Hòa Bình: Nghi vấn phá rừng phòng hộ để làm nhà và trồng cam

Những căn nhà kiên cố, vườn cam được 'mọc lên' từ chân cho tới đỉnh hàng loạt quả đồi trên địa bàn huyện Cao Phong (Hòa Bình). Mà theo người dân bản địa thì ngày xưa những quả đồi này là đất rừng phòng hộ.

Thời gian gần đây, báo Pháp luật Việt Nam nhận được phản ánh về việc rừng phòng hộ bị ‘đốn hạ’ để làm các căn nhà kiên cố và vườn cam. Theo phản ánh, nhiều hecta đất rừng phòng hộ đã và đang bị Hợp tác xã Hà Phong (địa chỉ ở Cao Phong, Hòa Bình) đem sử dụng vào mục đích xây nhà và trồng cam trong nhiều năm qua.

Con đường độc đạo để vào vườn cam của Hợp tác xã Hà Phong.

Con đường độc đạo để vào vườn cam của Hợp tác xã Hà Phong.

Mặc dù, sự việc đã diễn ra trong nhiều năm qua nhưng không bị cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý. Thậm chí, giờ đây các vườn cam mọc trên rừng phòng hộ cũng đang được ai đó rao bán.

Để xác minh thông tin phản ánh, nhóm PV đã tới huyện Cao Phong để tìm hiểu thực hư câu chuyện. Khi đặt chân tới huyện này để hỏi về Hợp tác xã Hà Phong thì ai ai cũng biết. Và thậm chí, họ cũng giới thiệu cho cánh PV chúng tôi biết rằng: “trong đó không chỉ có vườn cam mà còn có cả biệt thự nhà vườn nữa”.

Theo hướng dẫn của người dân địa phương, để vào được ‘mục sở thị’ nhóm PV phải đi qua con đường độc đạo vừa trơn trượt, vừa dốc cao. Chúng tôi được tận mắt chúng kiến nhiều căn nhà đẹp lỗng lẫy, hoành tráng được xây dưng kiên cố trên các ngọn đồi khác nhau. Bao quanh các căn nhà này là những vườn cao mang thương hiệu Cam Cao Phong nổi tiếng.

Vườn cam nơi đây đang được mở rộng, mà theo người dân địa phương thì đây là rừng phòng hộ.

Bên cạnh, những quả đồi có vườn cam đang mùa thu hoạch là các quả đồi với vườn cam mới được trồng. Cho thấy, vườn cam nơi đây đang được chủ nhân mở rộng với quy mô rất lớn. Mà theo người dân địa phương: “nơi đây cũng là đất rừng phòng hộ”.

Người dân ở xã Bắc Phong cho biết: “Trước đây, ở chổ vườn cam và nhà kiên cố là đất rừng phòng hộ. Nhà nước giao cho dân để bảo vệ, thế nhưng sau đó ông Hà đã tới mua lại của người dân. Vườn cam càng ngày được mở rộng với quy mô lớn, đồng nghĩa với việc rừng phòng hộ bị đốn hạ và thu hẹp dân”.

Vườn cam và các căn nhà nói trên do ông Hà – Giám đốc Hợp tác xã Hà Phong làm chủ sở hữu. Hiện ông chủ hợp tác xã thuê người địa phương để trông nhà và chăm sóc vườn cam. Thi thoảng thấy ông Hà lui tới trên chiếc xe Lexus màu đen, người dân nói.

Các căn nhà kiên cố cũng được xây dựng trên khu đất rừng.

Trước những phản ánh của người dân, PV liên hệ qua điện thoại với ông Phạm Văn Long – Chủ tịch UBND huyện Cao Phong và nhận được câu trả lời: “Tôi đã nghỉ hưu”. Còn liên hệ ông Hồ Xuân Dũng – PCT UBND huyện Cao Phong thì không nghe máy.

Một diễn biến khác liên quan tới việc phá rừng ở trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, báo Pháp luật Việt Nam cũng nhận được phản ánh về một dự án khu nghỉ dưỡng xây dựng trên đất rừng khi chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý.

Có thể nói rằng, phản ánh của người dân cũng chỉ dừng lại ở mức phản ánh, còn chúng tôi không khẳng định là có việc phá rừng hay không? Tuy nhiên, để nhân dân địa phương tin tưởng, thì cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình?

Báo pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.

Kiên Cường

Nguồn Sao Pháp Luật: http://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/hoa-binh-nghi-van-pha-rung-phong-ho-de-lam-nha-va-trong-cam-6395/