Hòa bình cho Trung Đông: Đường tới đích còn xa

Ngày 28-1 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức công bố Kế hoạch Hòa bình Trung Đông mà ông gọi là 'đề xuất chi tiết và thực tế nhất', 'bước tiến lịch sử', giúp giải quyết các vấn đề tồn tại giữa Israel và Palestine. Bản kế hoạch được kỳ vọng sẽ là cơ sở cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine từng đổ vỡ từ năm 2014, tuy nhiên Palestine và nhiều nước Arab đã lập tức phản đối.

Mỹ và Israel hoan hỷ

Bản kế hoạch dài 80 trang, bao gồm 50 trang cho phần chính trị và 30 trang cho phần kinh tế với khoảng 50 tỷ USD nhằm giúp khôi phục nền kinh tế cho người dân Palestine, Jordan và Ai Cập. Điểm mấu chốt trong kế hoạch này là giải pháp hai nhà nước cho Israel và Palestine.

Cụ thể hơn, Tổng thống Donald Trump đề xuất thành lập nhà nước Palestine với thủ đô là một số khu vực ở Đông Jerusalem, áp dụng một số điều kiện nghiêm ngặt kèm theo. Ngoài ra, Jerusalem vẫn là thủ đô "không thể tách rời của Israel".

Tổng thống Mỹ Donal Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

Tổng thống Mỹ Donal Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

Theo kế hoạch này, Mỹ sẽ công nhận các khu định cư của Israel tại khu Bờ Tây, đổi lại, Israel sẽ phải đồng ý dừng các hoạt động xây dựng khu định cư mới trong vòng 4 năm trong khi đàm phán vấn đề nhà nước Palestine. Kế hoạch này cũng kêu gọi vẽ lại biên giới ở khu Bờ Tây và Đông Jerusalem đồng thời tạo điều kiện cho người dân Palestine xây dựng một nhà nước độc lập ở Đông Jerusalem nếu đáp ứng được một số yêu cầu cụ thể.

"Với kinh nghiệm đàm phán các thỏa thuận của mình, tôi thấy rằng các vấn đề phức tạp cần có các giải pháp dựa trên số liệu thực tế, do vậy, đề xuất của chúng tôi bao gồm các giải pháp chiến thuật chính xác để người dân Israel, Palestine và khu vực được an toàn hơn. Tầm nhìn của tôi bao gồm cơ hội để đôi bên cùng hưởng lợi, đó chính là giải pháp hai nhà nước thực tế nhằm giải quyết các mối rủi ro từ vấn đề nhà nước Palestin đối với an ninh của Israel.

Đây sẽ là một bước đột phá mang tính lịch sử. Tầm nhìn của chúng tôi sẽ mang lại khoản đầu tư thương mại khổng lồ trị giá 50 tỷ USD vào Nhà nước Palestine", ông Trump nói. Theo ông Trump, trong vòng 10 năm tới, nếu thực hiện tốt, 1 triệu việc làm sẽ được tạo ra cho người Palestine, tỷ lệ nghèo sẽ giảm đi một nửa và GDP sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp 3.

Phát biểu bên cạnh Tổng thống Donald Trump, Thủ tướng Israel Netanyahu nói: "Chúng tôi sẽ nhớ đến ngày 28-1-2020. Bởi vì vào ngày này, Tổng thống Donald Trump đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên công nhận chủ quyền của Israel đối với các khu vực ở Judea và Samaria - những nơi có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh của chúng tôi và là trung tâm di sản của chúng tôi.

Khu định cư Maale Adumim (phía dưới) của Israel tại Khu Bờ Tây, ngoại ô Jerusalem, ngày 27-12-2019.

Và cũng chính ngày này, Tổng thống Mỹ đã tạo nên một tương lai rực rỡ cho người Israel, người Palestine và khu vực bằng cách đưa ra một con đường thực tế cho một nền hòa bình lâu dài".

Ông Benjamin Netanyahu tuyên bố sẵn sàng công nhận một Nhà nước Palestine và đóng băng trong vòng 4 năm kế hoạch phát triển các khu định cư: "Nếu chúng tôi nhận được đảm bảo về phi quân sự hóa và những yêu cầu về an ninh, nếu người Palestine công nhận Israel với tư cách mà một Nhà nước Do thái, chúng tôi sẵn sàng đạt được một giải pháp Nhà nước Palestine phi quân sự hóa bên cạnh Nhà nước Do thái phù hợp với thỏa thuận hòa bình thực sự".

