biển Đông thành vùng biển hợp tác và phát triển, an ninh và an toàn, xứng đáng với vị trí trung tâm trong trao đổi của khu vực.

Cũng cần phải thừa nhận rằng, tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đã làm gián đoạn tiến trình thảo luận về xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), nhưng vấn đề Biển Đông vẫn được chú trọng trong các chương trình nghị sự của ASEAN về đàm phán các vấn đề liên quan cũng như những biện pháp Việt Nam đã và sẽ thực hiện để đạt được mong muốn trong nhiệm kỳ.

Kiên trì với chuẩn mực luật pháp quốc tế

Chủ đề Năm ASEAN mà Việt Nam đưa ra là “Gắn kết và chủ động thích ứng” đã và đang cho thấy sự đúng đắn trong đường lối dẫn dắt ASEAN vì rất phù hợp với thực tiễn dù xuất hiện những thách thức mới chưa từng có. Thông qua hội nghị lần này, các nước ASEAN đều nhất trí ủng hộ quan điểm của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.

Trong Thông điệp của Chủ tịch Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA) được đưa ra sau đối thoại giữa lãnh đạo các nước ASEAN và AIPA, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh đề xuất đầu tiên là về chính trị - an ninh. Theo đó, AIPA tiếp tục tăng cường hợp tác bảo đảm tính minh bạch, cởi mở, cách tiếp cận dựa trên luật pháp và nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN. Các Nghị viện AIPA ghi nhận tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, cũng như thúc đẩy việc xây dựng lòng tin, các giải pháp phòng ngừa để nâng cao niềm tin giữa các bên.

“Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết của việc tự kiềm chế, không thực hiện các hành vi có thể làm phức tạp tình hình; kiên trì giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982 (UNCLOS 1982)” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ.

Cùng với đó, ASEAN thống nhất tuân thủ luật pháp quốc tế, xây dựng Biển Đông hòa bình, hữu nghị, hợp tác, tự do hàng không, hàng hải; thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và đàm phán COC hiệu lực, hiệu quả.

Cũng tại Hội nghị Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN lần thứ 21 được tổ chức trực tuyến, diễn ra vào ngày 24-6, các Bộ trưởng Ngoại giao 10 nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN cùng chung nhận định rằng, ASEAN tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức an ninh phức tạp, trong đó có tình hình căng thẳng gia tăng ở các điểm nóng như Biển Đông, bán đảo Triều Tiên, khu vực Trung Đông..., cũng như những thách thức an ninh phi truyền thống nổi lên ngày càng nhiều và càng gay gắt. Trong bối cảnh đó, các nước ASEAN đi đến thống nhất cần tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực triển khai hiệu quả Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN 2025, qua đó góp phần gìn giữ hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN.

Đảo An Bang thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Trong tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, lo ngại về việc cải tạo, những diễn biến và sự cố nghiêm trọng xảy ra gần đây tại Biển Đông làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, các lãnh đạo ASEAN cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong việc thực hiện mọi hoạt động của các bên yêu sách và tất cả các quốc gia khác có thể làm phức tạp thêm tình hình và leo thang căng thẳng. ASEAN sẵn sàng đóng vai trò xây dựng thông qua việc sử dụng các cơ chế do ASEAN dẫn dắt trong thúc đẩy đối thoại hòa bình giữa các bên liên quan.

Theo Tiến sĩ Balaz Szanto, Bộ môn Quan hệ quốc tế, Đại học Webster Thái Lan, Việt Nam là thành viên quan trọng và là quốc gia có vai trò trọng yếu trong ASEAN. Vai trò lãnh đạo ASEAN của Việt Nam sẽ có những ảnh hưởng riêng biệt đến các vấn đề quan trọng, trong đó có việc thúc đẩy giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên biển.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hoa-binh-tren-bien-dong-la-loi-ich-va-nguyen-vong-chung-post430523.html