Hòa bình là gốc của nhạc

Lễ nhạc được triều đình phong kiến hết sức chú trọng. Hầu như mỗi lần thay đổi triều đại là một lần lễ nhạc được chế định lại. Lễ nhạc vừa thể hiện văn hóa, vừa thể hiện niềm tự tôn dân tộc. Nhưng cái gốc của lễ nhạc là gì để căn cứ vào khi chế định? Với Nguyễn Trãi, đó chính là 'hòa bình'.

Tượng Danh nhân Nguyễn Trãi ở Nhị Khê.

Tượng Danh nhân Nguyễn Trãi ở Nhị Khê.

Sau chiến thắng giặc Minh xâm lược, triều đình nhà Lê cần một bản bố cáo thiên hạ. Và với chức quan Thừa chỉ, Nguyễn Trãi là người được vua Lê Thái Tổ giao soạn “Bình Ngô đại cáo”. Ngay từ những câu mở đầu, bản hùng văn đã khẳng định rõ ràng:

Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác.

Với tinh thần tự tôn về văn hiến quốc gia, lại là nhà khoa bảng, cháu ngoại của quan đại tư đồ Trần Nguyên Đán, nên không có gì lạ khi Nguyễn Trãi được vua Lê Thái Tông trao trọng trách cùng Lương Đăng soạn lễ nhạc cho triều đình mới. Nguyễn Trãi đã kính cẩn tâu rằng: “Kể ra, thời loạn dùng võ, thời bình chuộng văn. Nay đúng là lúc nên làm lễ nhạc. Song không có gốc thì không đứng được, không có văn thì không hành được. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần vâng chiếu làm nhạc, không dám không hết lòng hết sức, nhưng vì học thuật nông cạn sợ rằng trong khoảng thanh luật, khó được hài hòa. Xin bệ hạ yêu nuôi nhân dân, để cho các nơi làng mạc không có tiếng oán giận than sầu, đó là không mất cội gốc của nhạc vậy”.

Tại sao nói về lễ nhạc mà Nguyễn Trãi lại đề cập tới cuộc sống của muôn dân tận nơi thôn cùng xóm vắng? Đó là bởi mối quan hệ này gắn bó mật thiết. Lễ nhạc phải thể hiện được khát vọng hòa bình, khát vọng được sống no đủ, được thương yêu đùm bọc trong cộng đồng làng xóm, được sống với lẽ công bằng…

Tư tưởng về lễ nhạc của Nguyễn Trãi có sự khác biệt với tư tưởng về lễ nhạc của Nho giáo Trung Hoa. Khổng Tử dạy rằng: “Thánh nhân chi trị thiên hạ dã, ngại chư dĩ lễ nhạc”. Nghĩa là: Bậc thánh nhân cai trị thiên hạ, kiềm chế họ bằng lễ nhạc. Lễ là cái quân vương có thể dùng để trị quốc, lúc ấy chẳng cần pháp luật hà khắc thiên hạ cũng tự nhiên thái bình; trong khi đó nhạc là cái củng cố giúp lễ trở nên trọn vẹn đầy đủ. Trong một câu khác, Khổng Tử giảng: “Nhạc giả thiên địa chi hòa dã, Lễ giả thiên địa chi tự dã”. Nghĩa là: Nhạc là cái điều hòa của trời đất, Lễ là cái trật tự của trời đất.

Trong khi tư tưởng của Khổng Tử là “Thánh nhân cai trị thiên hạ bằng âm nhạc” thì với Nguyễn Trãi là chiều ngược lại: Khi dân chúng có hòa bình thì âm nhạc trong triều sẽ nảy nở hài hòa. Cái cội gốc của nhạc là ở sự “yên dân”.

“Yên dân” là cốt lõi của tư tưởng nhân nghĩa. Ngay câu thứ hai của “Bình Ngô đại cáo” Nguyễn Trãi viết: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Chính tư tưởng nhân nghĩa “cốt ở yên dân” này đã có phạm trù khác với tư tưởng “chăn dân” cốt để gìn giữ vương quyền và bộ máy cai trị.

Tư tưởng nhân nghĩa được Nguyễn Trãi sử dụng như là một chuẩn mực. Mưu kế “tâm công” được thực hiện trên cơ sở tư tưởng nhân nghĩa. Trong thư gửi tướng giặc là Phương Chính, Nguyễn Trãi viết: “Phàm mưu việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm gốc, nên công to phải lấy nhân nghĩa làm đầu”. Nhân nghĩa là tình thương yêu giữa con người và con người, là sự chân thành, khoan dung, độ lượng, tha tội chết cho những kẻ thù. Thực tế, khi giặc Minh thua trận, triều đình nhà Lê đã mở đường cứu sinh, cung cấp lương thảo cho giặc Minh trở về nước.

Nhân nghĩa là khát khao yêu hòa bình, lên án chiến tranh. Nên khi quân Minh bạo ngược đến thì việc làm đầu tiên là phải trừ bạo. Nhân nghĩa là bất đắc dĩ mới phải cất quân đi kháng chiến. Nhân nghĩa là sức mạnh tinh thần, tạo ưu thế lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều.

