Hòa bình mang khuôn mặt thiếu nữ

Khi giải Nobel Hòa bình được trao vì những nỗ lực chấm dứt bạo lực tình dục, thì ở Việt Nam, báo chí đưa tin về cô bé 14 tuổi bị cưỡng hiếp tập thể trong nhiều ngày.

Đúng ngày Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố danh tính hai người đoạt Nobel Hòa bình năm nay là cô Nadia Murad và bác sĩ Denis Mukwege vì những nỗ lực chấm dứt bạo lực tình dục, cũng là lúc báo chí đưa tin thiếu nữ 14 tuổi ở Thái Bình bị bốn người đàn ông xâm hại tình dục tập thể trong nhiều ngày liên tiếp.

Hòa bình giữa đàn ông và đàn bà

Nadia Murad - đồng chủ nhân Nobel Hòa bình 2018. Ảnh: gt.foreignpolicy.

Nadia Murad - đồng chủ nhân Nobel Hòa bình 2018. Ảnh: gt.foreignpolicy.

Giải Nobel Hòa bình năm nay, đến phút chót, vẫn là một ẩn số khó đoán. Không phải cứ im tiếng súng là có hòa bình. Không phải cứ văn minh sẽ hết bất công. Hòa bình căn bản trước hết là hòa bình giữa con người với thiên nhiên, giữa đàn ông với đàn bà.

Năm ngoái, chúng ta mang hình ảnh những cô gái ăn mặc hở hang trên một chuyến bay chở đội bóng U23 Việt Nam ra bàn tán rôm rả. Đa phần chỉ trích hãng bay và thương thay cho các cầu thủ vì sự đón tiếp không trang trọng, chưa xứng đáng với chiến công của họ. Mà ít ai thương các cô gái bị mang ra làm trò hề, ít ai truy vấn ngọn nguồn từ khi nào người ta mang phụ nữ ra làm phần thưởng cho chiến thắng của đàn ông.

Quay lại với Nadia, đồng chủ nhân Nobel Hòa bình 2018. Cô từng là nạn nhân tình dục của lính IS, may mắn trốn thoát sang Đức, từ đó bắt đầu đấu tranh chống lại quấy rối và bạo lực tình dục phụ nữ. Hoạt động của cô không chỉ giúp ích phụ nữ ở quê hương Iraq của mình mà truyền lòng dũng cảm, niềm tin cho nạn nhân khắp thế giới. Những nạn nhân nô lệ tình dục, nạn nhân của bầy quái thú đội lốt người chuyên buôn bán phụ nữ, mang phụ nữ ra làm chiến lợi phẩm.

Bốn người đàn ông cưỡng bức bé gái mười bốn tuổi ở Thái Bình là câu chuyện quá khủng khiếp, ở thời đại đã được cho là hiện đại, văn minh này. Đừng lấy bất cứ nguyên do nào biện hộ cho hành vi của họ. Ai đó đang nói bé gái ấy cũng thuộc hàng ăn chơi sa đọa. Xin thưa, gái điếm vẫn bị hiếp dâm như thường nếu cô ấy không tự nguyện. Huống gì một đứa trẻ vị thành niên học lớp 9.

Tôi nhớ chuyện của chính mình. Mười mấy năm trước, lão nhà văn kia bám theo tôi sau bữa trưa có nhiều người. Lão lè nhè gạ gẫm vào khách sạn. Khi tôi từ chối, lão bảo: em yêu nhiều rồi, thêm anh nữa có sao. Tôi suýt nữa đã nhổ vào mặt lão. Nhà văn, người được xem có chữ nghĩa, hiểu biết mà suy nghĩ và thốt lên thành lời cái ý tứ như vậy.

Tình dục là sự tự nguyện. Bất cứ lôi kéo, lừa gạt, cưỡng bức nào để thỏa mãn thú tính đều phạm pháp, ngay cả khi đối tượng là vợ hay tình nhân.

Hòa bình ra đời từ sự bình đẳng giữa người với người

Vài tuần trước, tôi vô tình đọc cuộc tranh luận căng thẳng trên mạng xã hội về Quỳnh Búp Bê. Bộ phim đang trình chiếu trên VTV về cuộc đời cô gái bị cha dượng hiếp dâm, mẹ ruồng bỏ, chạy khỏi nhà thì rơi vào tay lũ buôn người, lũ buôn người bán cô vào động thổ. Cuộc tranh luận tôi đọc được, đa số người nói: phịa, thời buổi này làm gì còn chuyện buôn người như buôn nô lệ ngày xưa, làm gì có chuyện gái mại dâm bị giam giữ hành hạ khi cứ ra đường là gặp công an.

Suy nghĩ ấy khiến tôi vừa vui lại vừa buồn. Vui vì hình như những số phận Quỳnh - số phận Kiều không còn phổ biến, dù thỉnh thoảng, tôi vẫn đọc tin các cô gái quê bị lừa bán sang Trung Quốc. Buồn bởi chúng ta quá tự tin, quá tin tưởng vào sự văn minh bề mặt mà thờ ơ, không nhìn ra bên trong cái bề mặt long lanh ấy đầy xấu xa, hiểm nguy, bất công với phụ nữ.

