Hòa Bình kiến nghị tuyến đường vành đai 5-Vùng thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh

Hòa Bình có nhiều kiến nghị về các dự án kết cấu hạ tầng trong đó có tuyến đường vành đai 5-Vùng thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh

Tuyến đường Vành đai 5 đi qua địa phận Hòa Bình 35 km

Tuyến đường Vành đai 5 đi qua địa phận Hòa Bình 35 km

Phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Hòa Bình mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, Hòa Bình là vùng đệm trung gian tiếp nối giữa đồng bằng châu thổ Bắc Bộ với vùng núi cao miền Tây Bắc của Tổ quốc, là tỉnh nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô.

Do đó, tỉnh Hòa Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, tài nguyên khoáng sản, tiềm năng về con người, vị trí địa lý, là điều kiện thuận lợi để Hòa Bình phát triển mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình đã nỗ lực phấn đấu, đạt được một số kết quả khá tích cực trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, tỉnh Hòa Bình vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Quy mô của nền kinh tế còn nhỏ; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt được mong muốn; khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh còn nhiều điểm nghẽn.

"Nguyên nhân lớn nhất là nút thắt về kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, cả giao thông đối nội và đối ngoại, khiến năng lực cạnh tranh của tỉnh bị ảnh hưởng", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Do đó, tỉnh cần tập trung lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; từ đó xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

Trước mắt, cần tập trung rà soát, bổ sung, cập nhật các Quy hoạch hiện hành, trong đó nâng cấp và mở rộng một số đô thị hiện có gắn với các trung tâm thương mại, đầu mối giao thông để phát triển đô thị là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương thời gian tới.

Quy hoạch và mở rộng thành phố Hòa Bình trở thành thành phố công nghiệp, du lịch, thương mại để Hòa Bình trở thành một trong những hạt nhân phát triển của tiểu vùng Tây Bắc.

Trước hết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường, tỉnh cần tập trung tháo gỡ kịp thời các rào cản, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công;

Tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi để thu hút mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội; chủ động quỹ đất cho phát triển và thu hút đầu tư; bảo đảm công tác giải phóng mặt bằng.

Tập trung cải cách hành chính, giải quyết những vấn đề vướng mắc, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất, đầu tư.

Về những kiến nghị của tỉnh Hòa Bình liên quan đến các dự án, chương trình như: Đầu tư xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước của dự án Hồ chứa nước Cánh Tạng; tuyến đường vành đai 5-Vùng thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; dự án ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội vùng hồ sông Đà giai đoạn 2009-2020..., Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành nghiên cứu các kiến nghị tỉnh Hòa Bình, đồng thời trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

Vĩnh Bảo

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/hoa-binh-kien-nghi-tuyen-duong-vanh-dai-5-vung-thu-do-ha-noi-tren-dia-ban-tinh-73689.htm