Hòa bình trên bán đảo Triều Tiên: Hành trình chông gai và nỗi niềm người trong cuộc

Hòa bình trên bán đảo Triều Tiên lâu nay là ước vọng của người dân hai miền. Thế nhưng, đây là hành trình đầy gian nan bởi những khác biệt và thử thách trong quan hệ liên Triều, đòi hỏi cả Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in cần có những chính sách rõ ràng và nhất quán.

Hòa bình trên bán đảo Triều Tiên vẫn là hành trình đầy gian nan. (Ảnh: The Diplomat)

Hòa bình trên bán đảo Triều Tiên vẫn là hành trình đầy gian nan. (Ảnh: The Diplomat)

Nguội lạnh trở lại?

Trong một bài viết mới đây trên The Diplomat, Phó giáo sư quan hệ quốc tế Hae Won Jeong tại Đại học Abu Dhabi Hae Won Jeong nhận định, quan hệ liên Triều đã từng được “hâm nóng” trong thời gian qua lại đang có dấu hiệu trở nên “nguội lạnh”. Lời kêu gọi chấm dứt căng thẳng liên Triều của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in có thể trở thành sự thực hay không vẫn là một câu hỏi ngỏ.

Ngày 10/10, trong buổi lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã công bố một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới có kích thước “khổng lồ”.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo không cho rằng đây là một mối đe dọa bởi Triều Tiên đã không tiến hành bất kỳ vụ thử ICBM nào kể từ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore vào tháng 6/2018. Có rất nhiều suy đoán về việc liệu Bình Nhưỡng cho ra mắt mẫu ICBM mới có phải là mối đe dọa thực sự không hay chỉ đơn thuần là một hành động khuếch trương. Đa số cho rằng Triều Tiên làm vậy để đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận khỏi các vấn đề nội bộ và tăng cường đoàn kết trong nước.

Phó Giáo sư Hae Won Jeong cho rằng mặc dù Triều Tiên đã ngừng bắn các tên lửa đạn đạo xuyên quốc gia (ICBM) khác, nhưng cuộc duyệt binh gần đây đã ngầm củng cố vị thế hạt nhân của nước này. Không giống như việc phóng ICBM và các vụ thử hạt nhân, vốn là “lằn ranh đỏ” không thể vượt qua, việc trưng bày công khai các kho tên lửa và vũ khí hạt nhân được chính quyền Tổng thống Trump chấp nhận.

Trong cuộc duyệt binh ngày 10/10 vừa qua, Chủ tịch Kim Jong-un đã rơi nước mắt lúc đọc diễn văn và xin lỗi người dân của mình. Theo Phó giáo sư Hae Won Jeong, việc rơi lệ trước công chúng cùng với lời xin lỗi của ông ám chỉ những sức ép không nhỏ mà nhà lãnh đạo Triều Tiên đang phải đối mặt, bao gồm đại dịch Covid-19, thiên tai và khó khăn về kinh tế.

Về phía Seoul, đây cũng là thời điểm gia tăng căng thẳng sau khi Triều Tiên bắn chết một quan chức Hàn Quốc mất tích gần biên giới giữa hai nước tại đảo Yeonpyeong vào tháng 9. Vụ việc làm dấy lên những chỉ trích trong nước khi Tổng thống Moon Jae-in phải đối mặt với nhiều áp lực chính trị. Trong khi đó, thư xin lỗi của ông Kim được đưa ra vài ngày sau khi vụ việc xảy ra đã không xoa dịu được sự tức giận của công chúng.

Phó giáo sư Hae Won Jeong nhận định, tương lai của quan hệ liêu Triều đang thiếu đi sự nhất trí và một kế hoạch rõ ràng. Trong khi dư luận Hàn Quốc vẫn chia thành hai luồng ý kiến trái ngược nhau, mối quan hệ liên Triều đã không đạt được những kết quả như kỳ vọng dù Hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2018 và cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un năm 2019 tại khu phi quân sự (DMZ) đã diễn ra khá thuận lợi.

Quan hệ liên Triều vẫn vô cùng căng thẳng, thể hiện qua việc Triều Tiên phá hủy văn phòng liên lạc chung với Hàn Quốc ở Kaesong vào tháng 6, cũng như đe dọa từ bỏ lệnh cấm thử hạt nhân và ICBM.

Chính sách thiếu nhất quán

Về nguyên nhân của một tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đầy chông gai, Phó giáo sư Hae Won Jeong cho rằng, ngay từ đầu, sự thiếu rõ ràng về các điều kiện và thời gian tiến hành phi hạt nhân hóa đã làm suy yếu lòng tin của công chúng.

Lời kêu gọi chấm dứt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có từ thời chính quyền Tổng thống Roh Moo-hyun. Ngay sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hàn vào tháng 11/2006, các cuộc đàm phán về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đã diễn ra, với điều kiện Triều Tiên phải từ bỏ tham vọng hạt nhân. Tuy nhiên tới nay, chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đã đi từ việc kêu gọi hòa bình trên bán đảo Triều Tiên có điều kiện sang kêu gọi hòa bình vô điều kiện.

Theo Phó giáo sư Hae Won Jeong, việc không thống nhất các tiêu chí rõ ràng từ các hội nghị thượng đỉnh trước đây đã dẫn đến sự lỏng lẻo trong quy định phi hạt nhân hóa. Sự thay đổi đột ngột từ “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng” (CVID) sang “phi hạt nhân hóa lần cuối cùng và được kiểm chứng đầy đủ” (FFVD) vào năm 2018 đã mang đến sự nhầm lẫn đáng kể.

Chính sự đối lập mạnh mẽ giữa các phe phái trong nước, thiếu sự đồng thuận và tầm nhìn đã khiến Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn trong tiến trình hòa bình bán đảo Triều Tiên. Thêm vào đó, các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Hàn Quốc trong quá khứ cũng không mang lại kết quả rõ ràng.

Theo một cuộc khảo sát do Quỹ Carnegie Vì Hòa bình Quốc tế (Carnegie Endowment for International Peace) thực hiện, trong khi 69% số người được hỏi cảm thấy rằng việc đạt được hòa bình trên bán đảo Triều Tiên nên được theo đuổi mà không có sự can thiệp của nước ngoài thì 49,5% tin rằng sự can thiệp của nước ngoài vào tiến trình hòa bình là không thể tránh khỏi. Điều quan trọng là 40,5% số người được hỏi ủng hộ hai nước chung sống hòa bình trong khi chỉ có 31,6% cho rằng hai miền Triều Tiên có khả năng tái thống nhất.

Lộ trình cho một cơ chế hòa bình, ổn định và lâu dài trên bán đảo Triều Tiên không chỉ yêu cầu giải quyết những khác biệt giữa các bên, mà còn đảm bảo cam kết của Bình Nhưỡng trong việc phi hạt nhân hóa và khôi phục lòng tin từ công chúng Hàn Quốc.

Dù đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng mục tiêu thiết lập hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên vẫn gặp nhiều trắc trở. Thế giới vẫn đang chờ đợi chính quyền Hàn Quốc sẽ đưa ra những chương trình nghị sự để đẩy nhanh tiến trình này.

(theo The Diplomat)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoa-binh-tren-ban-dao-trieu-tien-hanh-trinh-chong-gai-va-noi-niem-nguoi-trong-cuoc-126962.html