Những số phận như Quỳnh Búp Bê vẫn có trong xã hội hiện đại, nhưng chúng ta thờ ơ nên không thấy.

Hiểm nguy, bất công ngay từ trong gia đình. Chồng xem vợ là vật sở hữu, đánh đập chưa đủ, cấm đoán chưa đủ, còn bắt “chiều” bất cứ lúc nào. Xem ra cuộc sống đàn bà “lợn kêu con khóc chồng đòi tòm tem” trong ca dao xưa, đến thời đại này vẫn y nguyên.

Tôi chắc đại đa số phụ nữ từng bị ức hiếp, quấy rối tình dục trong đời. Người may mắn mắc một vài lần, người xui xẻo có thể không đếm nổi. Những nạn nhân chịu nói ra, những hung thủ bị phát hiện ít như sự tử tế của kẻ hiếp dâm. Là bước đường cùng phải kêu trời, là dẫn đến chết người thì sự việc mới vỡ lở.

Thường khi biết vụ cưỡng hiếp nào đó, chúng ta hay phán xét người nữ trước, rằng ăn mặc hở hang, rằng đêm tối sao đi vào chỗ khuất, rằng sao dại dột nghe người lạ… Chúng ta chưa biết thương, chưa cảm thông đủ cho phận nữ nhi, chưa đặt ngang hàng người nữ với người nam như miệng nói, như luật định, như đáng ra phải thế.

Thậm chí trong các vụ lừa bán thiếu nữ, chủ mưu là chị cùng làng cô cùng xã. Nhiều vụ vợ bao che cho chồng lạm dụng con, mẹ bao che cho con cưỡng hiếp người làm. Lúc phong trào MeToo (tố cáo kẻ quấy rối tình dục) đến Việt Nam, một vài cô lên tiếng, chỉ một vài cô dám lên tiếng. Bàn đi tán lại một hồi, các cô từ nạn nhân trở thành kẻ xấu, người ta quay sang chì chiết: nó mới đụng vào người chứ đã hiếp được đâu mà ám ảnh với lại hậu quả, xấu thế ai thèm quấy, đang làm màu để nổi đây mà…

Này bạn - người may mắn chưa bị gã đàn ông bẩn thỉu bên ngoài, hôi hám bên trong hay cả hai khóa cứng tay chân, chẹn họng, chặn cả thế giới xung quanh, xô bạn xuống hốc đau đớn, hoảng loạn, nhục nhã, bi phẫn, bạn sẽ không thể, không bao giờ có thể hiểu nỗi đau của những nạn nhân ấy.

Không đơn thuần đau thể xác - sự đau đớn bác sĩ sẽ chữa lành. Nó là nỗi đau tinh thần cấp tính, thời gian làm dịu xuống nhưng không thuốc thang nào chữa khỏi. Nó ở đó, mãn tính đến hết đời.

Mới đây, một bạn sinh viên văn khoa tâm sự với tôi em bị chú họ hãm hiếp nhưng không biết nói cùng ai. Em sợ gia đình, sợ người đời, sợ tương lai. Tôi khuyên em tố cáo, em khóc to hơn. Khuyên em gặp bác sĩ tâm lý, em giãy nảy lên: bác sĩ sẽ làm lộ chuyện xấu của em. Em ơi, đó là chuyện xấu, nhưng không phải chuyện xấu của em, mà là tội ác của người chú họ.

Tôi bất lực, chỉ biết trấn an em, hướng em làm cho mình bận rộn để đẩy nỗi ám ảnh vào xó tối. Bận rộn chơi thể thao, bận rộn đọc sách, bận rộn học vẽ, bận rộn hát ca…

Nhưng dù bận rộn tới mức nào, em gái đó cũng sẽ mang vết thương vĩnh viễn. Vết thương ấy rất có thể mưng mủ, bung chỉ, khi ngày mai em chứng kiến ông hàng xóm tát vợ; dăm năm sau anh người yêu bóng gió: nếu lấy anh, không đẻ được con trai, anh sẽ kiếm vợ bé; nêu chính kiến của mình thì bố chồng mắng: đồ đàn bà không biết thân biết phận…

Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ là tên cuốn sách của nữ nhà văn Svetlana Alexievich viết về cuộc sống nơi chiến trường của phụ nữ Liên Xô, tác phẩm quan trọng đặt vào tay bà giải Nobel văn chương năm 2015. Cô Nadia Murard đoạt Noel hòa bình năm nay vì nỗ lực đấu tranh, bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực tình dục.

Thế giới đang đổi thay, phụ nữ không phải và không còn, không bao giờ làm nô tì cho đàn ông. Súng đạn ngưng, chưa chắc hòa bình đã đến. Hòa bình không chỉ gắn liền chiến tranh. Hòa bình ra đời từ sự bình đẳng giữa người với người. Xin hãy để hòa bình được sáng ngời trên những khuôn mặt thiếu nữ thơ ngây.

Đỗ Hoàng Diệu

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hoa-binh-mang-khuon-mat-thieu-nu-post884848.html