Hòa Bình: Chó cắn cả nhà, hai bố con tử vong nghi mắc bệnh dại

Chiều 4/4, UBND xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, cho biết trên địa bàn thôn Lộc Môn của xã vừa có 2 người tử vong là bố con nghi do bị chó cắn.

Theo đó, cả gia đình này bị chó cắn trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Con chó ngay sau đó bị chém chết nhưng gia đình lại không đi tiêm phòng dại. Ngày 31/3, người bố bị nấc, khó thở, có biểu hiện sợ nước, ánh sáng, tiếng động, tinh thần hoảng loạn, tiếp xúc chậm, nhịp thở yếu… được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Lương Sơn cấp cứu rồi chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Tiên lượng bệnh nhân không qua khỏi, gia đình đã xin cho bệnh nhân cho về. Đến chiều ngày 2/4 người đàn ông qua đời. Đến đêm ¾, người con trai tiếp tục tử vong. Còn người vợ và con gái đã tiêm phòng dại mới đây chưa phát bệnh.

Chia sẻ về bệnh dại, BS. Nguyễn Trung Cấp (Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương) cho biết mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 50 ca bị bệnh dại. Đáng lo ngại, tỷ lệ tử vong của căn bệnh này là 100%.

“Đối tượng mắc bệnh dại thường do bị chó lạ cắn, chó nhà nuôi bị ốm. Những loại này đều có nguy cơ cao mắc bệnh dại nên truyền trực tiếp virus sang người. Do không kịp thời tiêm phòng, khi căn bệnh phát tác, người bệnh không còn cơ hội sống sót.

Chó mắc bệnh dại thường sống không quá một tuần. Nếu sau 10 ngày, con vật vẫn sống khỏe mạnh, người bị cắn không mắc bệnh. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đã giết ngay con chó sau khi bị tấn công dẫn tới việc không biết được khả năng mắc bệnh dại của mình”, BS Nguyễn Trung Cấp nói.

Cái chết thương tâm của hai bố con ở Hòa Bình có thể nằm trong tình huống này. Trước đó, một bệnh nhân nữ ở Bắc Giang cũng chết vì lý do tương tự, khi chó bị giết ngay sau một hôm cắn người.

Do đó, bác sĩ Cấp nhấn mạnh: “Nếu sau khi bị cắn, con chó bị giết hoặc chạy mất, người bị cắn cần ngay lập tức đi tiêm phòng. Ngoài ra, nếu bị tấn công ở mức độ nhiều tổn thương hoặc ở vị trí đầu mạch, vùng mặt, cổ, bộ phận sinh dục, người dân cũng cần phải tiêm phòng ngay. Virus dại phát tán rất nhanh ở những bộ phận này. Thậm chí, nhiều trường hợp dù đã tiêm phòng, khi thuốc chưa kịp phát huy tác dụng, bệnh nhân đã tử vong”.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh dại đang tăng cao trở lại, với số ca tử vong năm sau cao hơn năm trước. Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cảnh báo, đáng tiếc là 15 đến 20% ca bệnh tử vong do nạn nhân tự ý điều trị bằng thuốc nam, chỉ đến khi phát bệnh mới đưa đến cơ sở y tế, cho nên không thể cứu chữa.

Đề cập đến vấn đề này, PG,TS Đỗ Duy Cường, Trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh dại là bệnh gây ra do vi-rút dại lây truyền từ các loại động vật như chó, mèo… sang người, chủ yếu qua vết cắn hoặc vết trầy xước trên cơ thể. Hầu hết các trường hợp gây bệnh dại ở người tại Đông - Nam Á là do chó cắn. Thời gian ủ bệnh sau khi bị cắn thường vài tuần, có thể vài tháng, thậm chí hàng năm, tùy thuộc vào số lượng, mức độ tổn thương và vị trí của vết cắn có gần thần kinh trung ương hay không. Triệu chứng điển hình của bệnh dại thường là thể hung dữ với bệnh cảnh, sợ nước, sợ gió, kích thích, rối loạn thần kinh thực vật, tăng tiết nước bọt,… Ngoài ra, bệnh dại thể liệt có thể gây liệt các chi rồi đến liệt toàn thân và tử vong nhanh chóng.

Cũng theo PGS,TS Đỗ Duy Cường, khuyến cáo, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cho nên việc tiêm vắc-xin dự phòng bệnh dại sau phơi nhiễm là bắt buộc nếu bị chó, mèo hay các động vật khác bị dại hoặc nghi ngờ bị dại cắn. Người bị chó cắn tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Trong thời gian tiêm phòng vẫn phải tiếp tục theo dõi con chó đã cắn mình. Nếu sau mười ngày con chó bình thường, không phải chó dại, thì có thể dừng tiêm.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, nếu không may bị chó cắn, mèo cắn, cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà-phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn i-ốt hoặc povidone-iodine (nếu có); hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương. Đối với vết thương do chó cắn, người dân cần xử lý bằng cách rửa, sát trùng. Nếu vết cắn phức tạp, gia đình nên đưa nạn nhân đến bệnh viện.

Chuyên gia khuyến cáo để bảo vệ tính mạng cho bản thân và cộng đồng, tất cả chó mèo đều cần tiêm vắc xin. Người có sở thích nuôi thú cưng nên hạn chế dẫn chó tới những nơi đông người hoặc rọ mõm trước khi đi để tránh nguy cơ chúng tấn công người khác.

Huyền Anh

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/hoa-binh-cho-can-ca-nha-hai-bo-con-tu-vong-nghi-mac-benh-dai-post295477.info