Hòa bình Nagorno-Karabakh hoàn toàn nằm trong tay Nga

Tổng thống Putin hy vọng giải quyết ổn thỏa xung đột ở Nagorno-Karabakh với sự tham gia của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga.

Viện trợ và tái thiết cho Nagorno-Karabakh

Tổng thống Vladimir Putin hôm 14/11 bày tỏ hy vọng rằng sẽ không bao giờ còn xảy ra xung đột ở Nagorno-Karabakh. Trong cuộc họp về giải quyết các vấn đề nhân đạo ở vùng lãnh thổ ly khai này, nhà lãnh đạo Nga cho biết, ông muốn không muốn phải nghe cụm từ ‘xung đột Nagorno-Karabakh" một lần nữa.

Trong số những người tham gia cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Sergei Shoigu, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Sergei Lavrov, Giám đốc Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) Alexander Bortnikov, Bộ trưởng Bộ Tình trạng khẩn cấp Yevgeny Zinichev.

"Tuyên bố ba bên được Tổng thống Azerbaijan, Thủ tướng Armenia và Tổng thống Nga thông qua ngày 9/11 có khả năng ngăn chặn đổ máu và ổn định tình hình" - ông Putin nói tại cuộc họp về giải quyết các vấn đề nhân đạo ở vùng Nagorno-Karabakh. Theo ông, các vấn đề nhân đạo nghiêm trọng đã nảy sinh ở khu vực này.

Hiện đã có thông báo về số nạn nhân, bao gồm cả dân thường, do hậu quả của cuộc giao tranh đã vượt quá 4 nghìn người và hơn 8 nghìn người bị thương. Còn số người tị nạn, theo nhiều nguồn khác nhau, lên tới hàng chục nghìn. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng dân sự và nhiều công trình, vật thể văn hóa đã bị phá hủy.

"Vấn đề cung cấp hỗ trợ nhân đạo để mang lại cuộc sống hòa bình bình thường cho những người dân bị ảnh hưởng bởi các hành động thù địch trong khu vực xung đột Nagorno-Karabakh là rất quan trọng và mang tính thời sự" - ông Putin phát biểu tại cuộc họp giải quyết các vấn đề nhân đạo ở vùng Nagorno-Karabakh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh thành lập một trung tâm liên bộ về ứng phó nhân đạo ở Nagorno-Karabakh. Sắc lệnh có hiệu lực kể từ ngày ký và nội dung của tài liệu được cơ quan báo chí Điện Kremlin trích dẫn.

"Để tạo điều kiện cho giải pháp các vấn đề nhân đạo và khôi phục cơ sở hạ tầng dân sự ở Nagorno-Karabakh, tôi quyết định thành lập Trung tâm Ứng phó Nhân đạo liên bộ" - theo tài liệu cho biết, Nga sẽ cung cấp sự hỗ trợ toàn diện cho vùng lãnh thổ này.

Máy bay Il-76 vận chuyển lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đến Nagorno-Karabakh

Máy bay Il-76 vận chuyển lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đến Nagorno-Karabakh

Ngoài ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị cho Bộ Ngoại giao Nga tiếp tục thông báo cho Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, Hội Chữ thập đỏ quốc tế, Cơ quan An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) định dạng Minsk và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) về tình hình ở Nagorno-Karabakh.

Ông yêu cầu Bộ Ngoại giao Nga thông báo cho các cơ cấu quốc tế và khu vực để thiết lập công việc chính thức và mang tính xây dựng với các cấu trúc này. Ông thực sự tin tưởng là các hoạt động của trung tâm sẽ được hỗ trợ đầy đủ bởi tất cả các cấu trúc này.

Nga sẽ đảm bảo hòa bình cho Nagorno-Karabakh

Vào ngày 10/11 vừa qua, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cùng với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã ký một tuyên bố chung về việc chấm dứt chiến sự ở vùng lãnh thổ li khai Nagorno-Karabakh [khỏi Azerbaijan], được Armenia bảo trợ.

Nội dung chính của thỏa thuận là hai bên sẽ ngừng bắn từ lúc nửa đêm ngày 10 tháng 11. Quân đội Azerbaijan và Armenia sẽ dừng lại đúng tại vị trí họ đang chiếm giữ hiện nay.

Armenia phải trả lại vùng Kelbajar cho Azerbaijan vào ngày 15 tháng 11 và vùng Lachin vào ngày 1 tháng 12 năm 2020, để lại hành lang Lachin rộng 5 km, đảm bảo kết nối Nagorno-Karabakh với Armenia (điểm này không áp dụng cho Shusha trước đó Azerbaijan đã chiếm được). Ngoài ra, trước ngày 20 tháng 11, Armenia phải chuyển giao Aghdam và một phần của vùng Gazakh do nước này nắm giữ cho Azerbaijan.

Hai bên đồng ý thiết lập hành lang Lachin rộng 5 km, đảm bảo kết nối Nagorno-Karabakh với lãnh thổ Armenia; ngược lại, một liên kết giao thông sẽ được mở từ khu vực phía tây của Azerbaijan qua lãnh thổ Armenia tới Cộng hòa tự trị Nakhichevan (vùng lãnh thổ tách rời của Azerbaijan).

Nga sẽ thiết lập một trung tâm gìn giữ hòa bình ở Nagorno-Karabakh và điều một lực lượng gìn giữ hòa bình khoảng 2000 người, cùng hàng trăm máy bay, xe thiết giáp tới vùng này để giám sát ngừng bắn (thời hạn lưu trú của lực lượng này sẽ giới hạn trong năm năm và tự động gia hạn thêm thời hạn năm năm, nếu không có bên nào quyết định rút khỏi thỏa thuận).

Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga được triển khai song song với việc Armenia rút quân của khỏi vùng lãnh thổ ly khai này.

Như vậy, Nga đã đóng góp công sức rất lớn vào việc khiến 2 bên ngừng bắn, ngồi vào bàn đàm phán và ký kết thỏa thuận hòa bình. Đồng thời, Moscow cũng chính là bên sẽ chịu trách nhiệm giám sát ngừng bắn, điều hòa lợi ích của các bên, tránh để xung đột bùng phát một lần nữa.

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/hoa-binh-nagorno-karabakh-hoan-toan-nam-trong-tay-nga-3422533/