Hòa bình trên bán đảo Triều Tiên 'còn nhiều rủi ro'

Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo còn nhiều rủi ro khiến hòa bình không đạt được và trước mắt cần duy trì biện pháp trừng phạt, dù ông Kim Jong Un hiểu tính cấp bách của phi hạt nhân hóa.

Washington vẫn kiên định với việc Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa "hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược (CVID)", Pompeo cho biết, sau khi hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều diễn ra ở Singapore làm dấy lên những lời chỉ trích về sự mơ hồ trong kế hoạch khiến Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình.

"Chúng tôi tin rằng Kim Jong Un hiểu được sự cấp bách... rằng chúng ta phải làm điều này một cách nhanh chóng", AFP dẫn lời ông nói về nỗ lực khiến Triều Tiên từ bỏ kho vũ khí nguyên tử.

Ngoại trưởng Mỹ đã tới Seoul để thông tin cho những người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản về hội nghị thượng đỉnh, và sau đó bay tới Bắc Kinh để nói chuyện với các quan chức Trung Quốc.

"Chúng tôi thực sự tin đã đạt được bước tiến có thể mang lại hòa bình sau nhiều năm", Pompeo nói với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

"Vẫn còn những rủi ro khiến chúng tôi không đạt được điều đó, nhưng tôi thực sự tin rằng thế giới đã thiết lập những điều kiện thích đáng" tại hội nghị thượng đỉnh, ông nói, sau khi Trump nói "thỏa thuận" với Kim Jong Un đã chấm dứt mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa có cuộc gặp ba bên với những người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản. Ảnh: AFP.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa có cuộc gặp ba bên với những người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản. Ảnh: AFP.

Bất kỳ hành động giảm căng thẳng nào cũng đều được Trung Quốc chào đón. Bắc Kinh là đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên, chiếm khoảng 90% thương mại của Bình Nhưỡng. Bắc Kinh ngay lập tức gợi ý rằng Liên Hợp Quốc có thể xem xét dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên.

Vương Nghị nói với Pompeo rằng hội nghị thượng đỉnh "làm cho vấn đề hạt nhân của bán đảo đi vào đúng con đường hòa bình và đàm phán, phù hợp với tất cả các bên bao gồm Mỹ và Trung Quốc, cũng như hy vọng của quốc tế".

Trước đó, Pompeo nhấn mạnh tại một cuộc họp báo chung với các ngoại trưởng Hàn Quốc và Nhật Bản rằng không có khoảng cách giữa các đồng minh về cách đạt được phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

So sánh chính sách của Trump với những chính quyền Mỹ trước đây, Pompeo nói: "Trong quá khứ, họ đã cung cấp cứu trợ kinh tế và tài chính trước khi phi hạt nhân hóa hoàn toàn được thực hiện". "Điều đó sẽ không xảy ra, Tổng thống Trump đã làm rõ điều đó".

Bình luận của Pompeo được đưa ra sau khi hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên đưa tin hôm 13/6 rằng Trump không chỉ đề nghị ngừng tập trận quân sự trong cuộc đối thoại cùng Kim Jong Un mà còn giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, gây ra lo ngại ở Tokyo và Seoul.

Trump nói sau cuộc gặp với Kim rằng Washington sẽ dừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, một thông báo khiến Seoul, và có thể là cả Lầu Năm Góc, bất ngờ.

Mỹ và Hàn Quốc thực hiện một số cuộc tập trận lớn mỗi năm để duy trì sự sẵn sàng cho các hoạt động trên bán đảo. Bình Nhưỡng giận dữ trước hành động này, cho rằng đó là sự chuẩn bị cho một cuộc xâm lược.

"Thảo luận thẳng thắn"

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha dường như đã bỏ qua vấn đề tại cuộc họp báo chung, nói rằng vấn đề sẽ được để lại cho các nhà chức trách quân sự thảo luận, và liên minh Mỹ - Hàn vẫn "mạnh mẽ hơn bao giờ hết".

Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In thừa nhận rằng "có thể có những quan điểm rất mâu thuẫn" về hội nghị thượng đỉnh, nhưng nó vẫn giúp giảm thiểu lo ngại về một cuộc chiến hạt nhân.

Sau đó, ông cho biết Seoul sẽ xem xét cẩn thận tương lai của các cuộc tập trận "nếu Triều Tiên tôn trọng các biện pháp hạt nhân và tiếp tục đối thoại chân thành".

Các cuộc tập trận quân sự Mỹ - Hàn Quốc từ lâu đã làm Triều Tiên "nóng mặt". Ảnh: AFP.

"Ngăn chặn hạt nhân dựa trên các cuộc tập trận đóng vai trò thiết yếu đối với an ninh ở Đông Bắc Á", Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono nói sau cuộc hội đàm "thẳng thắn" giữa ba bên ngày 14/6.

Kono cho hay Nhật Bản hiểu việc tạm dừng trong các cuộc tập trận chỉ xảy ra nếu Triều Tiên thực hiện các bước tiến tới phi hạt nhân hóa, bổ sung rằng "chưa bảo đảm an ninh nào được đưa ra".

Pompeo khẳng định việc đình chỉ tập trận phụ thuộc vào các cuộc đàm phán hiệu quả.

Hôm 12/6, Trump đã gây hoang mang qua việc mô tả các cuộc tập trận của chính nước mình trên bán đảo Triều Tiên là "khiêu khích", một tính từ được Bình Nhưỡng sử dụng.

Bình Nhưỡng mô tả vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa của mình như lá chắn chống lại sự xâm lược của Mỹ, và trong quá khứ từng liên kết phi hạt nhân hóa với việc Mỹ rút lực lượng khỏi bán đảo.

"Ngủ ngon đêm nay!"

Bất chấp một số băn khoăn nơi các đồng minh và các nhà phân tích, chính quyền Trump vẫn tiếp tục chào đón hội nghị thượng đỉnh như một thành công, và Pompeo nói rằng ông hy vọng sẽ thấy Triều Tiên thực hiện bước "giải trừ vũ khí" lớn vào năm 2020.

Trump đã tuyên bố mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên không còn tồn tại nữa, và "tweet" hôm 13/6 rằng mọi người "bây giờ có thể cảm thấy an toàn hơn nhiều so với ngày tôi nhậm chức" và có thể "ngủ ngon đêm nay!".

Những bình luận mới nhất của tổng thống hoàn toàn trái ngược với các mối đe dọa của ông hồi cuối năm ngoài về "hỏa lực và cuồng nộ", đáp lại những vụ thử tên lửa tầm xa và hạt nhân của Bình Nhưỡng. Triều Tiên trả đũa bằng cách tự hào tuyên bố có thể tiêu diệt Mỹ.

Tổng thống Trump tuyên bố mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên không còn nữa sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Ảnh: Reuters.

Sau nhiều tháng căng thẳng với những lời thóa mạ cá nhân qua lại giữa ông Trump và ông Kim, những nỗ lực ngoại giao nhanh chóng đã được thực hiện hồi đầu năm nay, được thúc đẩy qua Olympics mùa đông ở Hàn Quốc.

Ngày 14/6, trong bước tiến mới nhất để giảm căng thẳng xuyên biên giới, hai miền trên bán đảo Triều Tiên đã tổ chức các cuộc đàm phán quân sự cấp cao nhất trong hơn một thập niên tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm (Panmunjom), nằm tại Khu phi quân sự phân chia hai nước.

Giây phút Trump - Kim ký Tuyên bố chung lịch sử Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã cùng ký kết tuyên bố chung Mỹ - Triều. Hai bên đưa ra 4 cam kết hướng tới hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Hoa Hạ

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hoa-binh-tren-ban-dao-trieu-tien-con-nhieu-rui-ro-post851562.html