Hòa bình cho những cơn đau

Hòa bình từ xưa đến nay đều vật vã sinh nở từ những cơn đau. Biết vậy. Nhưng với giải thưởng Nobel Hòa bình 2018 vừa được công bố, càng không khỏi bàng hoàng.

Bởi không thể trả lời câu hỏi, vì sao đến tận thế kỷ 21 rồi, mà hòa bình đơn giản nhất dành cho con người còn phải đối mặt với bao nỗi đớn đau, khốc liệt, tàn bạo đến mức hoang dại như vậy?

Lần này, một trong hai cái tên được trao giải thưởng cao quý nhất mang tên Hòa Bình, là bác sĩ Denis Mukwege đến từ Cộng hòa Dân chủ Congo. Quốc gia Trung Phi nghèo nhất nhì hành tinh, với lịch sử bị giằng xé bởi những cuộc nội chiến tàn khốc. Không chỉ lao động nô lệ, buôn người, xung đột sắc tộc, mà còn là “nơi tồi tệ nhất trên trái đất đối với phụ nữ” với nạn bạo lực tình dục, theo bình luận của báo chí quốc tế.

Ở nơi chốn như vậy, vị bác sĩ phụ khoa 63 tuổi ấy đã không quản hiểm nguy dành gần hết cuộc đời mình để bảo vệ và cứu chữa hàng ngàn nạn nhân của bạo lực tình dục. Chia sẻ, hàn gắn từng nỗi đau thân phận phụ nữ.

Chủ nhân thứ hai của Nobel Hòa bình năm nay chính là hiện thân của hàng triệu nạn nhân như vậy. Nadia Murad – cô gái 25 tuổi người Iraq, người sống sót sau những tháng ngày liên tục bị cưỡng hiếp, đánh đập, ngược đãi bởi những kẻ thuộc Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Bốn năm trước, Murad bị IS bắt cóc cùng các chị em gái của mình. Trong khi nam giới và những phụ nữ đứng tuổi trong làng không thể sử dụng cho mục đích cưỡng bức tình dục đều bị giết. Mãi sau này Murad mới biết mẹ cùng 5 anh em trai của mình đã bị sát hại trong đợt ấy. Cô đã vượt qua nỗi sợ hãi, quả cảm đứng lên trở thành nhà hoạt động nhân quyền bảo vệ phụ nữ.

Bốn năm trước, lên nhận giải thưởng Nobel Hòa Bình 2014, chiếc khăn trùm đầu dường như không che nổi những vết đạn trên đầu, trên cổ cô bé 17 tuổi Malala Yousafzai đến từ Pakistan.

“Malala” theo tiếng Pashtun dân tộc em có nghĩa là “đau buồn”. Khi mới 11 tuổi Malala đã vượt qua nỗi sợ hãi đấu tranh chống lại Taliban bằng những bài viết mạnh mẽ. Một cái “tội” có thể bị phiến quân Taliban chặt đầu bất cứ lúc nào. Và rồi, năm 2012, trên đường đi học về cô bé bị các tay súng của tổ chức Hồi giáo cực đoan này xả đạn vào đầu...

Lịch sử giải Nobel Hòa bình suốt hơn trăm năm qua, đa phần được trao cho các tổ chức, cá nhân có danh tiếng và quyền lực. Bằng vị trí và sức mạnh của mình, họ liên kết đấu tranh vì hòa bình, công bằng, bác ái. Thế nhưng gần đây, những gương mặt nhận sự vinh danh này không ít người có thân phận nhỏ bé, số phận đớn đau, và là nữ giới, đến từ những mảnh đất bất hạnh.

Không bao giờ chiến tranh vắng khuôn mặt phụ nữ. Dẫu cho giải thưởng Nobel văn chương 2015 từng vinh danh nữ văn sĩ, nhà báo người Belarus Svetlana Alexievich với tác phẩm “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ”. Thì kỳ thực trong chính cuộc chiến Vệ quốc ấy, và vô vàn những cuộc chiến âm thầm khác khắp mọi nơi, nữ giới luôn ở tuyến đầu. Của nỗi đau và sự mất mát đến tận cùng.

“Ở vào thập niên 1990, khi đó tất cả chúng ta những tưởng, rằng chúng ta đã bước vào một thế giới an toàn - Svetlana Alexievich đã nói trong bài diễn từ nhận giải Nobel của mình - Nhưng thời đại man rợ lại đến. Thời của bạo lực. Dân chủ thoái lui. Nay chúng ta là người chứng kiến một cuộc chiến mới giữa thiện và ác. Người chứng kiến và kẻ tham dự”.

Để thấy từng phút từng giây, hòa bình được đánh đổi bằng cái giá lớn như thế nào.

Trí Quân

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/hoa-binh-cho-nhung-con-dau-1331503.tpo