Hòa bình tại Afghanistan còn xa vời

Bất chấp nỗ lực của chính quyền Afghanistan, phiến quân Taliban vừa tuyên bố thực hiện chiến dịch tấn công mùa xuân hằng năm. Không chỉ có Taliban, sự nổi lên của IS với những tham vọng mới và các cuộc tấn công vừa diễn ra, cho thấy sự liên thủ của hai tổ chức này khiến hy vọng về một nền hòa bình và ổn định tại Afghanistan ngày càng trở nên xa vời.

Ngày 30-4, Bộ Y tế Afghanistan cho biết ít nhất 23 người thiệt mạng và 27 người bị thương trong 2 vụ đánh bom liều chết tại một khu vực ngoại giao ở trung tâm thủ đô Kabul. Vụ tấn công thứ nhất xảy ra vào 8 giờ sáng (giờ địa phương), một kẻ đánh bom liều chết lái xe mô tô kích hoạt thiết bị nổ tại khu vực Shashdarak, thuộc quận Cảnh sát 9 của thành phố, gần tòa nhà cơ quan tình báo Afghanistan NDS.

Vụ nổ thứ hai xảy ra khoảng 40 phút sau đó bên ngoài tòa nhà Bộ Phát triển đô thị và nhà ở, khi các nhân viên đang vào văn phòng. Vụ nổ này xảy ra cạnh các phóng viên trước đó đã tập trung đưa tin về vụ nổ đầu tiên. Đã có ít nhất 10 nhà báo quốc tế và địa phương thiệt mạng.

Hiện trường vụ đánh bom ở Kabul sáng 30-4. Ảnh: CNN.

Ngày 22-4, tại Afghanistan cũng đã xảy ra hàng loạt vụ tấn công gây nhiều thương vong. Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận trách nhiệm tiến hành tất cả các vụ tấn công trên. Điều đáng ngại là giờ đây các vụ tấn công xảy ra tại khu vực an ninh nghiêm ngặt với nhiều trụ sở của các phái đoàn ngoại giao.

Trước đó Taliban cũng phát động chiến dịch tấn công thường niên tại Afghanistan. Ngày 25-4-2018, lực lượng Taliban đã tuyên bố bắt đầu chiến dịch tấn công thường niên vào mùa xuân hằng năm tại Afghanistan, đồng nghĩa với việc bác bỏ đề xuất đối thoại hòa bình của Tổng thống Ashraf Ghani.

Người phát ngôn của Taliban Zabiullah Mujahid cho biết chiến dịch mang tên "thánh chiến al-Khandaq" đã bắt đầu vào sáng 25-4. Tuy nhiên, trên thực tế các cuộc đụng độ ác liệt đã diễn ra ở nhiều nơi trên cả nước, làm hàng trăm người thiệt mạng và bị thương từ đầu năm nay.

Taliban đã phát đi "lời tuyên chiến" trên bất chấp đề xuất đối thoại hòa bình "vô điều kiện" mà Tổng thống Ghani đưa ra hồi tháng 2 vừa qua. Trong tuyên bố, Taliban cho rằng đề xuất trên là một "âm mưu nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi sự chiếm đóng trái phép của các lực lượng nước ngoài". Tuy nhiên, Taliban đảm bảo rằng sẽ chỉ tấn công các lực lượng của Mỹ tại Afghanistan, đồng thời cáo buộc "quân đội Mỹ không có ý định nghiêm túc hay chân thành nhằm kết thúc chiến tranh".

Taliban cho rằng việc hàng nghìn binh sĩ Mỹ được điều động thêm đến Afghanistan để giúp huấn luyện quân đội nước này, và các chỉ huy được trao nhiều quyền hơn trong việc ra lệnh tiến hành các cuộc không kích chống phiến quân đã đi ngược lại với chính sách trước đó của Washington là từng bước rút quân khỏi quốc gia Nam Á này. Taliban cũng hối thúc người dân tránh xa những sự kiện tụ tập liên quan đến chính quyền, các đoàn xe và trung tâm quân sự - những mục tiêu mà Taliban sẽ tấn công.

Tuyên bố trên của Taliban làm dấy lên nguy cơ ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử quốc hội và cấp tỉnh sẽ diễn ra trong tháng 10. Hiện việc cử tri đăng ký đi bầu đang được tiến hành tại các vùng sâu vùng xa. Trước việc Taliban phát động chiến dịch tấn công thường niên tại Afghanistan, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cảnh báo về một làn sóng tấn công bạo lực mới do Taliban tiến hành trong thời gian tới nhằm vào người dân Afghanistan cũng như chính quyền nước này.

Lực lượng quân đội chính phủ Afghanistan tuần tra các khu vực nghi có IS và Taliban. Ảnh: Tân Hoa xã.

Ngày 26-4, chỉ một ngày sau khi lực lượng Taliban tuyên bố bắt đầu chiến dịch tấn công thường niên vào mùa xuân hằng năm tại Afghanistan, ông Qamaruddin Shekib, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Logar, gần thủ đô Kabul cùng 2 vệ sĩ và 1 người khác đã thiệt mạng trong vụ tấn công của các tay súng Taliban.

Taliban cũng đã nhận tiến hành vụ tấn công sáng sớm cùng ngày vào 2 chốt quân sự tại quận Dashte Archi thuộc tỉnh Kunduz. Đã có ít nhất 13 nhân viên an ninh thiệt mạng trong vụ việc và 5 người khác bị thương.

Việc cả IS và Taliban đã dồn dập tấn công thủ đô Kabul trong sự bất lực của Chính phủ Afghanistan đặt ra nghi vấn về hiệu quả của những hỗ trợ mà Mỹ dành cho Chính phủ Afghanistan. Cả hai nhóm trên đều muốn lật đổ Chính phủ Afghanistan và đuổi các lực lượng nước ngoài ra khỏi lãnh thổ.

Theo Andrew Wilder, Phó Chủ tịch Chương trình châu Á tại Học viện Hòa bình Mỹ, cả hai nhóm này hy vọng các cuộc tấn công của chúng sẽ khiến chính quyền Kabul mất đi tính chính đáng và bị người dân xa lánh.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao chính quyền Kabul và lực lượng an ninh của Chính phủ Afghanistan, được Mỹ hậu thuẫn và đào tạo, lại không ngăn chặn được các cuộc tấn công?

Theo hãng tin AP, vấn đề then chốt nằm ở chỗ lực lượng này đã được thành lập quá vội vã, tập hợp nhiều thành phần dân quân khác nhau, thuộc các sắc tộc khác nhau, thậm chí có những nhóm trước đó còn chống lại nhau. Thời gian huấn luyện cho lực lượng này lại ngắn, không ít binh sĩ đã được "tung lên" chiến tuyến sau chưa đầy 2 tháng huấn luyện. Điều nghiêm trọng hơn cả là với cơ chế tổ chức lỏng lẻo như trên, người của Taliban đã thâm nhập vào hàng ngũ lực lượng Afghanistan, thực hiện các cuộc tấn công ngay từ bên trong, làm cho tình hình an ninh trở nên tệ hại hơn.

Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố năm 2017 miêu tả cuộc chiến ở Afghanistan là một sự "bế tắc kéo dài" khi Taliban không chỉ có khả năng mở rộng mà còn củng cố được những phần lãnh thổ đang chiếm giữ.

Hoa Huyền

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/hoa-binh-tai-afghanistan-con-xa-voi-489245/