Nhân nghĩa còn là tư tưởng trọng dân. Khi vua Lê Thái Tổ hỏi Nguyễn Trãi: “Nghĩa lớn mới thành, việc nước việc quân đều chưa quen thạo, làm cách nào để yên dân mở nước?” Nguyễn Trãi tâu: “Hòa thuận trong nhà nhớ giữ một lòng thân ái, thương yêu dân chúng hãy làm những việc nhân đức, đừng vì ơn riêng mà thưởng bậy, chớ vì giận mình mà phạt bừa; đừng thích tiền của mà xa xỉ bừa bãi, đừng gần thanh sắc mà suồng sã hoang dâm, cho đến việc dùng nhân tài nghe can gián, ra một chính sách một mệnh lệnh, phát một lời nói, một việc làm đều phải đúng mực, hợp với lẽ thường, có thế, trên mới đáp ứng được ý trời, dưới mới thỏa mãn được lòng dân, quốc gia mới yên ổn bền vững lâu dài”.

Rồi Nguyễn Trãi lại tâu: “Mến người có nhân là dân, mà như con sông chở thuyền và lật đổ thuyền cũng là dân. Giúp người có đức là trời, nhưng khó tin và rất hay thay đổi cũng là trời. Dám mong bệ hạ siêng năng giữ gìn những việc kính trời chăm dân, chớ nên xem thường”.

Vua Lê Thái Tổ lại hỏi: “Nay đám đại thần tổng quản và quan lại ở các viện, sảnh, cục tham ô lười biếng nên răn dạy thế nào?”. Nguyễn Trãi tâu: “Phàm người có chức vụ coi quân trị dân đều phải dùng phép công bằng, làm việc cần mẫn, hết lòng thờ vua, hết sức chăm dân, bỏ thói tham ô, trừ tệ lười biếng, bè đảng riêng tây phải bỏ, thái độ cố phạm phải chừa, coi công việc nước như công việc của chính mình lấy điều lo của dân làm điều lo cho bản thân. Xin bệ hạ xuống chiếu răn bảo nghiêm cấm; nếu ai không nghe không sửa ấy là kẻ đó tự hủy diệt mình”.

Thế nhưng, Lê Thái Tổ lại nghe lời xiểm nịnh của Lê Sát, Lê Ngân không những không trọng dụng mà còn có lúc bắt Nguyễn Trãi vào tù. Khi Lê Thái Tông lên ngôi, giao chế định lễ nhạc cho Nguyễn Trãi và Lỗ bộ Ty giám Lương Đăng. Ðón ý vua, Lương Ðăng bày vẽ nhiều thứ nhã nhạc, chế định lắm thứ nghi thức, yến tiệc, phiền hà tốn kém. Lương Đăng có ý chép y lại những qui định nhạc cung đình của nhà Minh chứ không có tinh thần tự tôn dân tộc.

Những tâu trình của Lương Đăng đều được vua chấp thuận nên Nguyễn Trãi dâng sớ xin từ: “Mới rồi bọn thần cùng với Lương Đăng sửa định nhã nhạc, nhưng sở kiến của thần không giống sở kiến của Lương Đăng, thần xin trả lại mệnh ấy”. Một thời gian sau, nhã nhạc được định Vì lễ nhạc của Lương Đăng soạn có nhiều điểm không hợp lý, trái quan điểm nên một số vị quan như Tham Tri Bạ Tịch, Nguyễn Tuyền, các quan Đào Công Soạn, Nguyễn Văn Huyến, Tham Nghị Nguyễn Liễu, đã dâng sớ tâu rằng: “…trước kia, đánh trống là báo giờ ra chầu buổi sớm, nay nhà vua ra chầu rồi mới đánh trống.

Theo quy chế xưa, lúc vua ra, bên tả đánh chuông Hoàng chung, rồi năm chuông bên hữu ứng theo, lúc Vua vào thì đánh chuông Nhuy Tân (Di Tân, một trong 12 luật lữ) rồi năm chuông cùng ứng theo. Nay Vua ra chầu đánh 108 tiếng chuông, đó là số nhà sư lần tràng hạt. Theo qui chế thì Vua ngồi ở cửa Phụng Thiên phải có sập vàng, ở điện Phụng Thiên phải có ngai báu, nay chỉ có một Điện Hội Anh, lại chỉ có sập vàng, thế là lễ nghi gì?”. Tưởng rằng, vua sẽ nghe theo, ai ngờ, trong lúc tranh chấp cãi vã với Lương Đăng mà Nguyễn Liễu bị thích chữ vào mặt đày đi nơi xa.

Tư tưởng nhân nghĩa, thương dân, trọng dân, lo cho dân, biết sức mạnh như nước có thể lật thuyền của dân của Nguyễn Trãi cuối cùng đã không được vua Lê Thái Tông tin dùng. Lễ nhạc có thể ảnh hưởng tới vận khí của bộ máy chính quyền. Thế nên cũng không có gì lạ khi sau đó vài năm, vận nhà Lê rối ren, nội loạn trong triều. Mấy vua Lê bị giết hại. Phải đến khi vua Lê Thánh Tông lên ngôi thì chính sự mới ổn định…

Đến thời đại ngày nay, chúng ta chứng kiến sức mạnh to lớn của âm nhạc. Thời chống Pháp, chống Mỹ, những bài hát cách mạng cổ vũ tinh thần của cả một thế hệ thanh niên lên đường chiến đấu giành độc lập cho đất nước.

Mới đây, việc Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh biểu quyết nhất trí kế hoạch triển khai xây dựng nhà hát Thủ Thiêm tưởng cũng là việc nên làm. Thế nhưng, mảnh đất vàng của dân bị thu hồi lập nhiều dự án không minh bạch, bất công. Bao nhiều người dân Thủ Thiêm phải cay đắng vì dự án. Lễ nhạc không thể xướng lên trong tiếng oán sầu của chúng dân. May sao, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng về sự việc này...

Quả là hòa bình là gốc của nhạc rất đúng với muôn đời.

Mạnh Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/hoa-binh-la-goc-cua-nhac-tintuc428423