Thủ tướng Israel hy vọng Palestine và các nước Arab nên chấp thuận giải pháp do Mỹ đề ra, đảm bảo 1 Nhà nước Palestine trong tương lai, với các khu vực Đông Jerusalem là thủ đô, chung sống "hòa bình" với Israel. Theo ông Netanyahu, đề xuất của Tổng thống Trump cũng sẽ bao gồm việc Mỹ công nhận các khu định cư là một phần của Israel.

Cùng ngày, Anh đã hoan nghênh một cách thận trọng về kế hoạch nói trên của Tổng thống Mỹ. Người phát ngôn Chính phủ Anh cho biết Thủ tướng Boris Johnson đã điện đàm với Tổng thống Trump trước đó. Người phát ngôn nêu rõ: "Các nhà lãnh đạo đã thảo luận về đề xuất hòa bình của Mỹ giữa người Israel và Palestine, vốn có thể chứng tỏ là một bước tiến tích cực".

Thế giới Arab phản ứng dữ dội

Trái ngược với sự hoan hỷ này, nhiều quốc gia Arab đã phản ứng. Điểm "gây tranh cãi nhiều nhất" trong Kế hoạch Hòa bình Trung Đông là việc công nhận chủ quyền các khu định cư tại các vùng đất chiếm đóng cho phía Israel.

Phát biểu sau cuộc gặp với một số phe phái Palestine tại Bờ Tây, Tổng thống Palestine Mahmud Abbas kịch liệt phản đối kế hoạch của Mỹ. Khẳng định "Jerusalem không phải để bán" và lưu ý đây là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai, ông nhấn mạnh "thỏa thuận ngầm này" sẽ không thành hiện thực, đồng thời cam kết ngăn cản kế hoạch này bằng mọi biện pháp.

Nhiều đảng phái chính trị và người dân Palestine cũng đã lên tiếng phản đối kế hoạch hòa bình của Mỹ, cho rằng đây "là một tuyên bố hung hăng, tạo ra sự tức giận cho người dân khu vực; là một món quà của một kẻ ăn trộm dành cho một tên trộm khác".

Thủ tướng Palestine Mohammed Shtayyeh thậm chí kêu gọi cộng đồng quốc tế không tham gia kế hoạch của Mỹ và cáo buộc kế hoạch này vi phạm luật pháp quốc tế.

Hai phong trào đối địch của Palestine là Hamas (đang kiểm soát Dải Gaza) và Fatah sẽ cùng tham gia cuộc họp ở thành phố Ramallah thuộc Bờ Tây để thảo luận về các nỗ lực chung nhằm phản đối kế hoạch hòa bình Trung Đông của tổng thống Mỹ.

Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul Gheit khẳng định việc áp đặt mọi giải pháp đối với cuộc xung đột giữa Palestine và Israel sẽ không thành công. Ông nhấn mạnh đàm phán giữa Israel và Palestine là con đường duy nhất để đạt được một thỏa thuận hòa bình thực sự, nghiêm túc và cân bằng.

Ông này cho biết thêm kế hoạch hòa bình Trung Đông mà Mỹ đưa ra sẽ được thảo luận tại cuộc họp cấp bộ trưởng được Hội đồng AL triệu tập khẩn theo hướng đảm bảo các lợi ích của các nước thế giới Arab và Palestine.

Ngoại trưởng Zarif cho rằng thay vì "Thỏa thuận của thế kỷ" mang tính lừa đảo, "quán quân về dân chủ" tự xưng (ám chỉ Mỹ) tốt hơn hết nên chấp nhận giải pháp dân chủ của Iran do Lãnh tụ tối cao, Đại giáo chủ Ali Khamenei đề xuất: Một cuộc trưng cầu dân ý mà qua đó, tất cả người Palestine (dù là tín đồ Hồi giáo, Do Thái giáo hay Cơ Đốc giáo) đều có thể quyết định tương lai của họ.

Bộ Ngoại giao Syria ra tuyên bố lên án kế hoạch hòa bình mà Tổng thống Trump vừa công bố, cho rằng điều này thể hiện "sự đầu hàng trước Israel" và "thù địch với thế giới Arab". Còn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, kế hoạch là hành động thôn tính, đánh cắp đất đai vốn thuộc về Palestine, giết chết Giải pháp 2 Nhà nước trước đây.

