Hòa Bình: Hoàn thiện chính sách phát triển du lịch cộng đồng

Xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn kết với phát triển sản phẩm OCOP và du lịch cộng đồng (DLCĐ) đang là hướng đi được tỉnh Hòa Bình triển khai, nhằm phát huy thế mạnh địa phương.

Nhiều tiềm năng

Hòa Bình là tỉnh miền núi với bản sắc văn hóa các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông… mang đậm giá trị nhân văn và truyền thống cần được gìn giữ, bảo tồn. Tỉnh Hòa Bình hiện có 41 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và 53 di tích cấp tỉnh cùng nhiều lễ hội truyền thống các dân tộc…

Du lịch cộng đồng được quan tâm đầu tư, phát triển

Du lịch cộng đồng được quan tâm đầu tư, phát triển

Những năm qua, loại hình DLCĐ trên địa bàn tỉnh được quan tâm, đầu tư phát triển tương đối nhanh. Tỉnh cũng đã ban hành nhiều chương trình, dự án, nhằm thúc đẩy phát triển DLCĐ tại các khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, để phát triển loại hình DLCĐ tương xứng với tiềm năng sẵn có và kết hợp có hiệu quả với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông NTM, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án “Phát triển DLCĐ gắn với Chương trình xây dựng NTM tỉnh Hòa Bình đến năm 2030”.

Hòa Bình hiện có 9 điểm DLCĐ Homestay được công nhận với tổng số hộ tham gia là gần 160 hộ, có 1 điểm DLCĐ được công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) hạng 4 sao, nhiều điểm du lịch đã nhận được giải thưởng Homestay ASEAN… ngoài ra, mô hình DLCĐ tại nhiều địa phương đã được khai thác, phát triển mạnh, tập trung ở các huyện như: Mai Châu, Đà Bắc, Cao Phong, Lạc Sơn, Tân Lạc, Lương Sơn... tạo hàng nghìn việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Tuy nhiên, theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hòa Bình, việc phát huy giá trị cảnh quan, văn hóa trong phát triển DLCĐ, nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống đường giao thông kết nối các làng, bản, điểm đến DLCĐ còn nhiều khó khăn và thiếu đồng bộ; hệ thống cung cấp nước sạch, khu xử lý rác thải, nước thải chưa được quan tâm đầu tư; hạ tầng viễn thông liên lạc chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch; sản phẩm du lịch nghèo nàn, đơn điệu, chất lượng chưa cao. Hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch chưa được đầu tư xứng tầm, việc liên kết ngành giữa du lịch, nông nghiệp và khu vực nông thôn để tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm còn hạn chế. Các chính sách hỗ trợ phát triển DLCĐ và chuẩn hóa sản phẩm OCOP còn thiếu...

Tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương

Cần chính sách phù hợp

Tỉnh Hòa Bình phấn đấu đến năm 2030 sẽ thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho hơn 290 Homestay với sức chứa gần 4.400 người; tổ chức đón trên 1,65 triệu lượt khách tham quan du lịch, trong đó khách quốc tế là gần 1 triệu lượt, khách nội địa gần 700.000 lượt; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt trên 2.000 tỷ đồng. Hỗ trợ xây dựng được 20 điểm DLCĐ; 30 sản phẩm hàng lưu niệm lĩnh vực du lịch đạt từ 3 sao đến 5 sao theo tiêu chuẩn OCOP; hỗ trợ nhân rộng thêm một số mô hình phát triển DLCĐ cho các xã khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối giữa các điểm du lịch và một số hạng mục phụ trợ cho các điểm DLCĐ.

Để phát huy lợi thế về giá trị cảnh quan, văn hóa trong phát triển DLCĐ, đặc biệt là việc gắn kết giữa du lịch, nông nghiệp và khu vực nông thôn, tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm có thương hiệu mang tính cạnh tranh cao, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hòa Bình kiến nghị: Cần có sự phối hợp, nâng cao trách nhiệm của các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước về DLCĐ.

Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích phát triển phù hợp, chi tiết. Đồng thời, cần có quy hoạch tổng thể phát triển các điểm DLCĐ, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo điều kiện phát triển. Xây dựng các chương trình du lịch mới gắn với lĩnh vực nông nghiệp tạo thành các tour, tuyến du lịch trải nghiệm tại địa phương. Xây dựng Bộ nhận diện cho DLCĐ của địa phương, tăng cường công tác quảng bá, hợp tác du lịch với các tỉnh, đối tác du lịch trong nước và quốc tế...

Để đạt được mục tiêu trên, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hòa Bình kiến nghị, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có chính sách hỗ trợ kinh phí, chính sách phát triển. Trong đó, kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm đầu tư công tác tu bổ các di tích lịch sử văn hóa; hỗ trợ nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, tạo điều kiện phát triển loại hình DLCĐ.

Nếu triển khai đồng bộ những nhiệm vụ và giải pháp nêu trên, các sản phẩm OCOP DLCĐ tỉnh Hòa Bình sẽ ngày càng phát triển, có sức cạnh tranh cao trong khu vực; góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phát triển DLCĐ không chỉ tạo ra những sản phẩm hấp dẫn du khách mà còn góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoa-binh-hoan-thien-chinh-sach-phat-trien-du-lich-cong-dong-142552.html