Còn phong trào Hezbollah của Lebanon cho rằng Kế hoạch Hòa bình Trung Đông thể hiện âm mưu "xóa bỏ mọi quyền lợi của người dân Palestine", đồng thời chỉ trích "động thái đáng hổ thẹn này lẽ ra không được thực hiện nếu không có sự đồng lõa và phản bội của một số chế độ Arab"…

Khó có hòa bình cho Trung Đông

Cho tới nay, các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc đều hướng tới giải pháp công bằng, toàn diện và bền vững cho cuộc xung đột dai dẳng Israel-Palestine trên cơ sở nguyên tắc hai nhà nước cùng tồn tại hòa bình, theo đó Israel phải rút khỏi vùng lãnh thổ đã chiếm đóng trái phép, Palestine thành lập một nhà nước độc lập theo đường biên giới trước năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô.

Người Palestine biểu tình ở Dải Gaza phản đối kế hoạch của Tổng thống Mỹ.

Nhưng với kế hoạch hòa bình mới mà Tổng thống Donald Trump vừa đưa ra cho phép Israel giữ lại tất cả các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây, cũng là những vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine sau cuộc chiến năm 1967. Đây được cho là sự hậu thuẫn lớn thúc đẩy Tel Aviv tiếp tục theo đuổi tham vọng mở rộng vùng chiếm đóng.

Rõ ràng cách tiếp cận của Mỹ trong vấn đề khu định cư Do Thái đi ngược lại nguyên tắc về giải pháp hai nhà nước được quốc tế ủng hộ. Chính Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng khẳng định, cơ quan này sẽ đứng ra làm trung gian để giải quyết các bất đồng giữa Israel và Palestine, dựa theo luật pháp quốc tế, các Nghị quyết trước đây và giải pháp 2 Nhà nước dựa trên đường biên giới có trước năm 1967.

Theo các nhà phân tích, một bản kế hoạch thiên lệch, không dựa trên sự cân bằng về lợi ích cho các bên mà chỉ nhằm phục vụ toan tính của Mỹ và Israel không những không tạo ra đột phá, thậm chí còn tiếp tục đẩy Trung Đông vốn đã rối ren càng lún sâu thêm vào khủng hoảng.

Steven Cook, chuyên gia thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại của Mỹ cho rằng, người Palestine đã thẳng tay bác bỏ bản kế hoạch hòa bình của Tổng thống Donald Trump, bởi nó không khác gì cách mà người Israel đang làm nhằm ngăn cản mọi yêu cầu chủ quyền của Palestine.

Còn đối với chuyên gia Michel Dunne, thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế, không gì cho thấy bản kế hoạch này có thể dẫn các bên đi tới bàn đàm phán; nếu có một điểm cần phải nhớ trong bản kế hoạch này, đó là đặt biên giới phía Đông của Israel trên Thung lũng Jordan và tất cả những gì trao cho người Palestine đều tạm thời, có điều kiện và xa vời về thời gian, vì thế khó có khả năng mà đạt được.

Michel Dunne cho rằng đây dường như là bản kế hoạch hòa bình của 1 bên duy nhất và chỉ nhằm đạt một mục tiêu chính trị, đó là giúp Thủ tướng Benjamin Netanyahu trong cuộc chiến tư pháp - chính trị ở trong nước và gửi thông điệp tới cử tri Israel về một sự ủng hộ chắc chắn của nhà lãnh đạo Mỹ;.

Theo chuyên gia Robert Statloff thuộc Viện Nghiên cứu chính sách Cận Đông ở Washington, những nguyên tắc mang tính hiện thực đang bị Chính quyền Tổng thống Donald Trump cố tình hiểu sai để đáp ứng mọi đòi hỏi của Israel. Thung lũng Jordan không chỉ đơn giản là vấn đề an ninh, mà là chủ quyền của Israel và mọi khu định cư của Israel ở Bờ Tây đều có thể bị sáp nhập vào lãnh thổ nước này. Có quá nhiều điểm mà người Palestine không thể chấp nhận.

Ngọc Trang (Tổng hợp)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/hoa-binh-cho-trung-dong-duong-toi-dich-con-xa-579934/